Cổ phiếu ngân hàng: Tháng đầu năm ảm đạm theo đà chung thị trường

Cổ phiếu ngân hàng: Tháng đầu năm ảm đạm theo đà chung thị trường

Bước qua tháng đầu tiên của năm 2021, thị giá cổ phiếu nhóm ngân hàng lao dốc mạnh theo đà chung của thị trường.

Thị trường chứng khoán Việt Nam rơi vào trạng thái “hoảng loạn” trong 2 tuần cuối tháng 1. Phiên 28/01 đi vào lịch sử khi tình trạng giảm sàn trắng bên mua diễn ra ở hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn, chỉ số VN-Index mất 73.23 điểm, thổi bay 15 tỷ USD vốn hóa - một con số chưa từng có kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động.

Kết thúc phiên 29/01, chỉ số VN-Index giảm 47.26 điểm, tương đương giảm 4% so với cuối tháng 12, đóng cửa ở mức 1,057 điểm. Đồng thời, dữ liệu VietstockFinance cho thấy, chỉ số ngành ngân hàng vào cuối phiên 29/01 cũng giảm 31.05 điểm, tương đương giảm 7% so với cuối phiên 31/12, xuống còn 424.13 điểm.

Vốn hóa ngân hàng bị thổi bay gần 62,600 tỷ đồng

Trong bối cảnh ảm đạm của thị trường, giá trị vốn hóa của nhóm ngân hàng cũng giảm gần 62,591 tỷ đồng, xuống còn gần 1.21 triệu tỷ đồng (tính đến phiên 29/01), tương đương giảm 5% so với mức 1.27 triệu tỷ đồng của phiên cuối tháng 12.

Nguồn: VietstockFinance

BIDV (BID) có vốn hóa giảm mạnh nhất trong nhóm Ngân hàng gốc Nhà nước với tỷ lệ 17%. Còn Vietcombank (VCB) và VietinBank (CTG) lần lượt giảm 5% và 12% so với cuối tháng trước.

Một loạt các nhà băng cũng đều rơi vào trạng thái sụt  giảm thị giá so với cuối tháng 12 như SHB (-14%), EIB (-12%), TPB (-7%), VPB (-8%), VIB (-2%)…

Nguồn: VietstockFinance

Riêng PGB là cổ phiếu có thị giá giảm mạnh nhất (-33%), dù trước đó diễn biến giá cổ phiếu này khá tích cực sau ngày giao dịch đầu tiên trên UPCoM vào ngày 24/12/2020.

Nguồn: VietstockFinance

Mặc dù vẫn trải qua giai đoạn giảm mạnh theo bối cảnh chung, nhưng cổ phiếu NVB (+22%), TCB (+2%), MBB (+2%), LPB (+2%) vẫn ghi nhận mức tăng trưởng thị giá so với cuối tháng 12. Bởi lẽ, 4 cổ phiếu này đã trải qua giai đoạn tăng giá đáng kể và sau đợt điều chỉnh này vẫn cao hơn mức giá cũ. Riêng cổ phiếu STB đã quay về mức giá cũ của ngày cuối tháng 12.

Đáng chú ý, gần cuối tháng 12, nhóm ngân hàng đón nhận thêm 571.3 triệu cổ phiếu ABB. Kết phiên giao dịch đầu tiên trên sàn UPCoM (28/12/2020), giá cổ phiếu Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, UPCoM: ABB) dừng ở mức 13,400 đồng/cp, giảm 9% so với giá tham chiếu 15,000 đồng/cp. So với phiên giao dịch đầu tiên, vốn hóa ABB đã giảm 857 tỷ đồng, tỷ lệ giảm tương đương 11%.

Trường hợp hy hữu không thể không nhắc đến là phiên chào sàn của cổ phiếu OCB. Ngày cổ phiếu OCB giao dịch đầu tiên trên sàn HOSE (28/01/2021) cũng là ngày đen tối nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam khi chỉ số VN-Index bay mất 73.23 điểm với hàng loạt các mã cổ phiếu vốn hóa lớn nằm sàn – kỷ lục chưa từng có và cũng vì vậy thị giá cổ phiếu này cũng không thoát được cảnh “mặc áo xanh lơ”.

