S&P 500 khép lại một tuần giảm điểm

S&P 500 khép lại một tuần giảm điểm

Chứng khoán Mỹ chịu sức ép vào phiên chiều ngày thứ Sáu (19/02), đảo ngược đà tăng đầu phiên, CNBC đưa tin.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones nhích gần 1 điểm lên 31,494.32 điểm sau khi tăng hơn 150 điểm vào đầu phiên. Chỉ số Nasdaq Composite tiến gần 0.1% lên 13,874.46 điểm. Trong khi, chỉ số S&P 500 hạ 0.19% xuống 3,906.71 điểm.

Mặc dù các chỉ số chính khởi sắc trong phần lớn phiên buổi sáng, thì sự kết hợp giữa lãi suất tăng và động thái chốt lời ở một số cổ phiếu công nghệ lớn nhất thị trường dường như đã làm giảm tâm lý lạc quan sau buổi chiều.

Tuần qua, S&P 500 mất 0.71%, Nasdaq Composite giảm 1.57%, còn Dow Jones tăng nhẹ 0.11%.

Các cổ phiếu chu kỳ có thành quả vượt trội so với thị trường chung với các lĩnh vực nguyên vật liệu, năng lượng và công nghiệp lần lượt tăng 1.8%, 1.7% và 1.6%. Lĩnh vực tiện ích và hàng tiêu dùng thiết yếu là những cổ phiếu giảm điểm mạnh nhất.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ, cũng có xu hướng trồi sụt theo nền kinh tế, đã tăng ổn định vào ngày thứ Sáu với cái giá phải trả từ một số thành viên lớn nhất thị trường. Chỉ số Russell 2000 cộng 2%, trong khi cổ phiếu Facebook, Amazon, Netflix, và Microsoft đều giảm. Cổ phiếu Apple sụt 4% trong tuần qua.

Không phải tất cả các cổ phiếu công nghệ đều suy giảm khi những nhà sản xuất con chip đã chứng minh được khả năng phục hồi. Applied Materials, chuyên sản xuất thiết bị được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn, đã đưa ra dự báo quý 2 tốt hơn kỳ vọng sau khi khép phiên ngày 18/02. Cổ phiếu Applied Materials đã vọt 5.3% vào ngày thứ Sáu.

Các cổ phiếu nhạy cảm với nền kinh tế cho thấy sức mạnh sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói với CNBC sau khi khép phiên ngày 18/02 rằng cần phải có thêm nhiều gói kích thích kinh tế ngay cả khi một số dữ liệu kinh tế cho thấy đà phục hồi đang diễn ra. Bà Yellen nói thêm một thỏa thuận kích thích trị giá 1.9 ngàn tỷ USD có thể giúp nước Mỹ trở lại tình trạng toàn dụng lao động trong 1 năm.

Tuy nhiên, đà leo dốc lên mức cao kỷ lục của thị trường chứng khoán đã chững lại một chút trong tuần này do lo ngại về lãi suất tăng và lạm phát cao hơn xuất hiện.

Một số nhà đầu tư tỏ ra bi quan trước đà tăng vọt lãi suất và khả năng lạm phát đã khiến Phố Wall bị kìm hãm trong những phiên gần đây. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm trong tuần này đã tăng lên mức cao nhất trong gần 1 năm, và vào ngày thứ Sáu đã cộng thêm 5 điểm cơ sở lên 1.34%.

Dẫu vậy, bà Yellen cho biết bà không tin lạm phát có thể trở thành mối lo ngại lớn nhất.

“Lạm phát đã rất thấp trong hơn 1 thập kỷ và bạn biết đó là một rủi ro, nhưng đó là rủi ro mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và những cơ quan khác có công cụ để giải quyết”, bà Yellen chia sẻ. “Rủi ro lớn hơn là những tổn thương của người dân, đại dịch Covid-19 sẽ gây ra hậu quả suốt đời cho cuộc sống và sinh kế của họ”.

Nhiều người trên Phố Wall đồng ý với bà Yellen là cần thiết phải có một gói kích thích kinh tế lớn, và rằng một gói hỗ trợ trị giá hàng ngàn tỷ USD, cùng với việc tái mở cửa kinh tế suôn sẻ trong năm nay, sẽ giúp thị trường tiếp tục tăng điểm.

Hạ viện Mỹ sẽ cố thông qua kế hoạch viện trợ kinh tế trị giá 1.9 ngàn tỷ USD trước cuối tháng 02/2021, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết vào ngày 18/02. Các nhà lãnh đạo Quốc hội thuộc Đảng Dân chủ có thể cố gắng thông qua gói kích thích này mà không có phiếu bầu từ Đảng Cộng hòa.

An Trần

FILI