Ngân hàng nào đã hoàn thành kế hoạch tăng vốn?

Ngân hàng nào đã hoàn thành kế hoạch tăng vốn?

Tăng vốn điều lệ là một trong những mục tiêu quan trọng đã được hầu hết các ngân hàng đề ra trong năm 2020. Thế nhưng, có bao nhiêu ngân hàng đã hoàn thành được kế hoạch đã đề ra trong năm Covid vừa qua?

Ngay từ đầu năm 2020, kể từ khi Thông tư 41/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hiệu lực thi hành thì các ngân hàng đã bắt đầu ráo riết lên kế hoạch tăng vốn để đáp ứng được các chỉ tiêu an toàn vốn theo chuẩn Basel II.

Vấn đề đặt ra cho các nhà băng là làm thế nào phải tuân thủ quy định của Basel II mà vẫn đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định tối thiểu 8%, đảm bảo hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Theo dữ liệu từ VietstockFinance, tính đến 31/12/2020, có 13/28 ngân hàng đã tăng vốn điều lệ so với đầu năm. Trong đó, HDBank (HDB) là nhà băng đã tăng vốn mạnh nhất 65% so với đầu năm và đã hoàn thành kế hoạch đề ra.

Theo đó, sau 2 đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và thưởng cổ phiếu, vốn điều lệ của HDBank tăng lên mức 16,088 tỷ đồng.

Kế đến là SHB đã tăng vốn điều lệ 46%, lên mức 17,558 tỷ đồng thông qua phát hành hơn 500 triệu cp. Tuy nhiên, SHB vẫn chỉ thực hiện được 91% kế hoạch 19,314 tỷ đồng vốn điều lệ đã đề ra cho năm 2020.

Trong kế hoạch năm đã được thông qua tại ĐHĐCĐ 2020, OCB đề ra mục tiêu vốn điều lệ của OCB sẽ tăng từ 7,899 tỷ đồng lên hơn 11,275 tỷ đồng.

Tuy nhiên, OCB chỉ thực hiện được 97% kế hoạch trên sau khi tăng được gần 39% vốn điều lệ so với đầu năm, nâng được vốn lên mức 10,959 tỷ đồng.

Xét về quy mô vốn điều lệ, dù không tăng vốn trong năm qua, nhưng nhóm các ngân hàng quốc doanh vẫn luôn giữ vững được vị trí đầu ngành của mình với BIDV (40,220 tỷ đồng), VietinBank (CTG, 37,234 tỷ đồng) và Vietcombank (VCB, 37,089 tỷ đồng).

Dẫn đầu trong nhóm ngân hàng TMCP là Techcombank (TCB) với vốn điều lệ 35,049 tỷ đồng và đã hoàn thành được kế hoạch đề ra. MB cũng hoàn thành kế hoạch tăng vốn sau khi phát hành hơn 361.7 triệu cp để trả cổ tức năm 2019, tăng vốn điều lệ thêm hơn 3,617 tỷ đồng. Vốn điều lệ của MB tăng từ hơn 24,370 tỷ đồng lên mức gần 27,988 tỷ đồng bằng cách phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 15%.

Tốc độ hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ của các ngân hàng trong năm 2020. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Như vậy, trong năm qua, chỉ có Techcombank, MB, ACB, HDBank, SeABank, VIBLPB là hoàn thành được kế hoạch tăng vốn đã đề ra.

Trong khi vẫn có những ngân hàng dù đề ra kế hoạch nhưng lại chưa tăng được vốn như Vietbank (VBB), BVB, SCB.

Vốn điều lệ của các ngân hàng tính đến 31/12/2020. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết việc tăng vốn của các ngân hàng trong thời gian tới chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn, do đó các ngân hàng cần phải khai thác hết 4 phương thức lâu nay vẫn đề xuất và làm. Thứ nhất là kêu gọi hoặc bán vốn cho cổ đông chiến lược, bán cho nhà đầu tư tài chính nước ngoài. Thứ hai là tiếp tục đề xuất với Bộ tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ cho phép giữ lại một phần cổ tức. Thứ ba là tiếp tục phát hành trái phiếu dài hạn, để tăng vốn cấp 2. Cuối cùng là đề xuất cho phép phát hành cổ phiếu cho nhân viên (ESOP).

Và chắc hẳn trong năm nay các ngân hàng cũng sẽ tiếp tục đề ra mục tiêu tăng vốn trong kế hoạch của mình, vì còn rất nhiều nhà băng chưa tăng được vốn trong năm qua cũng như để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn. Cùng chờ đón các kế hoạch của ngân hàng trong mùa ĐHĐCĐ sắp tới có thay đổi mạnh mẽ nào.

Cát Lam

FILI