Cơ chế quản trị của doanh nghiệp niêm yết tại Campuchia

Cơ chế quản trị của doanh nghiệp niêm yết tại Campuchia

Sở Giao dịch Chứng khoán Campuchia (CSX) hiện có 13 doanh nghiệp niêm yết (DNNY). Nhằm đảm bảo thực hành quản trị doanh nghiệp (CG) hiệu quả với các DNNY thông qua thành lập cơ chế bảo vệ quyền hạn cổ đông, sắp xếp cơ cấu của DNNY và phát triển hệ thống kiểm soát nội bộ và chính sách quản lý rủi ro, Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Campuchia (SECC) đã ban hành Chỉ thị về Cơ chế quản trị doanh nghiệp cho DNNY.

Chỉ thị này quy định các yêu cầu về CG như sau:

1. Quyền và đối xử bình đẳng với cổ đông: Cổ đông chính là những người chủ của công ty. Các quyền cơ bản của cổ đông là bầu chọn thành viên Ban Giám đốc, điều chỉnh điều lệ công ty và phê duyệt các giao dịch vật chất. Thế nên, cổ đông cần được đối xử công bằng trong mọi hoàn cảnh.

2. Ban Giám đốc: Ban Giám đốc được cổ đông bầu chọn tại đại hội đồng cổ đông nhằm hiện thực những lợi ích tốt nhất cho công ty và cổ đông. Với hành động chuyên nghiệp của Ban Giám đốc, tầm nhìn của công ty có thể được mở rộng theo nhiều cách nhằm giúp công ty đạt được các mục tiêu dài hạn và mục tiêu chiến lược.

3. Quản lý rủi ro: Việc áp dụng kế hoạch hoặc chính sách quản lý rủi ro có thể giúp công ty giảm thiểu tối đa những mối nguy và tác động tiềm ẩn. Hơn thế nữa, kế hoạch hay chính sách quản lý rủi ro có thể giúp công ty chắc chắn đạt được mục tiêu.

4. Kiểm soát nội bộ: Ban Giám đốc cần thành lập hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ để kiểm tra tính xác thực của các hoạt động tài chính và phi tài chính cũng như đảm bảo công ty đang hoạt động theo đúng mục tiêu đề ra.

5. Công bố và minh bạch: Việc công bố giúp các công ty xây dựng và duy trì mối quan hệ mở tốt đẹp với cộng đồng đầu tư, qua đó đưa ra quyết định đúng đắn. Với các DNNY, việc công bố mang tính bắt buộc theo quy định của pháp luật, trong đó có nghĩa vụ công bố thông tin tài chính và phi tài chính cho nhà đầu tư.

Thị trường chứng khoán Campuchia đã và đang chứng kiến sự tiến triển đáng kể về số lượng DNNY và hoạt động giao dịch. Riêng trong năm nay, CSX đã chào đón thêm 5 DNNY mới, gồm 2 doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu và 3 doanh nghiệp phát hành trái phiếu, ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra. SECC vẫn luôn nỗ lực thúc đẩy thị trường bằng cách gia tăng số lượng DNNY và thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường. Thông qua việc ban hành cơ chế quản trị doanh nghiệp, SECC kỳ vọng các DNNY sẽ phát triển hơn nữa, qua đó thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm và tham gia của nhà đầu tư.

Quản trị doanh nghiệp là gì?

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), quản trị doanh nghiệp (CG) đề cập đến các quy trình và thủ tục, theo đó một tổ chức được chỉ đạo và kiểm soát. Cấu trúc CG quy định cụ thể việc phân bổ quyền hạn và nghĩa vụ giữa những người tham gia khác nhau trong một tổ chức như Ban Giám đốc, Giám đốc, cổ đông và các bên liên quan, đồng thời quy định những quy tắc và thủ tục để đưa ra quyết định.

Mục đích của CG nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc khởi nghiệp, đạt được hiệu quả và có tính thận trọng trong quản lý một công ty cũng như đảm bảo sự thành công dài hạn của công ty đó thông qua tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Tầm quan trọng của CG hiệu quả

Thực hành CG hiệu quả mang lại nhiều lợi ích và thúc đẩy môi trường đầu tư của các công ty và nhà đầu tư, cụ thể:

  • Duy trì niềm tin của nhà đầu tư, qua đó giúp công ty huy động nguồn vốn hiệu quả;
  • Giúp công ty đạt được thành công trong kinh doanh dài hạn và tăng trưởng kinh tế;
  • Mang lại ảnh hưởng tích cực cho giá cổ phiếu và thúc đẩy niềm tin của cổ đông vào thị trường;
  • Giúp phổ biến hình ảnh, thương hiệu và phát triển danh tiếng công ty;
  • Đảm bảo việc quản lý tốt công ty đồng nghĩa với việc mang những lợi ích tốt nhất cho nhà đầu tư;
  • Hướng dẫn chủ sở hữu và nhà quản lý theo đúng chiến lược của công ty và đạt được các mục tiêu đề ra.

Đỗ Thảo (Theo Phnom Penh Post)

FILI