NHTW Campuchia giữ tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở mức thấp đến ngày 30/06

NHTW Campuchia giữ tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở mức thấp đến ngày 30/06

Ngân hàng Trung ương Campuchia (NBC) thông báo sẽ duy trì tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) tại mức thấp 7% cho đến 30/06 nhằm đảm bảo thanh khoản trong lĩnh vực ngân hàng để thực hiện thêm các khoản cho vay và thúc đẩy hoạt động kinh tế, theo Phnom Penh Post.

Quyết định trên được đưa ra tại phiên họp của Ủy ban Chính sách Tiền tệ của NBC hồi giữa tháng 2 do Thống đốc NBC Chea Chanto chủ trì. Phiên họp được tổ chức nhằm rà soát các cập nhật về tình hình kinh tế toàn cầu, sự tiến triển và cả thách thức đối với lĩnh vực tài chính và kinh tế vĩ mô Campuchia cũng như các hành động chính sách tiền tệ trong tương lai.

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc là quy định về khoản tiền mặt tối thiểu mà mỗi ngân hàng hay tổ chức tài chính phải nắm giữ dưới dạng dự trữ. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng đối với đồng ngoại tệ (USD) và đồng Riel (KHR) tại Campuchia trước đây lần lượt là 12.5% và 8%. Tuy nhiên, hồi tháng 3/2020, NBC đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho cả USD và KHR xuống còn 7%.

Động thái mới đây của NBC được đa số những người trong ngành ủng hộ. Ông Shin Chang-moo, Chủ tịch kiêm CEO của Ngân hàng thương mại Phnom Penh (PPCBank), đánh giá cao việc duy trì tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở mức thấp như hiện nay.

Việc điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đã mang lại nguồn thanh khoản rất cần thiết và là sự hỗ trợ to lớn cho các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính vi mô nhận tiền gửi (MDI), những đối tượng mà ông Shin nhấn mạnh là những người tham gia tích cực vào chương trình tái cơ cấu khoản vay của Ngân hàng Trung ương

Ông Shin cho rằng: “Khi đà hồi phục kinh tế và lĩnh vực ngân hàng trông không quá hứa hẹn vào đầu năm 2021, quyết định của NBC về việc giữ tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở mức thấp cho đến hết nửa đầu năm nay là rất phù hợp với nhu cầu thị trường và nhận được sự đa số sự đồng thuận”.

Vị chuyên gia này nói thêm:  “Ngay cả trong trường hợp kinh tế phục hồi theo hình chữ V thì lĩnh vực ngân hàng vẫn cần thêm thanh khoản để hỗ trợ cho sự phục hồi đó. Khi thị trường tài chính trở lại trạng thái bình thường, tôi hy vọng toàn bộ chính sách về tỷ lệ dự trữ sẽ được xem xét và sửa đổi để thân thiện hơn với thị trường và phù hợp với các mục tiêu chính sách”.

Ông Say Sony, Phó chủ tịch của Tổ chức tài chính vi mô PRASAC cũng hoan nghênh quyết định của NBC, ông cho rằng động thái này sẽ mang lại thêm “nguồn tài chính” để các ngân hàng và tổ chức tài chính gia tăng các khoản cho vay cho khách hàng.

Ông nói: “Chúng tôi đánh giá cao quyết định của NBC trong việc giữ tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở mức 7% đối với USD và KHR cho đến hết nửa đầu năm nay. Quyết định gia hạn này là động lực chính thúc đẩy thanh khoản, qua đó tạo điều kiện cho các ngân hàng quản lý tốt hơn quy trình cho vay của họ với mục đích chung là thúc đẩy sự phục hồi kinh tế Campuchia khỏi tình trạng ảm đạm do Covid-19 gây ra”.

Ông In Channy, Chủ tịch kiêm CEO của ACLEDA Bank – một trong số những ngân hàng thương mại lớn nhất tại Campuchia, cho rằng thông qua NBC với tư cách là nhà điều hành lĩnh vực ngân hàng, Chính phủ đã áp dụng các biện pháp hạn chế tính pháp lý có hiệu quả và kịp thời nhằm đảm bảo đủ vốn cho các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực này.

Ông Channy nói: “Như một phần trong các biện pháp nới lỏng quy định của Chính phủ cho lĩnh vực ngân hàng, yêu cầu về dự trữ bắt buộc đã giảm xuống còn 7%. Điều rất quan trọng đó là chúng tôi có thêm khoản tiền mặt có sẵn lên tới hàng tỷ USD để đóng góp vào xu hướng tăng trưởng trong năm 2020”.

Theo báo cáo thường niên năm 2020 của NBC, tổng tài sản của các ngân hàng và tổ chức tài chính vi mô tại Campuchia đã tăng lên 59.4 tỷ USD tính đến cuối năm, tăng 15.7% so với năm 2019. Dư nợ tăng 14.8% lên 37.3 tỷ USD; tổng tiền gửi tăng 15.4% lên 33.8 tỷ USD.

Khai Tâm (Theo Phnom Penh Post)

FILI