Campuchia: Nhiều doanh nghiệp “ăn nên làm ra” trong quý 4/2020

Campuchia: Nhiều doanh nghiệp “ăn nên làm ra” trong quý 4/2020

Trong báo cáo tài chính quý 4 nộp lên Sở Giao dịch Chứng khoán Campuchia (CSX), nhiều doanh nghiệp niêm yết (DNNY) đã thể hiện kết quả kinh doanh khả quan dù rằng họ phải đối mặt với không ít khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Về phía các doanh nghiệp chào bán chứng khoán, đã có 6 doanh nghiệp nộp báo cáo lên CSX.

Theo báo cáo của ACLEDA Bank (ABC), một trong số những ngân hàng thương mại lớn nhất Campuchia, tổng doanh thu quý 4/2020 đạt hơn 141.66  triệu USD, tăng 17.17% từ mức 120.894 triệu USD ghi nhận trong quý 4/2019. Lợi nhuận tăng 8.29 triệu USD, đạt 43.12 triệu USD từ mức 34.9 triệu USD.

Mar Amara, Phó chủ tịch kiêm Trưởng phòng tài chính của ACLEDA Bank, cho biết ngân hàng ghi nhận kết quả tăng chủ yếu nhờ vào tăng thu nhập lãi từ cho vay, đạt 13.83 triệu USD, tăng 16.37% so với quý 4/2019.

Công ty cảng quốc doanh Sihanoukville Autonomous Port (PAS), cảng nước sâu duy nhất tại Campuchia, báo cáo lãi ròng quý 4 đạt 2.718 triệu USD, tăng 15.6% so cùng kỳ, dù rằng doanh thu giảm 7.59%.

Theo giải trình của PAS trong báo cáo, việc giảm doanh thu là do lượng hàng hóa và nhiên liệu vận chuyển qua cảng giảm và tỷ giá hối đoái so với JPY cũng giảm nhiều hơn so với quý 4/2019. Tuy nhiên, nhờ lượng container vận chuyển qua cảng tăng và giảm chi phí thuế được gia hạn nên lãi ròng của Công ty tăng mạnh.

Nhận xét về kết quả kinh doanh của ACLEDA Bank và PAS, Phó chủ tịch CSX Ha Jong-weon cho rằng kết quả tài chính của 2 công ty, đặc biệt là ACLEDA Bank, vẫn khả quan ngay cả trong bối cảnh đại dịch. Ông nói: “Điều này cho thấy cả hai công ty đã nỗ lực để giữ vững vị thế và có chiến lược tốt để giảm thiểu tác động của Covid-19”.

Công ty Pestech Cambodia (PEPC), DNNY non trẻ nhất trên CSX, cũng báo cáo lợi nhuận trước thuế đạt 406,000 USD trong quý 4. PEPC cho biết việc thực hiện các hoạt động kỹ thuật, thi công xây dựng và thực thi các hợp đồng điện để truyền tải điện chiếm phần lớn doanh thu của công ty.

PEPC là DNNY mới nhất trên CSX, chính thức lên sàn hồi tháng 8/2020 và trở thành doanh nghiệp chào bán chứng khoán thứ 7 trên CSX.

Đặc khu Kinh tế Phnom Penh (PPSP) báo cáo doanh thu đạt hơn 4.2 triệu USD, tăng gần 36% so với quý 4/2019. Lợi nhuận trước thuế đạt 560,793 USD, tăng 26% so cùng kỳ.

Dù đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn và tác động đến hoạt động kinh doanh nhưng báo cáo của PPSP vẫn cho thấy công ty đạt được doanh thu và lợi nhuận tốt nhờ thu nhập từ hoạt động cho thuê tăng.

Thu tiền cho thuê mang lại 517,000 USD doanh thu cho công ty, tăng hơn 1 triệu USD so với cùng kỳ năm 2019. Thu nhập từ hoạt động bán đất mang lại nguồn doanh thu lớn nhất cho PPSP, với hơn 2.28 triệu USD. Doanh thu từ dịch vụ cung cấp cho các công ty đang hoạt động trong đặc khu đạt 857,000 USD.

PPSP là một trong số 17 đặc khu kinh tế (SEZ) đang hoạt động tại Campuchia. Thời gian tới, dự kiến sẽ có tổng cộng 36 SEZ được phê duyệt hoạt động tại Vương quốc này.

Trong khi đó, 2 doanh nghiệp ghi nhận báo cáo kết quả kinh doanh quý 4 yếu hơn gồm có Công ty Cảng Phnom Penh Autonomous Port (PPAP) và Công ty May mặc Grand Twins International (GTI).

Theo báo cáo của PPAP, doanh thu quý 4 giảm 10.03% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận ròng cũng giảm 26.71% so cùng kỳ.

Báo cáo cho biết phần lớn doanh thu của PPAP (86.78%) thu được từ hoạt động vận hành cảng và phần còn lại (12.73%) thu được từ vai trò điều hành cảng của công ty.

