VN-Index: Mẫu hình nhỏ hàm ý lớn

VN-Index: Mẫu hình nhỏ hàm ý lớn

VN-Index đang gặp khó quanh ngưỡng 1,200 điểm, và tâm lý nhà đầu tư đang trở nên thận trọng. Đồng thời, chỉ số cũng hình thành mẫu hình chữ nhật hàm ý về sự tích lũy trong ngắn hạn. Nếu chỉ số vượt được cận trên mẫu hình này thì mục tiêu giá sẽ là ngưỡng 1,250 điểm và hình thành xu hướng tăng dài hạn, ngược lại nếu điều chỉnh dưới 1,150 điểm thì chỉ số có thể về lại ngưỡng 1,100 điểm và xác nhận xu hướng giảm ngắn hạn.

Mẫu hình chữ nhật

Sau xu hướng tăng mạnh từ tháng 3/2020, VN-Index đang tiếp cận ngưỡng kháng cự quan trọng, 1,200 điểm, đây là đỉnh cao lịch sử trong quá khứ. Chỉ số đã kiểm định ngưỡng này 2 lần trong những năm trước và 3 lần trong năm 2021 nhưng đều thất bại và không thể vượt ngưỡng này để hình thành xu hướng tăng mới.

Tâm lý của nhà đầu tư cũng trở nên thận trọng trong ngắn hạn, và hình thành mẫu hình tích lũy, mẫu hình chữ nhật. Mẫu hình này có cận trên là vùng 1,200 điểm và cận dưới là ngưỡng 1,150 điểm. Chiều cao của mẫu hình là 50 điểm, chiều cao này được tính bằng cách lấy cận trên trừ cận dưới 1,200 điểm - 1,150 điểm.

Mẫu hình tích lũy hàm ý về sự chững lại trong xu hướng, sự lưỡng lự của nhà đầu tư trong ngắn hạn. Đồng thời, chuẩn bị cho xu hướng mới (xu hướng tăng hoặc giảm) trong tương lai, với mẫu hình chữ nhật hiện tại sẽ có 2 kịch bản có thể được xác nhận:

  • Kịch bản 1: Chỉ số phá cận trên mẫu hình chữ nhật, vượt ngưỡng 1,200 điểm, quá đó xác nhận xu hướng tăng trong ngắn hạn, mục tiêu giá với trường hợp này là vùng 1,250 điểm (1,200 điểm + 50 điểm).
  • Kịch bản 2: Chỉ số phá cận dưới mẫu hình chữ nhật, điều chỉnh dưới ngưỡng 1,150 điểm, qua đó xác nhận xu hướng giảm trong ngắn hạn, mục tiêu giá với trường hợp này là vùng 1,100 điểm (1,150 điểm - 50 điểm).

Nhà đầu tư cần lưu ý là xu hướng tăng hoặc giảm chỉ được xác nhận khi chỉ số phá vỡ ngưỡng 1,200 điểm hoặc 1,150 điểm, đóng cửa dưới một trong 2 ngưỡng này. Nhà đầu tư giao dịch theo tín hiệu phá vỡ không nên hành động trước tín hiệu, chờ đợt sự xác nhận xu hướng là điều quan trọng hiện tại.

Hình 1. Đồ thị ngày của VN-Index từ 8/2020 đến nay

Chu kỳ 3 năm

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang bị chi phối bởi các chu kỳ 3 năm, tức cứ 3 năm một lần sẽ hình thành một đáy quan trọng, thị trường đã hình thành được sáu chu kỳ 3 năm và hiện đang ở trong chu kỳ 3 năm thứ VII. 

Ở thời điểm hiện tại, ngưỡng 1,200 điểm đang đóng vai trò là ngưỡng cản mạnh với thị trường, nếu VN-Index có thể vượt trên ngưỡng 1,200 điểm thì mục tiêu giá không chỉ là 1,250 điểm (mục tiêu giá của mẫu hình chữ nhật theo kịch bản 1), mà có thể còn cao hơn. Vì khi vượt 1,200 điểm, chỉ số sẽ xác nhận xu hướng tăng trong dài hạn và chu kỳ 3 năm hiện tại sẽ là chu kỳ tăng giá và thời gian tăng giá của thị trường có thể kéo dài thêm hơn 1 năm nữa.

Hình 2. Chu kỳ 3 năm của VN-Index

Chu kỳ một năm

Các chu kỳ 3 năm có thể được chia tách thành các chu kỳ con, là các chu kỳ 1 năm. Một chu kỳ 3 năm sẽ có 2-3 chu kỳ 1 năm. Đáy tháng 3/2020, vừa là đáy chu kỳ 3 năm vừa là đáy chu kỳ 1 năm.

Với chu kỳ 1 năm, thời gian hình thành đáy là từ 10-14 tháng, do đó đáy của chu kỳ 1 năm (bắt đầu từ đáy tháng 3/2020) sẽ rơi vào khoảng thời gian từ tháng 1-5/2021. Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện tại, chỉ số vẫn chưa hình thành đáy này, VN-Index cần đóng cửa dưới đường MA 125 kỳ trên đồ thị ngày để xác nhận đáy chu kỳ 1 năm. Do đó, từ nay đến tháng 5/2021, chỉ số cần điều chỉnh đóng cửa dưới đường MA 125 kỳ để xác nhận đáy, sau đó mới có thể đi vào chu kỳ 1 năm tiếp theo. Phương pháp nghiên cứu về chu kỳ được sử dụng trong bài dựa trên những nghiên cứu của Raymond A. Merriman, và được trình bày một phần trong bài viết Tính chu kỳ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hình 3. Chu kỳ 1 năm của VN-Index từ tháng 3/2020 đến nay

Nếu kịch bản 2 với mẫu hình chữ nhật diễn ra, chỉ số sẽ điều chỉnh về vùng 1,100 điểm và hình thành xu hướng giảm. Điều này hàm ý về đáy chu kỳ 1 năm có thể được hình thành ở kịch bản này, hay chỉ số sẽ có thể điều chỉnh thấp hơn ngưỡng 1,100 điểm. Mà MA 125 kỳ đang có giá trị 1,050 điểm nên chỉ số rất có thể điều chỉnh về dưới mốc 1,050 điểm. Lưu ý mốc 1,050 điểm được tính dựa trên MA 125 kỳ, trong thời gian tới giá trị này có thể được thay đổi khi đường MA 125 kỳ đi lên.

Như vậy, với sự xác nhận mẫu hình chữ nhật, nếu chỉ số vượt 1,200 điểm thì chu kỳ tăng trưởng 3 năm sẽ được xác nhận và tiếp tục, lúc này chỉ số không chỉ có thể đạt mốc 1,250 điểm theo mục tiêu giá của mẫu hình mà còn có thể tiến lên các ngưỡng cao hơn như 1,400 điểm. Ngược lại, nếu điều chỉnh dưới 1,150 điểm, chỉ số sẽ hình thành sự điều chỉnh để tạo lập đáy chu kỳ 1 năm và có thể điều chỉnh sâu về dưới mốc 1,050 điểm.

Nhà đầu tư cần lưu ý là xu hướng tăng hoặc giảm chỉ được xác nhận khi chỉ số phá vỡ ngưỡng 1,200 điểm hoặc 1,150 điểm, đóng cửa dưới một trong 2 ngưỡng này. Nhà đầu tư giao dịch theo tín hiệu phá vỡ không nên hành động trước tín hiệu, chờ đợt sự xác nhận xu hướng là điều quan trọng hiện tại.

Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng nhóm phân tích chiến lược, Chứng khoán KIS Việt Nam

FILI