Myanmar: Covid-19 khiến kinh doanh trực tuyến bùng phát, thiếu container trầm trọng

Myanmar: Covid-19 khiến kinh doanh trực tuyến bùng phát, thiếu container trầm trọng

Số lượng doanh nghiệp tại Myanmar chuyển sang kinh doanh trực tuyến bằng cách sử dụng các nền tảng kỹ thuật số đã tăng gấp đôi kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Hiệp hội Thương mại Điện tử Myanmar cho biết, The Myanmar Times đưa tin.

U Aye Chan, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Myanmar, cho biết trong khi các cửa hàng bán lẻ bị tác động do Covid-19 và lệnh hạn chế đi lại thì hình thức mua sắm trực tuyến lại gia tăng.

Theo khảo sát mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) về ảnh hưởng của đại dịch ở mức độ doanh nghiệp tại Myanmar, 83% công ty báo cáo bị tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, tăng từ mức 75% hồi tháng 8. Tình trạng phải tạm đóng cửa doanh nghiệp ở mọi quy mô có xu hướng gia tăng trong tháng 9 sau khi Chính phủ áp dụng lệnh “ở yên tại nhà” với các doanh nghiệp tại Yangon. 

So với tháng 8, trừ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp, số lượng doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh ở tất cả lĩnh vực trong tháng 9 đều tăng.

Mối lo hàng đầu của các công ty được khảo sát vẫn là xu hướng giảm doanh số, đặc biệt là những công ty nhỏ. Tỷ lệ công ty báo cáo doanh số sụt giảm trong tháng 9 tăng thêm 12 điểm phần trăm so với tháng 8, lên mức 93%.

Tuy nhiên, liên quan đến các hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh trên các nền tảng kỹ thuật số, chia sẻ trên trang The Myanmar Times gần đây, ông U Aye Chan cho biết những hoạt động này lại gia tăng mạnh mẽ trong cùng giai đoạn trên.

Ông U Aye Chan cho biết thêm số lượng nhà cung cấp cũng như nhu cầu theo hình thức trực tuyến đều gia tăng đáng kể. Ngày càng có nhiều người bán và người mua đang dựa trên nền tảng kỹ thuật số để thực hiện giao dịch.

Trong khi kinh tế Myanmar vẫn phần lớn dựa vào tiền mặt, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy các cá nhân, đơn vị sử dụng lao động và doanh nghiệp chuyển sang phương thức mua sắm, thanh toán trực tuyến, góp phần thúc đẩy xu hướng tăng trưởng thương mại và dịch vụ điện tử. Trước xu thế đó, các nhà chức trách cũng đang tiến hành soạn thảo quy định mới để theo kịp nền kinh tế kỹ thuật số.

Tuy nhiên, những mối nguy lớn vẫn còn đó. Những hạn chế về internet hiện nay tại các vùng Ra­khine and Chin cũng như việc chặn trang web của các nhà hoạt động và cơ quan truyền thông làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu người tiêu dùng tại Myanmar có thể dựa vào các dịch vụ điện tử hay không. Việc kiểm duyệt các trang web cũng bị các nhà khai thác viễn thông và phòng kinh doanh phê bình, họ cảnh báo động thái này làm ảnh hưởng đến danh tiếng của Myanmar như một điểm đến đầu tư.

Theo khảo sát của WB, 28% cho biết họ không gặp bất cứ trở ngại nào trong việc bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ trực tuyến. Khoảng 1/5 công ty báo cáo thách thức lớn nhất đối với họ là tình trạng thiếu năng lực công nghệ thông tin và kỹ năng công nghệ.

Tỷ lệ ứng dụng nền tảng kỹ thuật số cũng có sự chênh lệch xét về lĩnh vực hoạt động và quy mô doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp và doanh nghiệp vi mô lại ích quan tâm đến việc áp dụng hình thức trực tuyến hơn, dù họ cũng đối mặt với khó khăn không kém do dịch.

Trong một diễn biến khác, theo Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế Myanmar (MIFFA), Covid-19 đã khiến Myanmar thiếu lượng container trầm trọng và tình trạng này có thể kéo dài trong 2 tháng tới.

U Than Wai Aung, Chủ tịch MIFFA, cho biết do tác động của Covid-19, mọi hoạt động đã bị xáo trộn. Các chuyến tàu rời và cập cảng đều bị rối lọan, giá cả thay đổi bất thường và Myanmar đang thiếu container.

Hầu hết container từ châu Á đến các thị trường châu Âu đều không thể đưa về do khủng hoảng y tế toàn cầu, U Nay Say thuộc Cộng đồng Hậu cần Myanmar cho hay. Do đó, ông U Nay Say cho biết giá container đã tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba, do thiếu hụt. Tuy nhiên, ông vẫn lạc quan kỳ vọng điều này sẽ không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu.

Liên quan đến tình hình Covid-19 trong nước, mới đây, Cố vấn Nhà nước Daw Aung San Suu Kyi cảnh báo số ca nhiễm mới có thể tăng thêm trong vài tuần tới do xuất hiện tình trạng tụ tập đông người sau kỳ bầu cử diễn ra hôm 08/11.

Sau khi đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) giành chiến thắng, những người ủng hộ đảng tại một số vùng, bang đã tụ tập để ăn mừng trong ba ngày liên tiếp.

Bà Daw Aung San Suu Kyi cảnh báo: “Thời gian này, chúng ta phải hết sức cẩn thận do xuất hiện nhiều đám đông tụ tập sau bầu cử. Khả năng lây nhiễm rất cao tại những nơi tụ tập đông người. Chúng ta cần nhận thức rõ tỷ lệ lây nhiễm sẽ gia tăng trong 1 hoặc 2 tuần tới”.

Bà Daw Aung San Suu Kyi cho rằng trong khi số ca nhiễm Covid-19 trung bình mỗi ngày vẫn khoảng 1,000 ca, Myanmar cần nỗ lực để giảm thiểu con số này xuống mức thấp.

Hôm 10/11, Bộ Y tế và Thể thao cũng đã phát thông báo kêu gọi công chúng không tụ trên 30 người và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm đối với những người không tuân thủ quy định.

Đỗ Thảo (Theo The Myanmar Times)

FILI