GTI, doanh nghiệp duy nhất thuộc lĩnh vực dệt may niêm yết trên CSX, là một trong số các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch. GTI báo cáo lỗ trước thuế trong quý 4 là 275,901 USD trong khi trong cùng kỳ năm 2019, công ty đã ghi nhận 1.2 triệu USD lợi nhuận. Tổng doanh thu giảm còn 119.18 triệu USD, giảm 33% so cùng kỳ

GTI cho biết nguyên nhân khiến công ty chứng kiến kết quả ảm đạm trong quý 4 là do hậu quả của đại dịch làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến số lượng đơn đặt hàng của công ty.

Doanh nghiệp duy nhất chậm nộp báo cáo tài chính lên CSX là Công ty Cấp thoát nước Phnom Penh (PPWSA). Theo đại diện của PPWSA, sở dĩ có sự chậm trễ này là do công ty đang áp dụng chế độ kế toán mới theo Tiêu chuẩn báo cáo tài chính quốc tế và kế toán viên cần có thêm thời gian để xác minh sự nhất quán giữa các dữ liệu.

Về phía các đơn vị phát hành trái phiếu doanh nghiệp, 5/6 đơn vị đã nộp báo cáo tài chính lên CSX.

Theo báo cáo của Advanced Bank of Asia (ABA), quý 4/2020 ngân hàng đã giải ngân 11,331 khoản cho vay trị giá 724.2 triệu USD. Tổng danh mục cho vay đạt 3.8 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2019.

ABA cho biết danh mục tiền gửi tiếp tục tăng trong quý 4, đạt 4.9 tỷ USD, tăng 9% so cùng kỳ. Tổng lượng khách hàng trong quý là 1.4 triệu khách hàng, tăng 12%.

RMA (Cambodia) Plc, Công ty ô tô hàng đầu tại Campuchia, cho biết quý 4/2020 công ty ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ròng đều mạnh với mức tăng lần lượt 20.7% và 154% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo báo cáo của RMA, quý 1/2020 công ty ghi nhận mức tăng 55.2% doanh thu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch, quý 2 doanh thu đã giảm 40.9% so cùng kỳ. Quý 3 doanh thu vẫn thấp hơn 0.4% dù rằng có dấu hiệu phục hồi. RMA cho rằng kết quả mạnh mẽ đạt được trong quý 4 là rất đáng tự hào và điều này một lần nữa thể hiện sức mạnh của các thương hiệu cũng như sự thành công của công ty trong ngành ô tô, nông nghiệp và thiết bị nặng tại Vương quốc.

Hattha Bank Plc (HKL) báo cáo lợi nhuận trước thuế tăng 9.7%, đạt 9.3 triệu USD.

Thu nhập từ lãi cho vay đạt 47.26 triệu USD, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng doanh thu của HKL. Tuy nhiên, chi phí liên quan đến những khoản vay đó đã cắt giảm 20.1 triệu USD, đưa thu nhập lãi ròng về còn 27.16 triệu USD.

HKL cho biết danh mục cho vay tăng 16% so với quý 4/2019, đạt 1.323 tỉ USD trong khi tổng tiền gửi tăng 17% và chạm mức cao kỷ lục 793 triệu USD.

Theo báo cáo, kết thúc quý 4, HKL nắm giữ 37.1 triệu tiền mặt và 28 triệu USD tiền dự trữ.

Phnom Penh Commercial Bank Plc (PPCB Bank) báo cáo lợi nhuận trước thuế đạt 5.77 triệu USD trong quý 4. Báo cáo cho biết thu nhập từ lãi cho vay, phí dịch vụ và tiền hoa hồng đã đóng góp nhiều nhất vào doanh thu trong quý. Kết thúc quý 4, PPCB nắm giữ 36 triệu USD tiền mặt và 727 triệu USD trong danh mục cho vay.

Tổ chức tài chính vi mô Prasac (PRA) là đơn vị phát hành trái phiếu duy nhất thông báo chậm nộp báo cáo tài chính quý 4 đến cuối tháng 3 do cần hoàn tất việc đánh giá tác động của Covid-19 đến thất thoát tín dụng.

Riêng LOLC (Cambodia) Plc (LOLC), tổ chức tài chính vi mô nhận tiền gửi hàng đầu của Campuchia, theo Phnom Penh Post, đơn vị này đã nộp báo cáo tài chính quý 4 lên CSX hôm 17/02. Tuy nhiên, thông tin cụ thể về kết quả kinh doanh của LOLC vẫn chưa được công khai.

CSX hiện có tổng cộng 13 DNNY, gồm 7 doanh nghiệp chào bán chứng khoán và 6 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong năm 2020, dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, CSX vẫn nỗ lực thu hút được thêm 5 DNNY, phát hành cả chứng khoán và trái phiếu, với tổng vốn huy động của 5 doanh nghiệp là 92 triệu USD.

Khai Tâm (Theo Phnom Penh Post)

FILI