TAR: Lãi ròng tăng 53% trong quý 3, trữ lượng hàng lớn cho quý 4

TAR: Lãi ròng tăng 53% trong quý 3, trữ lượng hàng lớn cho quý 4

Chỉ sau 9 tháng, nhà sản xuất gạo có trụ sở tại Cần Thơ đạt mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất lịch sử hoạt động. SSI Research đánh giá cao lực đẩy từ xuất khẩu sau khi EVFTA có hiệu lực.

CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HOSE: TAR) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2020 với doanh thu thuần 539 tỷ đồng và lãi ròng 20.2 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng trên 15% và 53% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu thuần tăng 15%, biên lãi gộp cải thiện (9.7% so với 9.27%) và tổng các chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp được duy trì ổn định (chỉ tăng 3%) là những yếu tố cộng hưởng tạo nên kết quả lợi nhuận ròng tăng từ 13.2 tỷ đồng lên mức 20.2 tỷ đồng của TAR.

Lũy kế 9 tháng đầu 2020, nhà sản xuất gạo trụ sở tại Cần Thơ ghi nhận gần 2.1 ngàn tỷ đồng doanh thu thuần và 78.5 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng 65% và 238% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là kết quả doanh thu và lợi nhuận cao nhất trong lịch sử của TAR, dù 2020 vẫn còn 3 tháng cuối năm.

KỶ LỤC
TAR đạt kết quả kinh doanh cao nhất lịch sử chỉ sau 9 tháng đầu 2020
Đvt: Tỷ đồng

Với những kết quả trên, TAR chỉ mới thực hiện được gần 60% chỉ tiêu doanh thu và 75% mục tiêu lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên 2020.

BCTC của TAR ghi nhận những con số nhiều khả năng là dấu hiệu cho một quý 4 bùng nổ. Tại thời điểm cuối tháng 9/2020, Công ty giữ gần 859 tỷ đồng hàng tồn kho, nhiều hơn 47% so với đầu năm.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020 của TAR

Các nhà xuất khẩu gạo, đặc biệt là gạo chất lượng cao như TAR được kỳ vọng sẽ hưởng lợi khi cánh cửa vào thị trường EU được mở sau Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

SSI Research đánh giá TAR là một cổ phiếu đáng chú ý của ngành gạo với mức độ hưởng lợi từ EVFTA là “rất tích cực”.

Trước EVFTA, thuế nhập khẩu đối với gạo Việt Nam là 65-211 EUR/tấn (từ 5-45%). Mức thuế này được giảm về 0% từ thời điểm EVFTA có hiệu lực đối với gạo theo hạn ngạch 80 nghìn tấn/năm (gồm 30 nghìn tấn gạo xay xát, 20 nghìn tấn gạo chưa xay xát và 30 nghìn tấn gạo thơm). Hạn ngạch này sẽ được phân bổ cho các doanh nghiệp EU nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Ngoài ra, thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ đối với gạo tấm sau 5 năm và các sản phẩm từ gạo sau 3-5 năm

Để đáp ứng được tiêu chuẩn của Châu Âu, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần có mô hình chuỗi gạo liên kết với nông dân để đảm bảo chất lượng từ đầu vào cho đến đầu ra. Theo SSI Research, TAR là một trong số đó.

SSI Research chia sẻ, TAR đã ký hợp đồng xuất 3 nghìn tấn gạo thơm ST20 và Jasmine sang Đức. Trong tháng 8, Công ty đã xuất lô đầu tiên tương đương 150 tấn.

Tổng công suất thiết kế của TAR đạt 300 nghìn tấn gạo/năm. Thị trường xuất khẩu và nội địa chiếm lần lượt 20% và 80% trong cơ cấu doanh thu của Công ty.

TAR xuất khẩu đi nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, Đức, Pháp, Ý, Úc, các nước Trung Đông và Châu Á. Tại nội địa, hãng gạo này bán sản phẩm dưới thương hiệu Trung An và thương hiệu VinEco.

Thừa Vân

FILI