Myanmar: Covid-19 khiến thị trường cà phê lao dốc, bất động sản đứng yên

Myanmar: Covid-19 khiến thị trường cà phê lao dốc, bất động sản đứng yên

Thị trường cà phê Myanmar lao dốc do nhu cầu giảm mạnh, trong khi thị trường bất động sản đứng yên do hạn chế hoạt động của các cơ sở kinh doanh trong bối cảnh làn sóng Covid-19 thứ 2 đang diễn ra tại nước này, theo The Myanmar Times.

Nguồn thu và tăng trưởng của thị trường cà phê Myanmar phụ thuộc phần lớn vào các quán cà phê, nhà hàng, khách sạn. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Cà phê Myanmar (MCA), nhu cầu cà phê trong nước đã giảm ít nhất 70% kể từ tháng 3 năm nay, thời điểm nước này ghi nhận ca dương tính Covid-19 đầu tiên.

U Min Hlaing, Chủ tịch MCA, cho biết doanh số tại các cửa hàng trong nước giảm mạnh. Tất cả quán đóng cửa do đại dịch. Xuất khẩu cà phê tuy có tăng nhưng chắc chắn cũng sẽ giảm trong năm tới.

Theo số liệu về xu hướng tiêu dùng cà phê trong nước, 90% dân số dùng cà phê pha sẵn được chế biến từ bột cà phê nhập khẩu giá rẻ và chỉ 10% còn lại dùng cà phê pha phin từ nguồn cà phê trong nước.

Theo các nhà kinh doanh cà phê, xu hướng mua cà phê hạt cũng sẽ bị ảnh hưởng do số lượng đơn hàng tiêu dùng trong và ngoài nước có thể giảm vào năm tới do hậu quả của đại dịch Covid-19.

Trong khi thị trường cà phê Myanmar sụt giảm mạnh thì thị trường bất động sản “giậm chân tại chỗ” do hầu hết đại lý kinh doanh bất động sản buộc phải ngưng hoạt động suốt giai đoạn áp dụng các biện pháp hạn chế nhằm phòng chống Covid-19.

U Nay Min Thu, Giám đốc quản lý trang iMyanmarHouse.com, cho biết trước khi làn sóng Covid-19 thứ 2 xuất hiện tại Myanmar, thị trường tuy không đặc biệt mạnh mẽ nhưng cũng có dấu hiệu phục hồi. Ông nói: “Do tác động của đợt bùng phát dịch trở lại, dù chúng tôi khống chế được dịch cũng sẽ mất nhiều thời gian để thị trường khôi phục hoàn toàn”.

Theo các đại lý kinh doanh bất động sản, người mua nhà gần như không được đi lại trong suốt giai đoạn áp dụng các biện pháp hạn chế. Họ cũng không thể đến tham quan hoặc kiểm tra nhà. Tiền thuê nhà cũng giảm trong vài tháng qua.

Theo nhà kinh doanh bất động sản U Myat Thu Win, tiền thuê nhà ở và thuê mặt bằng kinh doanh đều giảm. Nhiều người trước đây từng có ý định ký hợp đồng thuê mới đã quyết định không thuê nữa do lo ngại về tình hình đại dịch. Hơn 90% cơ sở kinh doanh bất động sản đã tạm dừng hoạt động bán buôn lẫn cho thuê.

Ông U Myat Thu Win dự đoán nếu Myanmar có thể khống chế được số ca lây nhiễm trong vài tuần tới, thị trường bất động sản có thể khôi phục về trạng thái bình thường vào quý 1/2021.

Đợt bùng phát Covid-19 thứ 2 xuất hiện tại Myanmar vào khoảng cuối tháng 8 và hiện nay, số ca nhiễm mới vẫn tăng lên mỗi ngày. Tính đến giữa tháng 10, nước này đã ghi nhận hơn 30,000 ca nhiễm Covid-19, trong đó phần lớn số ca nhiễm mới được công bố trong 6 tuần qua. Tỷ lệ tử vong tiếp tục tăng, đa số là những bệnh nhân lớn tuổi hoặc có sẵn bệnh nền.

Đỗ Thảo (Theo The Myanmar Times)

FILI