Vietnam Airlines tái cơ cấu tổng thể và câu chuyện tương lai 3 năm

Dịch vụ 

Vietnam Airlines tái cơ cấu tổng thể và câu chuyện tương lai 3 năm

Hướng tới lời giải để vượt qua khủng hoảng đến từ dịch bệnh, Vietnam Airlines tiếp tục có động thái tái cơ cấu tổ chức, phát hành thêm vốn điều lệ cho cổ đông hiện hữu.

Vietnam Airlines từng trên đà phát triển tốt nhất trước dịch Covid-19

Ngày 17/11/2020, Quốc hội đã phê duyệt đề xuất của Chính phủ về phương án cho phép Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines tiếp cận khoản vay 4,000 tỷ đồng lãi suất tái cấp vốn và phát hành thêm 8,000 tỷ đồng vốn điều lệ. Đây được coi là giải pháp cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh, kinh tế, xã hội và giao thương thế giới còn nhiều khó lường.

Nhìn lại thời điểm trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Vietnam Airlines là cái tên đang đứng trên đà phát triển tốt nhất kể từ khi thành lập. Ước tính cuối 2019, lợi nhuận trước thuế của HVN đạt 2,899 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với 2017. Hệ số nợ trên vốn sở hữu giảm từ 3.7 còn 2.7 lần cùng lượng tiền mặt sở hữu tới 3,500 tỷ đồng tính tới hết tháng 3/2020.

Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi nhanh chóng. Cũng như các hãng hàng không lớn trên khắp thế giới, Vietnam Airlines hứng chịu ảnh hưởng trực diện và ngày càng nặng nề qua mỗi đợt bùng dịch. Các chuyến bay quốc tế bị trì hoãn vô thời hạn từ đầu tháng 4, trừ các chuyến bay đưa công dân Việt Nam hồi hương. Tuyến bay nội địa phải phân bổ và thay đổi liên tục, có tới 80-90% tàu bay không được đưa vào khai thác. Doanh thu của hãng đến hết tháng 9/2020 đạt gần 23,000 tỷ đồng, chỉ bằng 41.7% so với năm trước và lỗ 10,750 tỷ (bằng 70.8% lỗ kế hoạch năm).

Ông Trần Thanh Hiền, trưởng ban Tài chính Kế toán của hãng đã nhiều lần chia sẻ: “Nếu không được giải cứu, đến hết tháng 8/2020, Vietnam Airlines sẽ cạn kiệt dòng tiền”. Bởi ngoài chuyện dịch bệnh “công phá” dữ dội, khi đường bay nội địa phục hồi thì việc dư cung, thừa tải tại thị trường hàng không trong nước khiến các hãng đều chịu cuộc đua xuống đáy về doanh thu do giá vé giảm mạnh. Vietnam Airlines với 86.19% sở hữu vốn Nhà nước bị thâm hụt dòng tiền nghiêm trọng ở mức 7,358 tỷ đồng sau 9 tháng, chưa kể các khoản dư nợ đến hạn, ngắn hạn và dài hạn khó có khả năng chi trả.

Chiếc phao cứu sinh có tính quyết định ngay lúc này là việc Quốc Hội đã thông qua giải pháp cho Vietnam Airlines với tư cách cổ đông Nhà nước được vay 4,000 tỷ đồng với lãi suất tái cấp vốn và phát hành tăng 8,000 tỷ đồng vốn điều lệ. Nếu khoản tái cấp vốn này được giải ngân đúng thời hạn, Vietnam Airlines được kỳ vọng sẽ hồi phục và bắt đầu có lãi trở lại sau 3 năm nữa.

Gói cứu trợ tài chính của Nhà nước cho Vietnam Airlines sẽ là phao cứu sinh có ý nghĩa quyết định đối với hãng

Để chuẩn bị cho ĐHĐCĐ bất thường dự kiến diễn ra vào ngày 29/12/2020, Vietnam Airlines đã chuẩn bị phương án phát hành 8,000 tỷ đồng bổ sung vốn kinh doanh nhằm đảm bảo dòng tiền ổn định. Tại thời điểm chốt sổ sách để lên phương án, giá cổ phiếu HVN đang đạt mức 27,000 đồng/cổ phần. Theo tính toán, vốn chủ sở hữu của hãng sẽ ở mức 8,278 tỷ đồng vào cuối năm 2020 và 8,242 tỷ đồng vào cuối năm 2021. Số nợ trên trên vốn chủ sô hữu hết năm 2021 sẽ giảm từ 6.19 lần còn 5.22 lần.

Như vậy, Vietnam Airlines vẫn sẽ dự báo lỗ trong 1-2 năm tới và cần tiếp tục tái cơ cấu tài sản, danh mục đầu tư nhằm đảm bảo từng bước phục hồi. Theo dự tính khả quan, thị trường trong nước sẽ phục hồi từ 2022, hoặc chậm hơn là từ 2023 mới mức tăng trưởng toàn ngành đạt 8%/năm (2023-2025) và 4% (2026-2035). “Dự kiến chúng tôi sẽ có lãi từ năm 2023 và hết lỗ lũy kế vào năm 2025”, một lãnh đạo Vietnam Airlines chia sẻ.

FILI