Reuters: Mỹ tính thêm Ant Group vào danh sách đen về thương mại

Reuters: Mỹ tính thêm Ant Group vào danh sách đen về thương mại

Bộ Ngoại giao Mỹ đã nộp đề xuất lên chính quyền Trump về việc thêm Ant Group của Trung Quốc vào danh sách đen thương mại trước khi gã khổng lồ công nghệ tài chính này thực hiện IPO, dựa trên nguồn tin thân cận.

Hiện vẫn chưa rõ khi nào các cơ quan Chính phủ Mỹ phụ trách danh sách đen xem xét vấn đề này.

Động thái này diễn ra khi những quan chức Mỹ có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc đang tìm cách truyền tải thông điệp để ngăn nhà đầu tư Mỹ tham gia vào IPO này. Ant Group sẽ niêm yết trên hai sàn Hong Kong và Thượng Hải, dự kiến huy động số tiền kỷ lục 35 tỷ USD.

Ngoài ra, diễn biến này còn xảy ra trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 03/11, trong đó Chính quyền Trump cứng rắn với Trung Quốc là nền tảng chính sách ngoại giao quan trọng.

Mặc dù ứng dụng thanh toán Alipay vẫn chưa được người Mỹ sử dụng tại Mỹ, nhưng các quan chức lo ngại Ant có thể cung cấp dữ liệu cá nhân quan trọng của người dùng Mỹ cho chính phủ Trung Quốc.

Một ủy ban an ninh quyền lực là Ủy ban Đầu tư Nước ngoài của Mỹ (CFIUS) đã ngừng thương vụ mua công ty chuyển tiền Moneygram trong năm 2018 vì lo ngại về an ninh quốc gia.

Ant Group từ chối bình luận về thông tin trên, nhưng trong một bài phỏng vấn gần đây trên Reuters, công ty này nhấn mạnh chỉ 5% hoạt động của họ là nằm ngoài Trung Quốc.

Việc bị đưa vào danh sách đen sẽ khiến các công ty Mỹ khó bán sản phẩm công nghệ cao cho các công ty trong danh sách. Danh sách đen dần dần trở thành công cụ được chính quyền Trump lựa chọn để trừng phạt các công ty Trung Quốc, dù tác động thực sự vẫn còn chưa mấy rõ ràng.

Mặc dù hạn chế khả năng tiếp cận với công nghệ Mỹ đã giáng đòn nặng nề lên nhiều doanh nghiệp, như đại gia viễn thông Huawei Technologies, nhưng tác động của nó lên một gã khổng lồ fintech như Ant Group nhiều khả năng chỉ mang tính biểu tượng và không thể ngăn nhà đầu tư Mỹ rót vốn vào Công ty.

Đến nay, chính quyền Mỹ phần lớn hạn chế sử dụng các công cụ cứng rắn hơn để chống lại Trung Quốc, chẳng hạn như đóng băng tài sản ở Mỹ. Nhiều chuyên gia cho rằng điều này là do lập trường ôn hòa của Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin đối với Bắc Kinh.

Ant là công ty thanh toán di động nổi bật nhất tại Trung Quốc, cung cấp nhiều dịch vụ từ cho vay, thanh toán, bảo hiểm đến quản lý tài sản thông qua ứng dụng trên điện thoại. Đặt trụ sở tại Hàng Châu, Ant do Alibaba Group sở hữu 33% cổ phần và do tỷ phú Jack Ma kiểm soát.

Nền tảng thanh toán Alipay của Ant – giống như nền tảng WeChat của Tencent – chủ yếu do công dân Trung Quốc sử dụng với các tài khoản bằng đồng Nhân dân tệ. Các giao dịch liên quan Mỹ chủ yếu là bên bán chấp nhận thanh toán từ khách du lịch và công ty Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio – người thành công trong việc thúc giục chính quyền Mỹ thực hiện điều tra các công ty Trung Quốc – kêu gọi cân nhắc các phương án để trì hoãn đợt IPO của Ant Group.

Đợt IPO tại Hồng Kông của Ant Group được bảo lãnh bởi China International Capital Corp, Citigroup, JPMorgan đến Morgan Stanley. Credit Suisse và Goldman Sachs cũng tham gia.

Dù vậy, việc thông qua kế hoạch IPO của Ant đã bị trì hoãn. Hôm thứ Ba (14/10), Reuters đưa tin giới chức chứng khoán Trung Quốc còn đang xem xét xung đột lợi ích trong kế hoạch niêm yết của Ant Group.

* Tương lai của fintech thế giới nhìn từ Ant Group

* Trung Quốc: Kế hoạch IPO của Ant Group huy động gần 9 tỷ USD

* Bloomberg: Mỹ tìm cách áp biện pháp hạn chế hệ thống thanh toán của Ant Group, Tencent

Vũ Hạo (Theo Reuters)

FILI