Hàng loạt doanh nghiệp Nhà nước vỡ nợ, vì sao Chính phủ Trung Quốc không hỗ trợ?

Hàng loạt doanh nghiệp Nhà nước vỡ nợ, vì sao Chính phủ Trung Quốc không hỗ trợ?

Hàng loạt vụ vỡ nợ tại một số công ty Nhà nước Trung Quốc – vốn thường là một lựa chọn an toàn cho nhà đầu tư – đang gây chấn động trên thị trường tín dụng và khiến nhiều nhà đầu tư ái ngại. Đây là yếu tố dẫn tới làn sóng bán tháo trên thị trường trái phiếu trong tuần trước.

Khi cơn rỉ máu tiếp tục phát tín hiệu sẽ có thêm các vụ vỡ nợ trái phiếu trong thời gian tới, giới quan sát đang tranh luận về câu hỏi: Tại sao lần này lại có nhiều doanh nghiệp Nhà nước (SOE) bị bỏ mặc hơn so với 2 thập kỷ trước và phân khúc nào sẽ có được sự hỗ trợ từ Chính phủ Trung Quốc.

Tập đoàn Nhà nước Yongcheng Coal & Electricity đã vỡ nợ đối với lượng trái phiếu trị giá 1 tỷ Nhân dân tệ trong tuần trước, châm ngòi cho cuộc điều tra về hành vi sai phậm của 3 ngân hàng bảo lãnh.

Các vụ vỡ nợ trái phiếu khác nối đuôi nhau trong tuần này, bao gồm vụ vỡ nợ của hãng sản xuất chip Nhà nước Tsinghua Unigroup và hãng sản xuất xe hơi Nhà nước Huachen Automotive Group – một đối tác liên doanh với BMW tại Trung Quốc. Đáng chú ý, Tsinghua Unigroup vẫn chưa thể thanh toán nợ nần dù đã được gia hạn trả nợ 1 lần trước đó. Tháng trước, một trong những tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, China Evergrande, cũng thu hút sự chú ý vì vấn đề khủng hoảng tiền mặt.

“Vụ vỡ nợ của Yongcheng khiến nhà đầu tư lo ngại về thị trường trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc, vì nó đã phá vỡ một giả định đã tồn tại từ lâu về sự hậu thuẫn ngầm của Chính phủ đối với trái phiếu của doanh nghiệp Nhà nước”, Zhaopeng Xing, Chuyên gia kinh tế và phụ trách thị trường Trung Quốc tại ANZ Research, viết trong báo cáo ngày thứ Năm (19/11). Xác suất vỡ nợ lần đầu của các doanh nghiệp Nhà nước vẫn ở dưới mức 1% tại thời điểm này, trong khi xác suất của các doanh nghiệp tư nhân là 9%, theo dữ liệu của ANZ.

Các vụ vỡ nợ của các doanh nghiệp có sự hậu thuẫn từ Chính phủ Nhà nước rất hiếm khi xảy ra cho đến thời gian gần đây. Vào cuối tháng 12/2020, trường hợp vỡ nợ trái phiếu USD của công ty Tewoo Group là vụ vỡ nợ đầu tiên trong 2 thập kỷ.

Các vụ vỡ nợ diễn ra ngay cả khi nhiều nhà quản lý tài sản kêu gọi đầu tư vào trái phiếu Trung Quốc trong năm nay. Những trái phiếu Trung Quốc đưa ra mức lợi suất rất hấp dẫn cho nhà đầu tư – cao hơn nhiều so với Mỹ và châu Âu – giữa lúc việc tìm kiếm lợi suất ngày càng khó khăn hơn.

Thị trường trái phiếu Trung Quốc hiện trị giá 13 ngàn tỷ USD, lớn thứ hai trên thế giới.

Cho tới thời điểm này, nhà đầu tư đang tranh nhau mua trái phiếu Trung Quốc. Dòng vốn nước ngoài chảy vào thị trường trái phiếu trung Quốc tăng lên 21.43 tỷ USD trong tháng 3/2020, mức cao nhất trong 1 năm. Trong khi đó, cả năm 2019 chỉ thu hút được 9.5 tỷ USD, dựa trên dữ liệu từ Refinitiv. Chứng chỉ quỹ iShares Barclays USD Asia High Yield Bond tăng 31% so với mức đáy tháng 3/2020.

Vậy đâu là yếu tố châm ngòi cho làn sóng vỡ nợ tại các doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc?

