Trung Quốc muốn trở thành cường quốc công nghệ, đẩy mạnh tăng trưởng về chất

Trung Quốc muốn trở thành cường quốc công nghệ, đẩy mạnh tăng trưởng về chất

Trung Quốc tiết lộ một vài thông tin về kế hoạch kinh tế 5 năm sắp tới, hứa sẽ biến đất nước trở thành cường quốc công nghệ, đồng thời nhấn mạnh đến tăng trưởng về chất hơn là tốc độ.

Dựa trên các thông tin chi tiết ban đầu được công bố tại Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trong ngày thứ Năm (29/10), Trung Quốc nhấn mạnh tới sự cần thiết của một đà tăng trưởng bền vững và cam kết phát triển thị trường nội địa vững mạnh. Thông cáo từ giới truyền thông Nhà nước không nêu rõ tốc độ tăng trưởng mà các nhà hoạch định chính sách muốn nhắm đến.

Theo kế hoạch mới, sự tự lực cánh sinh về công nghệ và trở thành trụ cột chiến lược của Trung Quốc – một động thái đã được các quan chức Trung Quốc báo hiệu trước thềm cuộc họp này. Trọng tâm của chiến lược này là tự lực về chip điện tử, các nền tảng dành cho sự đổi mới, sáng tạo từ trí tuệ nhân tạo (AI) cho tới mạng lưới 5G và xe tự lái.

Đặt nền móng cho tầm nhìn 15 năm tới, các quan chức cho biết “đạt được những bước bứt phá trong các công nghệ cốt lõi tại một số lĩnh vực trọng yếu, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia đi đầu về đổi mới trên toàn cầu”, theo thông cáo từ Tân Hoa Xã.

Các nỗ lực của Bắc Kinh đang thể hiện sự cấp bách rõ rệt khi Mỹ tìm cách kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc. Mỹ đang gây áp lực để các đồng minh từ bỏ dùng thiết bị của Huawei Technologies, chặn đứng nguồn cung thiết bị Mỹ cho hàng loạt gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc và thậm chí còn ra lệnh cấm TikTok của ByteDance và WeChat của Tencent.

“Công nghệ là chìa khóa cho giai đoạn phát triển kế tiếp của Trung Quốc”, Wang Huiyao, Cố vấn cho nội các Trung Quốc và là nhà sáng lập Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, cho hay. “Đây là một lĩnh vực quan trọng mà Trung Quốc muốn chú tâm vào, thêm nguồn lực và thêm sự phát triển. Tôi nghĩ về cơ bản điều này là để thúc đẩy sự phát triển của Trung Quốc trong tương lai”.

Triển vọng tăng trưởng

Không như kế hoạch 5 năm trước – vốn đặt trọng tâm vào “tăng trưởng từ tầm trung đến cao” để xây dựng “một xã hội thịnh vượng vừa phải”, kế hoạch lần này được kỳ vọng tập trung vào chất hơn là tốc độ tăng trưởng. Trong tuyên bố ngày 29/10, các quan chức cam kết thực hiện chiến lược thúc đẩy nhu cầu nội địa và mở cửa nền kinh tế trong 5 năm kế tiếp.

Mặc dù kế hoạch không đề cập cụ thể mức tăng trưởng GDP mục tiêu, nhưng các chuyên viên phân tích cho biết Chính phủ Trung Quốc vẫn còn khá tham vọng trong tầm nhìn của mình.

“Các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn mong quy mô kinh tế, thu nhập hộ gia đình cũng như GDP bình quân đầu người sẽ chạm tới ‘cột mốc mới’ trước năm 2035”, Raymond Yeung, Trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc đại lục tại ngân hàng ANZ, cho hay. “Trung Quốc không hề bỏ mục tiêu GDP, họ chỉ thể hiện điều đó một cách tinh tế hơn”.

Ông Yeung cho biết việc nhấn mạnh đến các biện pháp về phía cung có nghĩa “chính sách tiền tệ của Trung Quốc sẽ tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ khi các cơ quan chức trách coi trọng ổn định tài chính”.

Căng thẳng với Mỹ

Tài liệu này cũng thừa nhận “tình huống quốc tế phức tạp” – một cụm từ đã trở thành cụm từ để nói tới chính sách “Nước Mỹ Trước tiên” của Tổng thống Donald Trump. Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi một nền kinh tế mở “ở mức độ cao hơn”, theo một tuyên bố.

Cùng với căng thẳng leo thang với Mỹ, một nền kinh tế thế giới chật vật trong đại dịch đã thôi thúc các quan chức tại Bắc Kinh lập ra chiến lược dựa vào nguồn lực và lượng tiêu thụ nội địa để thúc đẩy tăng trưởng.

Mặc dù chiến lược “lưu thông kép” (dual circulation) được đề cập 2 lần trong thông cáo, nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải thích cụ thể hoặc thông tin chi tiết về chiến lược này. Nền kinh tế cần phải “thông suốt lưu thông nội địa, tạo điều kiện cho lưu thông kép tại quê nhà và nước ngoài, thúc đẩy toàn diện lượng tiêu thụ và mở rộng khoảng trống cho đầu tư”, trích từ tuyên bố.

Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc – bao gồm khoảng 200 nhà lãnh đạo hàng đầu – cũng đề ra mục tiêu tới tận năm 2035, cam kết giảm bớt khí thải carbon, đồng thời nâng GDP bình quan đầu người lên bằng với ngưỡng của quốc gia phát triển vừa phải.

Kế hoạch này được kỳ vọng tung ra trong vài tháng tới và sau đó được Quốc hội Trung Quốc thông qua vào năm 2021.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI