Tương lai nào cho VN-Index?

Tương lai nào cho VN-Index?

Đà tăng của VN-Index đã kéo dài suốt nhiều tháng qua. Sự tăng trưởng của chỉ số cho đến lúc này đã làm cho giới phân tích cảm thấy bất ngờ. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý một số yếu tố quan trọng để có thể thiết lập chiến lược đầu tư hợp lý cho giai đoạn sắp tới.

Mô hình Bearish ABCD sẽ giúp định hình chiến lược trong thời gian tới

Sóng Harmonic bắt đầu được sử dụng rộng rãi trong giới phân tích kỹ thuật những năm gần đây. Sóng này giúp nhà giao dịch phát hiện ra các điểm có khả năng đảo ngược xu hướng (turning point) và kiếm lời từ chúng.

Các mô hình sóng Harmonic có liên hệ chặt chẽ với dãy số Fibonacci. Cụ thể là các công cụ như Fibonacci Retracement, Fibonacci Projection… được dùng khá thường xuyên khi phân tích sóng. Nếu biết kết hợp chúng lại với nhau, nhà đầu tư sẽ dễ dàng phát hiện ra mô hình Harmonic, từ đó tìm ra những điểm đảo chiều tiềm năng.

Trong các mô hình sóng Harmonic thì kinh điển nhất là mô hình ABCD (tham khảo hình bên dưới). Nó thông dụng vì sự đơn giản, dễ hiểu và dễ áp dụng.

Nguồn: Forex Signal

Theo mẫu hình sóng ABCD ở trên, ta có đợt tăng điểm từ đầu tháng 03/2020 tới tháng 06/2020 là đoạn AB và đợt tăng từ tháng 08/2020 đến nay là đoạn CD. VN-Index đang ở giai đoạn cuối mẫu hình Bearish ABCD của sóng Harmonic. Theo nguyên tắc chung thì các trader sẽ phải bán ra tại đây để bảo toàn lợi nhuận vì khả năng có điều chỉnh và rung lắc sẽ khá cao.

Ở đây có một chút gượng ép vì thời gian diễn ra của cạnh CD đã bắt đầu dài hơn cạnh AB. Nhưng rõ ràng chúng ta phải thừa nhận trong thực tế của thị trường chứng khoán luôn xuất hiện những ngoại lệ như vậy.

Nguồn: VietstockUpdater

Thị trường có thể điều chỉnh đến đâu?

Trong thời gian qua, giới phân tích kỹ thuật bắt đầu nói đến nguy cơ điều chỉnh đang tăng dần. Dĩ nhiên, người viết không bi quan đến mức cho rằng VN-Index sẽ về lại đáy 800 điểm. Điều này hiện không có cơ sở để xảy ra trên phương diện phân tích kỹ thuật. Nếu thực sự có điều chỉnh mạnh bất ngờ (thrust down) trong ngắn hạn thì điểm rơi dự kiến sẽ là vùng 900-950 điểm bởi những lý do sau đây:

Thứ nhất, VN-Index đang duy trì bên trên tất cả những đường MA quan trọng như SMA 100 ngày, SMA 200 ngày… Nhóm này hiện đang đi lên mạnh.

Thứ hai, khối lượng giao dịch liên tục duy trì mức cao cho thấy dòng tiền khá dồi dào trong ngắn hạn.

Thứ ba, đỉnh cũ đã bị vượt qua của tháng 06/2020 (tương đương vùng 900-910 điểm) đã chuyển từ kháng cự thành hỗ trợ.

Một kịch bản khác cũng đang được nhắc đến là VN-Index sẽ đạt tới mốc 1,200 điểm một lần nữa trong vòng 2-3 tháng tới. Điều kiện tiên quyết cho kịch bản này là chỉ số phải phá vỡ hoàn toàn và duy trì vững chắc bên trên vùng 1,035-1,050 điểm cùng với khối lượng duy trì mức cao liên tục.

Tuy nhiên, nếu ta xem xét dựa trên lý thuyết sóng Elliott thì sẽ thấy có một chút khúc mắc nhỏ. Nếu coi toàn bộ đợt tăng từ tháng 03/2020 đến nay là một sóng tăng lớn thì có thể chia ra thành nhiều sóng nhỏ ngắn hạn được đánh dấu như hình vẽ bên dưới. Theo đó, thời gian diễn ra sóng 3 đã gần bằng thời gian của sóng 1 và sóng 2 cộng lại. Nếu VN-Index lại tăng tiếp mà không cần điều chỉnh thì có vẻ hơi bất hợp lý.

Người viết vẫn ủng hộ quan điểm cho rằng VN-Index sẽ đạt mức 1,200 điểm trong năm 2021. Tuy nhiên, VN-Index đạt mức điểm này trong sóng 5 sẽ hợp lý hơn thay vì hoàn thành nó luôn trong sóng 3 như một số nhà phân tích đưa ra. Việc có thêm một giai đoạn tích lũy để “lấy đà” (sóng 4 điều chỉnh) kéo dài khoảng 1-2 tháng sẽ giúp cho sự tăng trưởng của thị trường bền vững hơn.

Nguồn: VietstockUpdater

Kết luận

Việc đua lệnh mua với giá cao không được ủng hộ trong giai đoạn này do giá có thể chuẩn bị kết thúc sóng tăng giá ngắn hạn.

Nếu VN-Index điều chỉnh về gần vùng 900-950 điểm thì sẽ là một cơ hội tuyệt vời để tích lũy cổ phiếu.

Bộ phận Phân tích Kỹ thuật, Phòng Tư vấn Vietstock

FILI