Kinh tế đang gượng dậy từ đại dịch

Chính phủ Trung Quốc có thể sẵn lòng chấp nhận công ty Nhà nước phá sản giữa lúc nền kinh tế gượng dậy từ đại dịch Covid-19 – cùng với mong muốn giảm bớt nợ trong nền kinh tế, S&P Global Ratings cho biết trong báo cáo ngày 18/11.

“Sẽ có thêm vụ vỡ nợ sắp diễn ra khi các cơ quan chức trách Trung Quốc trở lại chiến dịch giảm bớt đòn bẩy khi mà những ngày tháng dịch bệnh tồi tệ nhất đã qua”, Chang Li, Chuyên gia phụ trách Trung Quốc tại S&P Global Ratings, nhận định.

Bắc Kinh đã và đang trong chế độ giảm bớt đòn bẩy khi mà núi nợ phình to quá nhanh, nhưng sau đó đã trì hoãn chiến dịch khi đại dịch Covid-19 hoành hành. Thay vào đó, các cơ quan chức trách khuyến khích ngân hàng cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thế nhưng, hiện nay, nợ lại tăng vọt một lần nữa và khiến các cơ quan chức trách phải tập trung giảm bớt đòn bẩy trở lại.

“Trong góc nhìn của chúng tôi, làn sóng bán tháo – diễn ra dữ dội hơn ở trong nước hơn là nước ngoài – phản ánh sự sẵn lòng cho phép các doanh nghiệp Nhà nước lớn vỡ nợ”, trích từ báo cáo.

S&P lên tiếng cảnh báo về trường hợp của Yongcheng Coal & Electricity – vốn không thể thanh toán khoản nợ đến hạn vào ngày 10/11. Điều này có thể dẫn tới vụ vỡ nợ của công ty mẹ Henan Energy & Chemical Industry – một trong những công ty Nhà nước lớn nhất tại tỉnh Hà Nam, S&P cho biết. Theo ước tính của hãng xếp hạng tín nhiệm này, 50 tỷ Nhân dân tệ (7.6 tỷ USD) có nguy cơ vỡ nợ.

S&P nhấn mạnh đến “việc Chính phủ đột nhiên không còn hỗ trợ” Yongcheng Coal & Electricity. Chỉ 1 tháng trước khi vỡ nợ, hãng xếp hạng tín nhiệm cho biết Yongcheng vừa phát hành 1 tỷ Nhân dân tệ trái phiếu kỳ hạn hơn 1 năm trong tháng 10/2020. Các động thái này được xem là “tín hiệu cho thấy Chính phủ đang hỗ trợ doanh nghiệp”, theo S&P.

“Trong góc nhìn của chúng tôi, trường hợp của Yongcheng gây bất ngờ cho thị trường vì nó thể hiện thái độ của chính quyền địa phương với việc cung cấp hỗ trợ đã bị đảo ngược chỉ trong vòng 1 tháng”, ông Li cho biết. “Thị trường có thể xem đây là tín hiệu chiến dịch giảm bớt đòn bẩy và cải cách tại DNNN sẽ được đẩy nhanh khi nền kinh tế phục hồi từ đại dịch”.

Cơ hội để đào thải những công ty tệ hại?

Chính phủ Trung Quốc đã và đang cho phép một số công ty “có hồ sơ tín nhiệm yếu kém” ra đi mà không hỗ trợ, Tan Min Lan, Trưởng văn phòng đầu tư khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại UBS Global Wealth Management, nhận định.

Thế nhưng, đây thực chất là một điều tích cực vì tạo ra sự phân biệt giữa công ty mạnh và yếu, bà cho biết.

“Chúng tôi đã nói lâu nay rằng việc phân biệt giữa công ty tín dụng tốt và xấu thực chất là một tín hiệu tích cực cho sự phát triển dài hạn của thị trường Trung Quốc. Nếu nhìn lại 2 năm về trước, hoàn toàn không có sự phân biệt này vì làm gì có vụ vỡ nợ nào”, bà nói trong ngày 18/11.

Đại dịch Covid-19 làm cạn kiệt nguồn lực tài chính

Đại dịch Covid-19 đã gây căng thẳng cho nguồn lực công khi Chính phủ Trung Quốc phải tung ra gói cứu trơ cho doanh nghiệp.

“Đại dịch và quy định ngày càng khắt khe hơn từ các cơ quan trung ương có thể kìm hãm khả năng phối hợp nguồn lực tài chính giữa các chính quyền địa phương và thậm chí là sự sẵn lòng hỗ trợ doanh nghiệp”, S&P Global Ratings nhận định.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI