FRT báo lỗ trong quý 3, nỗ lực giảm gánh nặng từ đòn bẩy tài chính

FRT báo lỗ trong quý 3, nỗ lực giảm gánh nặng từ đòn bẩy tài chính

Doanh thu đi xuống trong quý 3 kết hợp với chi phí bán hàng tăng do mở rộng chuỗi nhà thuộc Long Châu, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HOSE: FRT) báo lỗ gần 7 tỷ đồng trong quý 3.

Kết quả kinh doanh quý 3 của FRT
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020 của FRT

Tăng chi phí bán hàng do mở rộng Long Châu 

Trong quý 3, FRT báo doanh thu thuần giảm 22% so với cùng kỳ xuống còn hơn 3,432 tỷ đồng. Biên lãi gộp trong kỳ tăng so với cùng kỳ lên mức gần 13.9% (so với 12.5%) nhưng vì quy mô doanh thu sụt giảm, lãi gộp của Công ty chịu kết quả giảm 14% so với cùng kỳ.

Điểm sáng trong hoạt động kinh doanh kỳ này của FRT là chi phí lãi vay giảm 44% so với cùng kỳ, ghi nhận ở mức gần 21 tỷ đồng. Tuy vậy, chi phí bán hàng tăng tới 10% lên mức gần 390 tỷ đồng đã kéo lợi nhuận thuần của Công ty đi xuống. Kết quả quý 3, FRT lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 13 tỷ đồng.

Theo đó, Công ty báo lãi sau thuế âm gần 7 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gần 72 tỷ đồng). Lỗ ròng ghi nhận ở mức hơn 200 triệu đồng.

Theo giải trình của FRT, chi phí bán hàng quý 3 tăng mạnh là chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng dẫn đến tăng chi phí, các khoản chi phí này phản ánh vào chi phí bán hàng trên báo cáo hợp nhất.

Mặt khác, FRT cho biết dịch Covid-19 trên toàn cầu tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của Công ty, đồng thời sức mua của thị trường giảm đáng kể đối với các mặt hàng thiết bị điện tử và mặt hàng giá trị cao, dẫn tới doanh thu quý 3/2020 của Công ty mẹ FRT giảm so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Công ty  ở mức gần 10,730 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ; lãi ròng 19 tỷ đồng, giảm 92% so với cùng kỳ.

Giảm hàng tồn kho cùng đòn bẩy tài chính

Tới cuối quý 3/2020, tổng tài sản của FRT ghi nhận ở mức hơn 4,752 tỷ đồng, giảm gần 28% so với đầu năm. Các khoản mục giảm mạnh nhất là khoản tương đương tiền và hàng tồn kho.

Cụ thể, khoản tương đương tiền của Công ty giảm từ hơn 453 tỷ đồng đầu năm về còn 10 tỷ đồng (tiền mặt của Công ty tăng từ 398.5 tỷ đồng lên hơn 488 tỷ đồng). Hàng tồn kho giảm hơn 40% về còn 2,034 tỷ đồng.

Thuyết minh hàng tồn kho của FRT. Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020 của FRT

Tương ứng ở phần nguồn vốn, vay nợ tài chính ngắn hạn của Công ty giảm khoảng 35% về mức 2,380 tỷ đồng. Phải trả người bán ngắn hạn cũng giảm phân nửa về còn gần 668 tỷ đồng. Các khoản phải trả đối với Samsung Electronic Việt Nam và Apple Việt Nam giảm mạnh so với đầu năm. Ngược lại, phải trả với Phân phối Synnex FPT và Thế giới số (DGW) tăng mạnh.

Thuyết minh các khoản phải trả người bán, vay nợ ngắn hạn của FRT. Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020 của FRT

Lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính 9 tháng đầu năm của Công ty âm hơn 1,600 tỷ đồng, chủ yếu do dòng tiền trả nợ gốc vay.

Diễn biến này cho thấy nỗ lực giảm áp lực từ đòn bẩy tài chính của Công ty trong giai đoạn khó khăn này. Bằng chứng là chi phí tài chính trong quý 3 giảm tới 44%.

Yến Chi

FILI