Trung Quốc phạt 16 tổ chức từ chối thanh toán bằng tiền mặt

Trung Quốc phạt 16 tổ chức từ chối thanh toán bằng tiền mặt

Nỗ lực tạo ra một xã hội không tiền mặt của Trung Quốc đang vấp phải một số vấn đề.

Cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã phạt 16 tổ chức công và tư vì từ chối chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt, ngân hàng này tiết lộ trong một tuyên bố vào tuần trước.

PBOC cho biết hành động của họ nhằm duy trì việc lưu hành Nhân dân tệ giấy của Trung Quốc và "bảo vệ quyền sử dụng tiền mặt của công chúng". Ngân hàng này đã phạt các tổ chức từ 500 Nhân dân tệ (77 USD) đến 500,000 Nhân dân tệ (77,236 USD) vì đã thực hiện các biện pháp "phân biệt đối xử" hoặc "bất tiện" để từ chối quyền sử dụng tiền mặt của khách hàng. Những tổ chức vi phạm bao gồm: Công ty bảo hiểm khổng lồ Ping An của Trung Quốc, một số công ty quản lý tài sản, một công viên công cộng ở Bắc Kinh, và 13 tổ chức công và tư khác trên khắp nước này. PBOC không giải thích về sự chênh lệch trong các mức phạt.

Trung Quốc đang nhanh chóng trở thành một trong những xã hội không dùng tiền mặt nhất trên thế giới, được thúc đẩy bởi sự trỗi dậy của các nền tảng fintech hùng mạnh như WeChat Pay của Tencent và Alipay của Alibaba. Ở nhiều thành phố Trung Quốc, việc đón và trả tiền taxi, mua hàng tạp hóa hoặc thậm chí thanh toán hóa đơn tại nhà hàng ngày càng trở nên khó khăn nếu không có ví di động.

Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công cụ kỹ thuật số cho các công việc hàng ngày càng tăng lên trong thời kỳ đại dịch, khi chính quyền các thành phố trên khắp đất nước tung ra ứng dụng truy vết được mã hóa thành màu mà công dân phải trưng ra để vào các tòa nhà công cộng và đi những phương tiện giao thông công cộng.

Tuy nhiên, sự phát triển kỹ thuật số cũng khiến hàng chục triệu người thiếu sự tiếp cận hoặc không biết cách thích nghi với nền kinh tế dựa trên Internet của Trung Quốc bị bỏ lại phía sau.

Vào tháng 8 năm ngoái, câu chuyện về một người đàn ông lớn tuổi bị buộc phải xuống xe buýt ở miền bắc Trung Quốc vì không trưng ra được ứng dụng mã sức khỏe đã gây sốt trên mạng. Đến tháng 11, một câu chuyện tương tự cũng được lan truyền với tốc độ chóng mặt: Một phụ nữ lớn tuổi ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, được thông báo bà không thể thanh toán bảo hiểm y tế bằng tiền mặt.

Những câu chuyện này đã giúp các cấp cao nhất của Chính phủ Trung Quốc hành động ngay lập tức. Vào tháng 12, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc kêu gọi các doanh nghiệp và chính quyền địa phương chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt và tạo ra các lựa chọn thay thế cho những ứng dụng mã sức khỏe để người cao tuổi có thể thích nghi tốt hơn với sự phát triển kỹ thuật số.

Các Chính phủ ở những nơi khác cũng đang đẩy lùi phong trào không dùng tiền mặt bằng sự công bằng. Năm 2019, Philadelphia trở thành thành phố lớn đầu tiên của Mỹ buộc các cửa hàng phải chấp nhận tiền giấy và tiền xu. Tuy vậy, nỗ lực của PBOC nổi bật vì họ đang dẫn đầu nỗ lực tạo ra đồng tiền kỹ thuật số được ngân hàng trung ương hỗ trợ đầu tiên trên thế giới. Bắt đầu từ năm 2020, ngân hàng này đã triển khai các chương trình thử nghiệm đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số thông qua quà tặng theo kiểu xổ số và bằng cách hợp tác với những doanh nghiệp địa phương ở các thành phố như Thâm Quyến và Tô Châu.

Hành động của PBOC đối với các tổ chức không chấp nhận tiền mặt được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực hạn chế quyền lực của các nhà khai thác thanh toán kỹ thuật số lớn nhất nước này. Hồi tháng 11, các nhà quản lý Trung Quốc đã tạm dừng thương vụ IPO của Ant Group, một công ty tài chính của Alibaba, sau khi người sáng lập Alibaba và Ant Group là Jack Ma có lời chỉ trích hệ thống tài chính Trung Quốc. Hiện, PBOC cũng đang soạn thảo các quy tắc chống độc quyền nhằm hạn chế quyền lực của các nhà khai thác thanh toán kỹ thuật số như Alipay và WeChat Pay.

Nhã Thanh (Theo Fortune)

FILI