Vietnam Airlines được phép chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu

Vietnam Airlines được phép chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu

Để giải quyết những khó khăn chồng chất tại Vietnam Airlines, Quốc hội đã thông qua các phương án giải cứu, trong đó bao gồm chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ.

Chiều 17/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Trong đó, Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HOSE: HVN) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo đó, cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, còn cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng quy định của Luật Chứng khoán. Ở đây, Vietnam Airlines được miễn trừ điều kiện hoạt động kinh doanh phải có lãi năm liền trước khi chào bán.

Bên cạnh đó, Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua. Đồng thời cho phép xác định việc đầu tư nêu trên thuộc dự án nhóm A.

 

Trước đó, theo kiến nghị của Vietnam Airlines, Chính phủ với vai trò chủ sở hữu phần vốn nhà nước hỗ trợ “tái cấp vốn” với quy mô 12,000 tỷ đồng, trong đó, cho vay tối thiểu 4,000 tỷ đồng trong ba năm lãi suất ưu đãi. Phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn đối với phần còn lại 8,000 tỷ đồng, cổ đông nhà nước có thể giao một đơn vị mua cổ phần này, có thể là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước - SCIC.

Quốc hội thông qua phương án giải cứu sau khi Vietnam Airlines ghi nhận 3 quý lỗ liên tiếp, với tổng mức lỗ 9 tháng đầu năm là 10,472 tỷ đồng.

Tại cuối quý 3/2020, Vietnam Airlines đối mặt với áp lực nặng nề về thanh khoản. Cụ thể, tiền gửi ngắn hạn giảm mạnh từ 3,579 tỷ về 656 tỷ đồng.

Trong khi đó, khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hiện ở mức 11,684 tỷ đồng, gần gấp đôi so với đầu năm. Ngoài ra, trong 9 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh của hãng bay quốc gia hiện đang âm gần 6,270 tỷ đồng, trong khi năm ngoái dương gần 7,874 tỷ đồng.

* Có gói "giải cứu", Vietnam Airlines sẽ thoát hiểm?

* Vietnam Airlines sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2021

* Vietnam Airlines lỗ gần 10,472 tỷ đồng sau 9 tháng

Vũ Hạo

FILI