Ngay khi vừa bước chân lên sàn, giá cổ phiếu OCB nằm sàn 18,350 đồng/cp, giảm 20% so với mức giá tham chiếu 22,900 đồng/cp. Sang ngày 29/01, hòa cùng xu hướng chung của thị trường, cổ phiếu OCB đã lấy lại sắc tím với mức giá 19,600 đồng/cp, nhưng vẫn thấp hơn giá tham chiếu.

SHB dẫn đầu thanh khoản

Ngược chiều biến động của thị giá, thanh khoản cổ phiếu ngân hàng trong tháng qua vẫn dồi dào với gần 201 triệu cp/ngày được chuyển giao, tăng 22% so với tháng 12, tương ứng với giá trị giao dịch 4,372 tỷ đồng/ngày, tăng 38% so với tháng 12.

Nguồn: VietstockFinance

Phần đông các nhà băng đều có thanh khoản cải thiện. Điển hình là LPB (+50%), VCB (+41%), TPB (+40%), MBB (+33%), BID (-30%), CTG (+25%), EIB (+22%), VBB (+30%), BAB (+20%). Tuy nhiên, các ngân hàng có thanh khoản giảm cũng không phải là ít như MSB (-51%), BID (-21%), ABB (-73%), NAB (-79%), TCB (-8%), ACB (-1%), VBB (-11%), NVB (-23%), PGB (-63%).

Trong tháng này, mặc dù có khối lượng khớp lệnh thấp hơn STB, nhưng với khối lượng thỏa thuận cao hơn đáng kể nên SHB vươn lên vị trí dẫn đầu thanh khoản với khối lượng giao dịch bình quân lên đến hơn 38 triệu cp/ngày, giá trị tương đương 586 tỷ đồng, lần lượt gấp 2.47 lần khối lượng và 3.69 lần giá trị của tháng 12.

STB đứng sau SHB về thanh khoản với khối lượng giao dịch bình quân gần 37 triệu cp/ngày, giá trị giao dịch gần 679 tỷ đồng, lần lượt tăng 50% và 82% so với tháng 12. Trong một 1 diễn biến có liên quan, Kienlongbank (KLB) vừa cho biết từ ngày 01/01/2021 đến ngày 29/01/2021, Ngân hàng này đã bán thêm cổ phiếu STB để xử lý nợ. Đây chắc hẳn là nguyên nhân khiến thanh khoản của cổ phiếu STB tăng đột biến.

KLB cũng là cổ phiếu có thanh khoản lao dốc mạnh nhất (-95%) trong tháng qua, khối lượng giao dịch bình quân chỉ còn hơn 144,000 cp/ngày.

Nguồn: VietstockFinance

Khối ngoại bán ròng 32 tỷ đồng

Trong tháng đầu tiên của năm 2021, khối ngoại đã mua ròng hơn 9.7 triệu cp ngành ngân hàng, giảm đến 85% so với tháng 12. Tuy nhiên, nếu xét về giá trị thì khối ngoại bán ròng 32 tỷ đồng cổ phiếu ngân hàng, trong khi tháng 12 khối ngoại mua ròng hơn 2,037 tỷ đồng.

Nguồn: VietstockFinance

HDB là nhà băng được khối ngoại mua ròng mạnh nhất về khối lượng lẫn giá trị với gần 12 triệu cp, trong khi tháng 12 khối ngoại bán ròng hơn 1 triệu cp HDB. Giá trị mua ròng hơn 297 tỷ đồng, còn tháng trước giá trị bán ròng gần 21 tỷ đồng

MSB, STB, NVB, VIB, BVB, OCB, VPB, MBB, NAB, PGB, TCB, TPB, VBB là những nhà băng có khối ngoại mua ròng cả về khối lượng lẫn giá trị.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu SHB bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất với hơn 13 triệu cp, giá trị tương đương 241 tỷ đồng. Trong khi tháng trước cổ phiếu này được khối ngoại mua ròng gần 2 triệu cp, với giá trị mua ròng hơn 3 tỷ đồng.

Ái Minh

FILI