Chứng khoán Mỹ vẫn hút vốn bất chấp đà tăng của lợi suất trái phiếu

Chứng khoán Mỹ vẫn hút vốn bất chấp đà tăng của lợi suất trái phiếu

Thị trường cổ phiếu Mỹ vẫn hút vốn từ nhà đầu tư, qua đó cho thấy họ không quá bận tâm đến tình trạng biến động trên thị trường trái phiếu.

Trong một tuần mà đà tăng của lợi suất trái phiếu gây áp lực trên thị trường cổ phiếu trên diện rộng, các quỹ ETF Mỹ liên tục hút vốn, bao gồm cả 2.7 tỷ USD tại đỉnh điểm của cuộc bán tháo ngày 25/02. Tính trong cả tháng 2/2021, các quỹ ETF đã hút 80 tỷ USD, gấp 4 lần so với mức trung bình 12 tháng qua, dữ liệu từ Bloomberg cho thấy.

Chính sự lạc quan đó đã tạo nền tảng cho đà tăng 70% của S&P 500 trong 11 tháng qua. Mặc dù đà tăng đột ngột của lợi suất trái phiếu đã hủy hoại một trong những yếu tố củng cố định giá cổ phiếu, nhưng phe bò vẫn tin đây là dấu hiệu về đà hồi phục của nền kinh tế và do đó sẽ thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp.

“Nhà đầu tư nhìn vào thị trường hôm nay và nói ‘wow, thị trường rồi sẽ tăng trở lại nhanh hơn tôi nghĩ. Tôi cần phải điều chỉnh vị thế theo đó’”, Wayne Wicker, Giám đốc đầu tư tại Vantagepoint Investment Advisers, cho hay. “Đây là tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO), sợ rằng mình đầu tư chưa đủ”.

Tâm lý lạc quan đã bị thách thức trong thời gian gần đây, bao gồm giai đoạn 5 ngày qua, khi 1,000 tỷ USD vốn hóa bị “thổi bay” khỏi thị trường cổ phiếu. Giữa lúc lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ vọt lên đỉnh 12 tháng, những cổ phiếu có định giá cao bị tác động nặng nề. Chỉ số Nasdaq 100 – bao gồm các cổ phiếu công nghệ và là chỉ số đã tăng rất mạnh trong thời gian qua – giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2020. Trong khi đó, cổ phiếu Tesla và quỹ ARK Innovation ETF của nữ quản lý quỹ đại tài Cathy Wood chứng kiến tuần giao dịch tệ nhất kể từ đợt giảm mạnh hồi tháng 3/2020.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đã nhảy vào bắt đáy, bằng chứng là S&P 500 đã đảo ngược đà giảm gần 2% trong phiên 23/02. Thậm chí trong đợt bán tháo ngày 25/02, tín hiệu hoảng loạn dường như chưa thấy đâu. Khối lượng giao dịch trong phiên phần lớn vẫn tương đương với mức trung bình của 12 tháng qua. Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX) hiện tại vẫn thấp hơn hợp đồng tương lai VIX 2 tháng, điều này cho thấy nhà đầu tư vẫn chưa hoảng sợ.

“Vì nhiều lý do, nhà đầu tư đã quen với việc bắt đáy trong thời gian qua”, Kim Forrest, Giám đốc đầu tư tại Bokeh Capital Partners, cho biết. “Ngay cả khi mọi chuyên gia kinh tế nghĩ rằng GDP Mỹ sẽ tăng trưởng 6% hoặc hơn và sẽ xảy ra lạm phát tăng nhanh. Tuy nhiên, nhà đầu tư không sợ lạm phát vì chúng ta chưa có mức lạm phát thực sự khủng khiếp và có thể làm thay đổi cuộc sống người dân”.

Trên thực tế, tuần qua, nhóm cổ phiếu năng lượng và tài chính – những nhóm thường hưởng lợi nhiều nhất từ đà hồi phục kinh tế – tăng tuần thứ 4 liên tiếp và đây là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang đặt niềm tin vào đà hồi phục của nền kinh tế.

Binh đoàn nhà đầu tư nhỏ lẻ giờ đây đã quan tâm trở lại tới các cổ phiếu được thổi phồng trên mạng xã hội Reddit, theo JPMorgan Chase. Cổ phiếu GameStop – biểu tượng của cơn sốt giao dịch trong năm 2021 – đã tăng 151% trong tuần này.

“Chúng tôi phải thừa nhận rằng tình trạng đầu cơ quá mức vẫn còn đó”, Leo Grohowski, Giám dốc đầu tư tại BNY Mellon Wealth Management, cho hay.

“Khi chúng ta chạm tới mức lạc quan tột độ, đó thường là thời điểm tốt để giảm bớt quy mô danh mục”, ông nói. “Đà giảm trên thị trường trong tuần này đóng vai trò là hồi chuông cảnh báo cho những nhà đầu tư theo tư duy ‘mua trước và suy nghĩ sau’”.

Đà tăng của lợi suất trái phiếu đang đe dọa tới thị trường con bò. Một phương pháp đánh giá - trong đó so sánh lợi nhuận doanh nghiệp và lãi suất trái phiếu - cho thấy cổ phiếu đang mất lợi thế. Tỷ suất lợi nhuận (EPS) của các công ty thuộc S&P 500 gần đây đang cao hơn 1.7 điểm phần trăm so với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm, mức chênh lệch thấp nhất trong 3 năm.

Thế nhưng, nếu lợi suất tăng là do tăng trưởng kinh tế thì đây là tín hiệu tốt cho thị trường chứng khoán, Emily Roland, Chuyên gia chiến lược đầu tư tại John Hancock Investment Management, cho hay.

Trong quá khứ, đà tăng lợi suất trái phiếu thường báo trước dòng vốn sẽ chảy vào thị trường cổ phiếu, theo nghiên cứu của Deutsche Bank. Kể từ năm 2008, trong 6 chu kỳ lãi suất trái phiếu đi lên gần nhất, thì có 5 trường hợp diễn ra cùng với việc thị trường cổ phiếu hút vốn. Trong khi đó, khi lãi suất trái phiếu đi ngang hoặc giảm thì thị trường cổ phiếu bị rút 8 tỷ USD.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI