Chứng khoán Mỹ có thể tiếp tục tăng thêm 30%?

Chứng khoán Mỹ có thể tiếp tục tăng thêm 30%?

Jeremy Siegel, Giảng viên tài chính Trường Wharton, dự báo đà tăng của chứng khoán Mỹ sẽ kéo dài ít nhất cho đến hết năm nay. Tuy nhiên, ông cũng cho biết nhà đầu tư phải thật cẩn trọng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh chính sách tiền tệ nới lỏng.

“Đà tăng sẽ chưa chấm dứt cho đến khi Fed nghiêng hẳn về phía điều chỉnh chính sách. Đó là lúc bạn nên lo ngại. Ý tôi là chúng ta có thể chứng kiến thị trường tăng thêm 30-40% trước khi quay đầu lao dốc 20% sau khi Fed điều chỉnh chính sách”, ông Siegel cho biết trên chương trình “Halftime Report” trong ngày 08/04. “Chúng ta chưa tới hiệp thứ 9 đâu (ý so sánh với 9 hiệp của bóng chày). Có vẻ như chúng ta chỉ mới tới hiệp 3 của cú bùng nổ này”.

Jeremy Siegel, Giảng viên tài chính Trường Wharton

Siegel kỳ vọng nền kinh tế Mỹ bùng nổ trong năm nay, khi các biện pháp giới hạn kinh tế trong kỷ nguyên Covid-19 được gỡ bỏ và việc tiêm chủng vắc-xin cho phép hoạt động du lịch và các hoạt động khác hồi phục trở lại. Dù vậy, điều đó có nghĩa là sẽ giải phóng áp lực lạm phát, ông nói.

“Tôi nghĩ lãi suất và lạm phát sẽ tăng vượt mức dự báo của Fed. Chúng ta sẽ có một năm lạm phát cao. Tôi nghĩ lạm phát sẽ ở mức 4-5%”, vị chuyên gia cho biết.

Các yếu tố kinh tế sẽ buộc Fed phải hành động sớm hơn dự tính hiện tại, ông Siegel nhận định. “Thế nhưng, trong thời gian Fed chưa điều chỉnh, hãy tận hưởng con sóng này. Nó sẽ tiếp diễn cho tới cuối năm nay”.

Chứng khoán Mỹ tiếp tục leo dốc trong ngày 08/04, trong đó chỉ số S&P 500 lập kỷ lục 2 phiên liên tiếp, Nasdaq Composite tăng 1%. Dow Jones tuy vẫn tăng nhưng khép phiên dưới mức kỷ lục của ngày 05/04.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm gần như đi ngang trong thời gian gần đây, ở mức dưới 1.7%. Đà tăng nhanh chóng của lợi suất trái phiếu trong năm 2021 đã giáng đòn nặng nề tới các cổ phiếu tăng trưởng như cổ phiếu công nghệ, vì chi phí đi vay cao hơn làm xói mòn giá trị của những khoản lợi nhuận tương lai và siết định giá của các công ty.

Thị trường trái phiếu đang phát tín hiệu cảnh báo về lạm phát. Các trader đang đẩy lợi suất trái phiếu đi lên với niềm tin tăng trưởng kinh tế và lạm phát mạnh hơn sẽ buộc Fed nâng lãi suất và giảm quy mô mua tài sản sớm hơn dự kiến.

Tại cuộc họp tháng 3/2021, Fed nâng mạnh kỳ vọng tăng trưởng nhưng phát tín hiệu không nâng lãi suất cho tới năm 2023 mặc dù triển vọng tươi sáng hơn và lạm phát cao hơn.

Hôm 08/04, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng lặp lại lập trường chính sách của NHTW, cho biết tại hội thảo của IMF rằng quy mô mua tài sản “sẽ tiếp tục ở mức hiện tại cho tới khi đạt được những bước tiến đáng kể trong các mục tiêu của chúng tôi”.

“Chúng tôi không xem xét tới những dự báo. Thay vào đó, chúng tôi nhìn vào những bước tiến thực tế và nhờ đó chúng tôi có thể đo lường được các yếu tố này”, ông Powell cho biết.

Cho tới nay, ông Powell cho biết đà hồi phục kinh tế diễn ra “không đồng đều và chưa đạt 100%”.

Trước các nhận định của Chủ tịch Powell tại hội thảo của IMF, ông Siegel cho biết: “Tôi chưa bao giờ nghe thấy Chủ tịch Fed lại ‘bồ câu’ đến thế này”.

Thị trường chứng khoán Mỹ vẫn hấp dẫn?

Ông Siegel cho rằng thị trường chứng khoán có thể tiếp tục tăng bất chấp đà tăng của lạm phát. Một trong những lý do chính mà ông đưa ra là sở hữu cổ phiếu vẫn tốt hơn là giữ trái phiếu hoặc tiền mặt.

“Mọi người đang suy ngẫm ‘được rồi, giờ thì lạm phát cao hơn và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đang tăng, vậy thì tôi sẽ làm gì với tiền của mình? Liệu tôi có muốn ra khỏi thị trường chứng khoán hay không khi mà các công ty có sức mạnh định giá cao hơn so với 2 thập kỷ trước đó?’ Câu trả lời là không’”, ông Siegel cho biết.

“Nhưng rồi cũng sẽ đến lúc Fed nhảy vào và nói ‘Wow, lạm phát đã có vẻ quá cao’. Đó là lúc phải cẩn trọng. Tôi sẽ không cẩn trọng tại thời điểm này. Tôi vẫn nghĩ thị trường con bò sẽ kéo dài cho đến hết năm 2021”, vị chuyên gia này nhận định.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI