Làn sóng bán tháo trái phiếu toàn cầu dịu bớt, chứng khoán châu Á bớt giảm

Làn sóng bán tháo trái phiếu toàn cầu dịu bớt, chứng khoán châu Á bớt giảm

Thị trường trái phiếu toàn cầu bắt đầu phục hồi từ làn sóng bán tháo quyết liệt – vốn đã đẩy lợi suất trái phiếu tăng mạnh và kéo giảm chứng khoán Mỹ trong ngày 25/02. Chứng khoán châu Á đã rút khỏi mức đáy trong phiên, nhưng vẫn còn giảm mạnh gần 2%.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới ngưỡng 1.5% và trái phiếu Australia xóa bớt đà giảm sau khi Ngân hàng Trung ương nước này bất ngờ thực hiện nghiệp vụ mua trái phiếu. Lợi suất trái phiếu chuẩn của Nhật Bản gần mức cao nhất kể từ đầu năm 2016. Đồng USD xóa bớt đà tăng trong đêm qua.

Nguồn: CNBC

Trong ngày 25/02, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vọt lên 1.6%. Làn sóng bán tháo được đẩy nhanh khi những người nắm giữ chứng khoán thế chấp bị buộc phải bán tháo trái phiếu Chính phủ. Đây cũng là nguyên nhân khiến Phố Wall ghi nhận một phiên giao dịch tồi tệ. 

Đêm qua, chỉ số Dow Jones rớt 559.85 điểm (tương đương 1.8%) và trượt khỏi mức cao kỷ lục. Chỉ số S&P 500 lùi 2.5%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 27/01/2021. Chỉ số Nasdaq Composite mất 3.5%, ghi nhận phiên bán tháo mạnh nhất kể từ ngày 28/10/2020. Cổ phiếu Alphabet, Facebook và Apple đều giảm hơn 3%, cổ phiếu Tesla sụt 8.1%. Cổ phiếu Microsoft lùi 2%.

Nhà đầu tư đang đổ xô vào những khu vực của thị trường sẽ được hưởng lợi từ việc tái mở cửa kinh tế nhiều nhất. Lĩnh vực năng lượng đã vọt 6.8% chỉ trong tuần này, là lĩnh vực thắng lớn nhất cho đến nay. Công nghiệp và tài chính là 2 lĩnh vực khác có sắc xanh trong tuần qua.

Chứng khoán giảm trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương, dẫn đầu là Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy vậy, các thị trường này đã rút khỏi mức đáy trong phiên 26/02. Hợp đồng tương lai S&P 500 hồi phục sau khi chỉ số này giảm 2.5% trong phiên trước. Chỉ số Nasdaq 100 sụt 3.6%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2020, khi nhà đầu tư rút khỏi những cổ phiếu chiến thắng trong kỷ nguyên đại dịch và chuyển sang các công ty chu kỳ (vốn hưởng lợi từ việc chấm dứt phong tỏa).

Nguồn: CNBC

Dù vậy, các cổ phiếu phổ biến với đám đông trader trong phiên (day-trader) lại tăng mạnh, trong đó GameStop có lúc tăng thêm 100% trong phiên 25/02 trước khi khép phiên với mức leo dốc 19%.

Nhà đầu tư đang đặt cược vào đà hồi phục mạnh hơn dự báo của nền kinh tế toàn cầu, trong đó một số người ngày càng lo ngại rằng đà tăng nhanh chóng của lạm phát có thể khiến các NHTW thắt chặt chính sách tiền tệ. Các quan chức Fed cho tới nay cho biết đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ phản ánh niềm lạc quan của nhà đầu tư vào đà hồi phục của nền kinh tế, đồng thời nhấn mạnh Fed chưa có kế hoạch thắt chặt chính sách.

“Tất cả đều là về lãi suất”, Randy Frederick, Phó Chủ tịch phụ trách giao dịch và sản phẩm phái sinh tại Trung tâm Nghiên cứu Tài chính Schwab, cho hay. “Công nghệ là nhóm có thành tích vượt trội trong thời gian trước. Cũng như cách chúng dẫn dắt đà tăng, nhiều khả năng chúng cũng dẫn dắt đà giảm”.

Lợi suất Mỹ kỳ hạn 10 năm đã điều chỉnh lạm phát tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2020. Đây là một tín hiệu cảnh báo dành cho những tài sản rủi ro cao đã hưởng lợi từ các điều kiện tài chính nới lỏng bất thường giữa đại dịch.

Trong những nhận định trong tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell lên tiếng trấn an nhà đầu tư rằng chính sách nới lỏng sẽ tiếp tục được duy trì và bỏ qua đà tăng tạm thời của lạm phát, nhất là tăng từ cái nền thấp. Tuy nhiên, các trader trên thị trường tiền tệ giờ đã dự báo sẽ có đợt nâng lãi suất đầu tiên vào cuối năm 2022.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg, CNBC)

FILI