Dầu tăng 2 phiên liên tiếp trước khả năng gián đoạn nguồn cung

Dầu tăng 2 phiên liên tiếp trước khả năng gián đoạn nguồn cung

Các hợp đồng dầu thô tăng phiên thứ 2 liên tiếp vào ngày thứ Ba (06/10), nới rộng đà tăng mạnh trong phiên trước đó, khi nhà đầu tư tập trung vào cuộc đình công đang làm sụt giảm sản lượng của Na Uy và cơn bão Delta, vốn có thể dẫn đến sự gián đoạn sản xuất ở khu vực Vịnh Mexico, MarketWatch đưa tin.

“Bão Delta đang nhanh chóng mạnh lên khi tiến vào khu vực vùng Vịnh và các công ty dầu mỏ đã bắt đầu sơ tán, chiếm khoảng 17% sản lượng dầu thô của Mỹ”, Craig Erlam, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11 trên sàn Nymex vọt 1.45 USD (tương đương 3.7%) lên 40.67 USD/thùng.

Hợp đồng dầu Brent giao tháng 12 trên sàn Luân Đôn cộng 1.36 USD (tương đương 3.3%) lên 42.65 USD/thùng.

Bão Delta đã mạnh lên thành cơn bão cấp 4 “cực kỳ nguy hiểm” vào chiều ngày thứ Ba khi nó hướng vào bờ biển phía đông bắc của bán đảo Yucatan. Cơn bão này được dự báo đổ bộ vào vùng Gulf Coast vào cuối tuần này.

Để chuẩn bị đối phó với bão Delta, Cục An toàn và Thực thi Môi trường (BSEE) dự kiến khoảng 29.2% sản lượng dầu trong khu vực và gần 8.6% sản lượng khí thiên nhiên bị mất vì ngừng hoạt động sản xuất vào chiều ngày thứ Ba.

Ngoài sản lượng dầu, sản lượng khai thác ngoài khơi của khu vực chiếm 5% sản lượng khí thiên nhiên khô trong nước, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Gulf Coast là nơi chiếm hơn 45% tổng công suất lọc dầu của nước Mỹ và 51% công suất nhà máy chế biến khí thiên nhiên của quốc gia.

Vào ngày thứ Ba, EIA đã hạ dự báo giá dầu WTI và dầu Brent trong năm 2020, nhưng nâng triển vọng sản lượng dầu thô tại Mỹ trong năm nay, dựa theo báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn của Cơ quan này.

Trong báo cáo Triển vọng Nhiên liệu mùa Đông cũng công bố vào ngày thứ Ba, EIA dự kiến nhu cầu nhiên liệu sẽ tăng cao trong mùa Đông này bởi vì dự báo nhiệt độ thấp hơn và nhiều người dành thời gian ở nhà hơn.

Trước đó, sự lạc quan về triển vọng một gói kích thích tài khóa mới được cho là đã thúc đẩy dầu WTI vọt gần 6% và dầu Brent tăng 5.1% trong ngày thứ Hai (05/10), cùng với những lo ngại về cuộc đình công đã khiến sản lượng ở 6 mỏ dầu của Na Uy bị mất khoảng 330,000 thùng/ngày.

Tuy nhiên, đến chiều ngày thứ Ba, các chỉ số chứng khoán Mỹ và các tài sản rủi ro khác đồng loạt bị bán tháo, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ kết thúc đàm phán về gói kích thích tài khóa mới, làm giảm hy vọng rằng các nhà lập pháp ở Washington có thể sớm đạt được thỏa thuận.

An Trần

FILI