GDP Mỹ có thể tăng trưởng 10% trong quý 1?

GDP Mỹ có thể tăng trưởng 10% trong quý 1?

Nền kinh tế Mỹ khởi sắc trở lại trong năm 2021, trong đó tăng trưởng quý 1/2021 có thể vượt cả những kỳ vọng lạc quan nhất.

Theo số liệu do Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM), lĩnh vực sản xuất tăng trưởng mạnh nhất kể từ tháng 8/2018. Báo cáo này giúp xác thực đánh giá của giới chuyên gia rằng trong quý 1/2021, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh hơn nhiều so với dự báo tăng trưởng một con số ở ngưỡng thấp đưa ra hồi cuối năm ngoái.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khu vực Atlanta mới đây dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 10% trong 3 tháng đầu năm. Cơ quan này theo dõi dữ liệu ở thời gian thực (real time) để ước tính thay đổi của GDP.

Trước đó, một báo cáo công bố ngày 26/02 cho thấy thu nhập cá nhân của người Mỹ tăng 10% trong tháng 1/2021, chủ yếu nhờ vào khoản hỗ trợ tiền mặt trực tiếp 600 USD mỗi người từ gói kích cầu 900 tỷ USD. Tổng tài sản của các hộ gia đình Mỹ tăng thêm gần 2 ngàn tỷ USD trong tháng, trong khi chi tiêu chỉ tăng 2.4%, tương đương mức tăng 340.9 tỷ USD.

Những dữ liệu tích cực trên cộng thêm với lượng tiền tiết kiệm của người Mỹ tăng thêm gần 4 ngàn tỷ USD cho thấy không chỉ một nền kinh tế đang phục hồi mạnh, mà còn tiếp diễn xu hướng đó trong cả năm 2021.

"Sự phục hồi hình chữ V của GDP thực sẽ giữ vững hình chữ V trong nửa đầu năm nay và có thể đến cuối năm", ông Ed Yardeni của Yardeni Research nhận xét. "Tuy nhiên, đà tăng sẽ không còn được gọi là hồi phục sau quý 1/2021, GDP đã hồi phục hoàn toàn rồi. Sau đó, GDP sẽ bước vào thời kỳ tăng trưởng".

Trước đó, giới chuyên gia kinh tế kỳ vọng nền kinh tế 21.5 ngàn tỷ USD của Mỹ sẽ khôi phục được phần sản lượng mất mát do Covid-19 gây ra sớm nhất là quý 2 hoặc quý 3/2021, thậm chí có thể trễ hơn.

Tuy nhiên, sự vững vàng có tính hệ thống cùng với những động thái chưa từng thấy về chính sách tiền tệ và tài khóa siêu đã thúc đẩy đà hồi phục của kinh tế Mỹ. Trong quý cuối năm 2020, GDP Mỹ tăng 4.1%, đạt mức và chỉ còn kém 270 tỷ USD so với GDP cùng kỳ năm trước - thời điểm trước khi đại dịch ập đến.

"Với hỗ trợ tài khóa mạnh mẽ và những bước tiến của chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid, tăng trưởng GDP năm nay có thể sẽ đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ", ông John Willims, Chủ tịch Fed khu vực New York, cho biết trong bài phát biểu tuần trước.

Trên thực tế, đã có những hoài nghi về sự cần thiết của gói kích cầu 1.9 ngàn tỷ USD của ông Biden, chí ít là ở quy mô như vậy. Một nền kinh tế đang đứng trước khả năng đạt mức tăng trưởng cả năm 2021 mạnh nhất trong nhiều thập kỷ có lẽ không cần đến một gói kích cầu khổng lồ, nhất là khi chính phủ liên bang có thể thâm hụt ngân sách 2.3 ngàn tỷ USD trong năm nay.

Nhiều nhà cung ứng tham gia vào báo cáo của ISM đề cập tới giá hàng hóa gia tăng và rắc rối với chuỗi cung ứng, trong đó một nhà quản lý trong lĩnh vực thiết bị điện, đồ gia dụng cho biết: “Tình hình đã rơi khỏi tầm kiểm soát. Mọi thứ giờ là mớ hỗn độn và chúng tôi đang bị thiếu hụt hàng hóa quy mô lớn”.

