SMC lãi ròng 148 tỷ trong quý 4/2020, cao nhất trong 4 năm qua

SMC lãi ròng 148 tỷ trong quý 4/2020, cao nhất trong 4 năm qua

Giá thép tăng cao trong những tháng gần đây giúp biên lãi gộp của SMC tăng lên mức 7.25%. Bên cạnh đó, Công ty cũng tăng cường tích trữ tồn kho trong 3 tháng cuối cùng của năm. 

CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 4/2020 với khoản lãi ròng gần 148 tỷ đồng, đây là khoản lãi lớn nhất kể từ quý 2/2016, trái ngược hoàn toàn với khoản lỗ gần 12 tỷ đồng vào cùng kỳ năm 2019.

Doanh thu thuần quý 4/2020 đạt gần 4.48 ngàn tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, biên lãi gộp cải thiện mạnh mẽ từ xấp xỉ 1.91% lên mức 7.25% là yếu tố chủ chốt tạo nên kết quả lợi nhuận tích cực của SMC trong quý cuối cùng của năm. Lãi gộp quý 4 của SMC đạt gần 325 tỷ đồng, gấp hơn 4.3 lần cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2020, SMC đạt doanh thu thuần hơn 15.7 ngàn tỷ đồng và lãi ròng trên 300 tỷ đồng, lần lượt giảm 6.5% và tăng 227% so với năm trước.

Nhà máy thép SMC đặt tại Hà Nội.

Trong những tháng cuối năm 2020, giá thép cuộn cán nóng (HRC) tăng chóng mặt và thậm chí vượt mốc 700 USD/tấn. Các nhà sản xuất HRC tại Việt Nam như Dung Quất Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh phải tăng giá bán HRC đối với các doanh nghiệp thép hạ nguồn.

Là doanh nghiệp thương mại thép và gia công thép dẹt, biên lợi nhuận của SMC phụ thuộc vào biến động của giá thép. Các mảng chính của SMC, bao gồm sản xuất tôn mạ, ống thép và gia công đều sử dụng thép HRC làm nguyên liệu đầu vào. Trong những tháng cuối năm 2020, giá bán các sản phẩm thép thành phẩm từ thép xây dựng cho đến ống thép, tôn mạ đều tăng đáng kể.

Giữa tình hình giá thép tăng cao, hàng tồn kho của SMC trong giai đoạn 3 quý cuối năm cũng tăng từ 1.23 ngàn tỷ đồng lên mức 1.8 ngàn tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2020, dư nợ vay ngắn hạn của Công ty ở mức 2.6 ngàn tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm.

Thừa Vân

FILI