VinaCapital lạc quan về nền kinh tế nhưng cẩn trọng với nợ xấu ngân hàng

VinaCapital lạc quan về nền kinh tế nhưng cẩn trọng với nợ xấu ngân hàng

VinaCapital tự tin vào triển vọng của Việt Nam trong năm 2021 nhờ mức tăng trưởng GDP hồi phục, tình hình vĩ mô và chính trị ổn định, cùng với dòng chảy vốn FDI tiếp tục tìm đến. Dù vậy, Quỹ cũng lưu ý nhà đầu tư cần có cái nhìn cẩn trọng về vấn đề nợ xấu ngân hàng và rủi ro từ việc bị áp nhãn “thao túng tiền tệ”.

Tại báo cáo triển vọng năm 2021 công bố ngày 08/01, VinaCapital bày tỏ sự lạc quan về việc nền kinh tế Việt Nam trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong năm 2021, nhờ sức tiêu dùng nội địa và đóng góp của lĩnh vực sản xuất. Mức tăng trưởng doanh thu bán lẻ và sản lượng sản xuất của Việt Nam đã tăng dần qua từng tháng kể từ sau giai đoạn bùng phát thứ hai (tháng 7-8/2020) của đại dịch, và xu hướng này được VinaCapital kỳ vọng sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

Quyết tâm của Chính phủ trong việc kiểm soát dịch bệnh cũng là nguyên do khiến VinaCapital tin rằng nền kinh tế quốc gia sẽ hồi phục khả quan. “Chúng tôi không nghĩ nền kinh tế sẽ bị trật bánh bởi bất kỳ đợt bùng phát quy mô nhỏ nào có thể xảy ra trong thời gian tới”, Quỹ cho hay.

Nguồn: VinaCapital, Bloomberg

Việt Nam đang tham gia vào 15 hiệp định thương mại tự do (cùng thêm 2 hiệp định đang được đàm phán). Điều này giúp đất nước thu hút sự chú ý của nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời, các hiệp định cũng mang lại một phần lợi thế trong việc thu hút đầu tư FDI vào các ngành có biên lợi nhuận thấp (dệt may, nội thất,…). Tuy nhiên, trong việc thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, VinaCapital có quan điểm rằng những động lực khác như dân số trẻ, hay sức tiêu dùng của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng thậm chí còn quan trọng hơn lợi ích từ các hiệp định thương mại.

Rủi ro nợ xấu

Giữa cao điểm bùng phát đại dịch Covid-19 vào tháng 3/2020, VinaCapital cho biết Chính phủ đã nới lỏng cho các ngân hàng trong việc phân loại, xác định các khoản nợ xấu. Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho phép các ngân hàng giấu đi tình trạng thực sự của sổ sách cho vay thông qua việc yêu cầu các ngân hàng hạch toán các khoản thanh toán lãi vay từ người đi vay trên cơ sở tiền mặt (cash basis), thay vì kế toán dồn tích (accrual basis).

“Chúng tôi nghĩ những quy định này sẽ được duy trì đến cuối năm 2021, và tin rằng có một rủi ro nhỏ nhưng cần phải chú ý là một cuộc khủng hoảng nợ xấu khác có thể xảy ra đối với ngành ngân hàng, xét đến sự thiếu minh bạch hiện nay của vấn đề nợ xấu tại Việt Nam”, VinaCapital cho biết.

Dù vậy, VinaCapital làm rõ rằng họ không quá lo ngại về khả năng khủng hoảng diễn ra, nhờ tin tưởng vào sự hồi phục mạnh mẽ của sức tăng trưởng nền kinh tế trong năm 2021 và “chúng tôi cũng hiểu là các nhà hoạch định chính sách cũng không muốn trải qua những khó khăn mà họ phải đối mặt trong cuộc khủng hoảng nợ xấu 2011-2012”.

VinaCapital cho rằng các chuyên viên phân tích ngành ngân hàng tại Việt Nam hiện đang đánh giá thấp rủi ro về vấn đề nợ xấu. Trong viễn cảnh xấu nhất, Quỹ ước lượng mức đỉnh điểm nợ xấu có thể lên đến 8-10% vào cuối năm 2021.

Trở lại với cuối năm 2020, các ngân hàng Việt Nam có khả năng sẽ báo cáo tỷ lệ nợ xấu phổ quát ở mức 3%, “nhưng nếu tất cả những quy định nới lỏng được nhắc đến ở trên không tồn tại thì chúng tôi tin rằng tỷ lệ nợ xấu được báo cáo sẽ vào khoảng 6-7%”, VinaCapital đánh giá.

Ngoài ra, VinaCapital xem việc đất nước hình chữ “S” bị áp nhãn thao túng tiền tệ bởi Bộ Tài chính Mỹ là vấn đề cần phải lưu tâm.

Thừa Vân

FILI