DKRA: Nguồn cung và sức tiêu thụ căn hộ tăng mạnh ở khu Đông

DKRA: Nguồn cung và sức tiêu thụ căn hộ tăng mạnh ở khu Đông

Sáng ngày 08/10/2020, DKRA Việt Nam đã tổ chức chương trình "Báo cáo thị trường Bất động sản Nhà ở TP.HCM Quý 3/2020" nhằm cập nhật diễn biến thị trường bất động sản ở TP.HCM trong quý 3/2020 và đề xuất một số giải pháp trong xung đột, quản lý chung cư.

Hội thảo DKRA tổ chức sáng ngày 08/10/2020

DKRA cho rằng trong quý 3/2020, nguồn cung và sức tiêu thụ sản phẩm mới ở phân khúc căn hộ tăng mạnh, tập trung chủ yếu ở khu Đông. Bước sang quý cuối năm, thị trường được dự báo tiếp tục xu hướng hồi phục của quý trước, riêng bất động sản nghỉ dưỡng sẽ duy trì sức cầu ở mức khá thấp.

 

Thị trường đất nền quý 3 không có dự án mới, nguồn cung trên thị trường chủ yếu đến từ các dự án mở bán trước đó. Bên cạnh đó, mặt bằng thứ cấp có sự sụt giảm ở nhiều khu vực, mức giảm dao động ở khoảng 3%-5% so với quý trước”, ông Hoàng cũng cho biết thêm.

Thị trường căn hộ trong quý 3 có 15 dự án mở bán, bao gồm 3 dự án mới và 12 dự án trước đó triển khai giai đoạn tiếp theo, cung cấp ra thị trường khoảng 6,374 căn, gấp 2.6 lần so với quý trước.

Nguồn cung và tiêu thụ dự án mới phân khúc căn hộ trong quý 3/2020
Nguồn: DKRA

Căn hộ hạng A trở thành phân khúc chủ đạo của thị trường khi chiếm đến 87.2% cơ cấu nguồn cung mới trong quý 3. Khu Đông tiếp tục là khu vực dẫn đầu nguồn cung và lượng tiêu thụ toàn thị trường. Giá bán sơ cấp tại một số khu vực ghi nhận mức tăng khá cao, trung bình từ 10 - 15% so với thời điểm đầu năm 2020.

 

Ngoài ra, trong quý 3, nguồn cung phân khúc nhà phố và biệt thự giảm nhẹ, nguồn cung và sức cầu bất động sản nghỉ dưỡng tăng nhẹ và sức cầu bất động sản nghỉ dưỡng - Condotel tiếp tục xu hướng giảm.

Đất nền tiếp tục là kênh đầu tư được lựa chọn hàng đầu

Về dự báo thị trường quý 4, DKRA cho rằng đất nền vẫn tiếp tục là kênh đầu tư được chọn lựa hàng đầu. Nguồn cung mới tiếp tục duy trì sự khan hiếm, các dự án được triển khai đa phần có quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở khu vực vùng ven như Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Quận 9…

Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung có thể duy trì mức tương đương so với quý 3, dao động ở mức 6,500 - 7,000 căn. Khu Đông và khu Nam vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn cung. Căn hộ hạng A và hạng B tiếp tục dẫn dắt thị trường trong khi nguồn cung căn hộ hạng C vẫn duy trì khan hiếm, thậm chí không có. 

Nguồn cung mới phân khúc nhà phố/biệt thự có thể sẽ tăng so với quý 3, dao động ở mức 800 - 1,000 căn. Sức cầu thị trường có thể tăng nhẹ nhưng khó có sự gia tăng đột biến trong ngắn hạn.

Với bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung mới có thể sẽ tăng, dự án đa phần tập trung ở Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Quốc và Quảng Nam. DKRA cũng dự báo loại hình nhà phố/shophouse biển có thể hồi phục tích cực trong thời gian tới.

Xung đột tại các chung cư có xu hướng tăng cao

Theo ông Vũ Tiến Thành – CEO DKRA nhận xét: “Khi mô hình nhà chung cư đang là xu thế tất yếu trong chiến lược phát triển nhà ở tại các đô thị lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… việc quản lý, sử dụng nhà chung cư cũng vấp phải nhiều thách thức”.

Thống kê tại TP.HCM, hiện nay có khoảng 1,400 tòa chung cư với khoảng hơn 300,000 căn hộ. Tỷ lệ căn hộ chiếm hơn 8.4% tổng số nhà ở trên địa bàn thành phố và tăng liên tục trong 5 năm trở lại đây. Song song đó, vấn đề xung đột các chung cư cũng có xu hướng tăng cao. Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, trong năm 2018 có khoảng 1/10 chung cư ở thành phố xảy ra xung đột, trong đó có 34 chung cư có xung đột đến mức Sở Xây dựng TP.HCM phải xem xét, giải quyết.

Theo quan sát của DKRA, xung đột tại các chung cư tồn tại ở nhiều hình thức khác nhau, xuất phát từ mâu thuẫn giữa cư dân với cư dân, cư dân với ban quản trị (BQT)/ban quản lý (BQL), cư dân với chủ đầu tư và chủ đầu tư với BQT/BQL.

Từ đó, DKRA đã đề xuất một số giải pháp thực tiễn như cần giải quyết xung đột giữa các chủ thể liên quan trên nguyên tắc “thượng tôn pháp luật” nhằm đảm bảo quyền lợi giữa các bên. Đồng thời, Cơ quan quản lý Nhà nước nên ban hành quy định rõ ràng kèm theo hướng dẫn chi tiết để yêu cầu các bên tham gia nghiêm túc thực hiện.

Về phía chủ đầu tư, cần kịp thời minh bạch thông tin và công khai tình hình tài chính, bàn giao kinh phí đúng thời hạn cam kết đề hạn chế tranh chấp. Những vấn đề liên quan đến phần diện tích sở hữu chung và riêng, chủ đầu tư phải thực hiện theo Quy chế quản lý nhà chung cư, đồng thời thể hiện rõ trong hợp đồng mua bán theo đúng quy định của pháp luật để tránh hiểu lầm.

Bên cạnh đó, BQL cần phát huy vai trò trung gian trong giải quyết xung đột giữa cư dân với cư dân và cư dân với chủ đầu tư hoặc BQL, giúp các bên nhìn nhận đúng quyền lợi và trách nhiệm của mình trong quy trình thực hiện các cam kết và thỏa thuận, minh bạch trong thông tin.

Tiên Tiên

FILI