Các nhà đầu tư gần đây lo ngại rằng tăng trưởng quá nóng có thể đẩy lạm phát tăng vọt, đặc biệt trong bối cảnh Fed tiếp tục giữ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.

"Một điều mang tính tích cực nhưng nhiều quá thì lại không tốt. Nền kinh tế đang quá nhiệt và sẽ càng nóng hơn do chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng", ông Yardeni nhận định.

Nhiều lĩnh vực vẫn đang suy yếu

Dù vậy, tình trạng mong manh vẫn xuất hiện ở một số khu vực của nền kinh tế Mỹ. Trong đó phải kể đến thị trường lao động, đặc biệt của ngành dịch vụ.

Tháng 1/2021, số người có việc làm ở Mỹ giảm 8.6 triệu người so với thời điểm cách đây 1 năm. Trong cùng khoảng thời gian 1 năm đó, đã có khoảng 4,3 triệu người Mỹ đã rời bỏ lực lượng lao động.

Dù tỷ lệ thất nghiệp nói chung ở Mỹ đã giảm về 6.3% từ mức đỉnh 14.8% trong đại dịch, số việc làm trong ngành khách sạn-lưu trú đã giảm hơn 3.8 triệu công việc, và tỷ lệ thất nghiệp trong ngành này vẫn giữ ở mức 15.9%, cao hơn 10 điểm phần trăm so với tháng 1/2020.

"Vấn đề đáng ngại nhất hiện nay chắc chắn là thị trường việc làm. Chúng ta đã mất gần 10 triệu công việc", Troy Ludtka, Chuyên gia kinh tế Mỹ của Natixis nhận định. Tuy nhiên, ông Ludtka cũng nhận thấy triển vọng sáng lên của thị trường việc làm Mỹ trong thời gian tới.

"Nền kinh tế đang phục hồi nhanh chóng và đó là tín hiệu đầy hứa hẹn", ông nói.

Câu hỏi về nhu cầu

“Bạn sẽ thấy tăng trưởng vào giữa năm 2021 có lẽ gần mức 9%. Đó là nhờ nhu cầu dồn nén của các hộ gia đình khi nền kinh tế Mỹ tái mở cửa”, Joseph Brusuelas, Chuyên gia kinh tế trưởng tại RSM, cho hay. “Tôi không cho là nhu cầu dồn nén sẽ được giải phóng toàn bộ trong năm nay. Có lẽ phải mất 2 năm cho chuyện này, vì các hộ gia đình sẽ trở nên cẩn trọng hơn khi tiêu tiền”.

Thật vậy, các chuyên gia tại Mỹ vẫn còn tranh luận liệu người dân có chi tiêu mạnh sau khi các biện pháp kiểm soát được gỡ bỏ hay không.

Chi tiêu cho lĩnh vực dịch vụ là “một câu chuyện khác” với chi cho hàng hóa – vốn đã bùng nổ trong đại dịch, Liz Ann Sonders, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Charles Schwab, nhận định.

“Các chuyên gia đã đánh giá quá mức về nhu cầu dồn nén. Nếu có, chúng ta sẽ có nhu cầu dồn nén về hàng hóa”, Sonders cho biết. “Về dịch vụ, nhu cầu đó sẽ không tồn tại trong khoảng thời gian dài. Nếu bạn để lỡ 4 dịp nghỉ lễ thì bạn cũng chỉ đi 1 lần khi hết dịch”.

Dù vậy, các dữ liệu kinh tế Mỹ đang tiếp tục tốt hơn dự báo của Phố Wall, và kỳ vọng rõ ràng của giới đầu tư và các chuyên gia là tăng trưởng sẽ được đẩy nhanh.

"Nhân tố quan trọng nhất là phải vượt qua được virus. Nhưng nền kinh tế đang ở trên một nền móng chắc chắn", chuyên gia Michelle Meyer của Bank of America Global Research nói, nhấn mạnh sự vững vàng của người tiêu dùng Mỹ trong cuộc khủng hoảng Covid và tin tưởng sự vững vàng đó sẽ duy trì trong năm 2020.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI