Xuất khẩu dệt may giảm lần đầu tiên sau 25 năm tăng trưởng liên tục

Xuất khẩu dệt may giảm lần đầu tiên sau 25 năm tăng trưởng liên tục

Bộ Công Thương vừa công bố báo cáo về tình hình hoạt động công nghiệp và thương mại tháng 11 và 11 tháng năm 2020, do Dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại thị trường Mỹ và một số nước châu Âu đã khiến cho tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may, da giày gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu cuối năm.

Dự báo tổng trị giá xuất khẩu cả năm 2020 của ngành dệt may sẽ đạt khoảng 33.5-34 tỷ USD

Ngành dệt may: Tính chung 11 tháng năm 2020, vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 612.6 triệu m2, tăng 6.3%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 855.7 triệu m2, giảm 9.4%; quần áo mặc thường ước đạt 4,043.3 triệu cái, giảm 5.3% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 11 tháng ước đạt 26.73 tỷ USD, giảm 10.5% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác ước đạt 400 triệu USD, giảm 26.8% so với cùng kỳ; xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại ước đạt 3.29 tỷ USD, giảm 13,5% so với cùng kỳ.

Có thể nói, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may giảm sau 25 năm tăng trưởng liên tục, nhưng với việc khống chế dịch bệnh hiệu quả cùng với việc các doanh nghiệp trong ngành đã nhanh chóng tiến hành triển khai thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh như chuyển từ mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh nên mức giảm của dệt may Việt Nam không lớn như các quốc gia khác.

Đây là nỗ lực rất lớn của ngành dệt may, đặc biệt là trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm khoảng 20%, thậm chí có thể giảm tới 25% và các quốc gia cạnh tranh được hỗ trợ bởi đồng tiền của các quốc gia này giảm giá so với đồng USD. Dự báo tổng trị giá xuất khẩu cả năm của ngành dệt may sẽ đạt khoảng 33.5-34 tỷ USD, giảm khoảng 14-15% so năm 2019, cao hơn dự báo trước đó là chỉ đạt 30-31 tỷ USD.

Trong thời gian tới, ngành dệt may cần chú trọng hơn đến phát triển thị trường nội địa để bảo đảm bền vững hơn cho sản xuất kinh doanh dài hạn. Đồng thời, ngành cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu Việt Nam, liên kết chuỗi cung ứng, phát triển công nghiệp phụ trợ. Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trong tình hình mới, tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, vận hành doanh nghiệp. Tiếp tục tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, phát triển, mở rộng ngành sản xuất nguyên liệu, tăng tỷ lệ giá trị gia tăng, chủ động hơn trong chuỗi cung ứng.

Ngành da giày: Tính chung 11 tháng qua, sản lượng giày dép da ước đạt 265.6 triệu đôi, giảm 2.5% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất da và các sản phẩm có liên quan cũng giảm 2.5% so với cùng kỳ.

Cũng giống như ngành dệt may, sản xuất của ngành da giày cũng bị ảnh hưởng lớn do tác động của dịch Covid-19. Từ nay đến cuối năm, dự báo đầu ra của ngành da giày sẽ tiếp tục gặp khó, bởi phụ thuộc nhiều vào khả năng khống chế dịch của Mỹ và Châu Âu.

Tuy nhiên, sau hơn 4 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, giày dép là mặt hàng nằm trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển biến tích cực về xuất khẩu. Hiệp định EVFTA sẽ là động lực lớn cho tăng trưởng của ngành giày dép, túi xách trong những tháng còn lại của năm 2020 và 2021. Tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại tháng 11 ước đạt 1.4 tỷ USD, tăng 0.1% so với tháng trước. Tính chung 11 tháng ước đạt 14.93 tỷ USD, giảm 9.8% so với cùng kỳ.

Nhật Quang

FILI