Tiềm năng nào cho cổ phiếu LPB?

Tiềm năng nào cho cổ phiếu LPB?

Kết phiên giao dịch đầu tiên trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), vốn hóa của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, HOSE: LPB) đạt hơn 12,065 tỷ đồng. Trong đó, khối lượng niêm yết gần 977 triệu cp và thị giá là 12,350 đồng/cp.

Trước thềm chuyển từ UPCoM sang sàn HOSE, thị giá cổ phiếu LPB đã tăng gần 36% so với thời điểm cuối tháng 08, lên mức 12,500 đồng/cp tại ngày giao dịch cuối cùng trên thị trường UPCoM.

Ngay khi chào sàn HOSE, giá LPB nhanh chóng vọt lên 12,885 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh 465,640 đơn vị. Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên trên HOSE, thị giá LPB dừng ở mức 12,350 đồng/cp, tăng 5% so với mức giá tham chiếu 11,800 đồng/cp.

Diễn biến giao dịch cổ phiếu LPB trong phiên đầu tiên trên sàn HOSE

Theo lãnh đạo LienVietPostBank, giá cổ phiếu LPB hiện vẫn thấp hơn giá trị thực, chưa phản ánh đúng kết quả kinh doanh và tiềm năng phát triển của Ngân hàng. Do đó, việc chuyển sang niêm yết tại HOSE sẽ góp phần nâng tầm thương hiệu và giá trị của LienVietPostBank đối với các nhà đầu tư, đồng thời giúp nâng cao thanh khoản, qua đó xác định đúng giá trị thực của cổ phiếu LPB.

Có thể thấy, thế mạnh lớn nhất của LienVietPostBank chính là hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp cả nước thông qua hệ thống bưu điện địa phương.

Ngân hàng hiện có hệ thống phòng giao dịch lớn thứ 2 cả nước với 1 hội sở chính, 3 văn phòng đại diện, 76 chi nhánh và 463 phòng giao dịch, cùng với 673 phòng giao dịch bưu điện (chỉ sau Agribank với hơn 2,200 điểm). Đặc biệt là quyền khai thác hơn 10,000 điểm giao dịch bưu điện trên toàn quốc.

Theo LienVietPostBank, chi phí nâng cấp thành phòng giao dịch từ các phòng giao dịch bưu điện có sẵn rẻ hơn rất nhiều, chỉ bằng 1/5 chi phí so với việc mở mới các điểm giao dịch. Trong các năm tới, Ngân hàng sẽ được hưởng thành quả của việc chuyển đổi các phòng giao dịch bưu điện khi chi phí đầu tư, chi phí khấu hao vào việc chuyển đổi có xu hướng giảm dần trong thời gian tới.

Dự kiến năm 2020, Ngân hàng tiếp tục đưa vào hoạt động 18 phòng giao dịch nâng tổng số điểm giao dịch của LienVietPostBank lên 556 điểm gồm 76 chi nhanh, 480 phòng giao dịch.

Kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 11,342 tỷ đồng

Nguồn: VietstockFinance

LienVietPostBank tiền thân là Ngân hàng TMCP Liên Việt được thành lập vào ngày 28/03/2008 với vốn điều lệ ban đầu là 3,300 tỷ đồng. Đến năm 2012, Ngân hàng tăng vốn điều lệ lên mức 6,460 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.

Đến thời điểm hiện tại, vốn điều lệ của LienVietPostBank hơn 9,769 tỷ đồng. Dự kiến sau khi hoàn tất việc phát hành 97.69 triệu cp để trả cổ tức năm 2019 cho cổ đông theo tỷ lệ phát hành 10% trong quý 4/2020, vốn điều lệ của LienVietPostBank sẽ tăng lên mức 10,746 tỷ đồng.

Ngoài ra, Ngân hàng cũng có kế hoạch chào bán riêng lẻ 59.58 triệu cp, chiếm 5.54% số lượng cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm phát hành (dự kiến). Giá phát hành không thấp hơn mệnh giá 10,000 đồng/cp.

Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của LienVietPostBank sẽ tăng lên mức 11,342 tỷ đồng.

Vượt kế hoạch lãi 1,700 tỷ đồng năm 2020

Nguồn: VietstockFinance

LienVietPostBank có lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 2,039 tỷ đồng, tăng 68% so với năm 2018, vượt 107% kế hoạch đề ra. Đây là mức lợi nhuận trước thuế cao nhất Ngân hàng đạt được kể từ khi thành lập . Trong đó, mảng dịch vụ đặc biệt ở lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm (bancassurance) tăng đột biến 217%, góp phần đưa kết quả thu dịch vụ cao gấp 2.5 lần năm 2018. Điều này chứng tỏ nguồn thu nhập của Ngân hàng đang giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng.

Trước tác động của dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh của LienVietPostBank vẫn có sự tăng trưởng so với thời điểm trước Covid-19 khi dư nợ cho vay khách hàng tăng 13% (159,149 tỷ đồng) và lợi nhuận vượt kỳ vọng chỉ sau 9 tháng.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần 9 tháng đầu năm của Ngân hàng tăng 5%, đạt 4,717 tỷ đồng, và lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh 79% so với cùng kỳ năm trước, mang về hơn 357 tỷ đồng.

Đồng thời chi phí dự phòng rủi ro tín dụng chỉ xấp xỉ cùng kỳ (322 tỷ đồng) giúp lãi trước thuế đạt 1,741 tỷ đồng, vượt kế hoạch so với chỉ tiêu 1,700 tỷ đồng lãi trước thuế cả năm 2020.

Chất lượng tài sản cải thiện

Tại ngày 30/09/2020, LienVietPostBank đã sạch nợ tại VAMC. Theo nhận xét của các chuyên gia, việc xử lý dứt điểm trái phiếu tại VAMC góp phần cải thiện chất lượng tài sản của các ngân hàng. Khi chất lượng tài sản tốt lên, các ngân hàng sẽ không phải quá bận tâm (lo trích dự phòng) vào khối nợ xấu tồn đọng, mà có động lực cho tăng trưởng lợi nhuận các năm tiếp theo.

Nguồn: BCTC kiểm toán các năm của LPB

Bên cạnh đó, trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng tăng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ nợ xấu của LienVietPostBank cũng tăng lên mức 1.64% so với mức 1.41% của hồi đầu năm. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu vẫn được kiểm soát dưới 2% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), và vẫn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ nợ xấu NHNN dự báo (bao gồm nội bảng và nợ VAMC, nợ chưa thực hiện phân loại) sẽ ở mức 3-3.7% vào cuối năm 2020.

Mức giá 12,350 đồng/cp có là điểm dừng?

Nguồn: VietstockFinance

Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ số P/B của LPB ở mức 0.88 lần. Nếu so sánh với các mã đã niêm yết trên HOSE, hệ số P/B của LPB tương đương với STB trong khi giá thị trường của LPB đang ở mức hấp dẫn hơn so với các cổ phiếu đã niêm yết lâu trên sàn. Điều này chỉ ra rằng thị trường đang kỳ vọng về triển vọng kinh doanh của LPB trong tương lai. 

Ái Minh

FILI