VEAM giải trình ra sao trước ý kiến ngoại trừ của kiểm toán về kết quả nửa đầu năm 2020?

VEAM giải trình ra sao trước ý kiến ngoại trừ của kiểm toán về kết quả nửa đầu năm 2020?

Đứng trước loạt ý kiến ngoại trừ của kiểm toán tại BCTC soát xét nửa đầu năm 2020, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM, UPCoM: VEA) đã chính thức lên tiếng.

Theo kiểm toán, tại ngày 30/06/2020 (BTCT riêng), VEAM chưa đánh giá khả năng thu hồi đối với các khoản phải thu về hỗ trợ vốn, bao gồm giá trị vốn và lãi phát sinh tương ứng hơn 543 tỷ đồng và 75 tỷ đồng… Kiểm toán không thể xác định được liệu có cần thiết phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi hay điều chỉnh các khoản mục có liên quan hay không.

Giải trình cho việc này, VEAM cho rằng các khoản phải thu phần lớn phát sinh từ nhiều năm trước đây (hỗ trợ cho các công ty con và công ty liên kết của VEAM). Trong đó, CTCP Vật tư và Thiết bị Toàn bộ nợ 274 tỷ đồng, nợ lãi 31 tỷ đồng, Vận tải và Thương mại VEAM nợ 139 tỷ đồng, nợ lãi 3.5 tỷ đồng, Máy kéo và máy nông nghiệp nợ 28 tỷ đồng, Matexim Hải Phòng nợ gốc 84 tỷ, nợ lãi 33 tỷ đồng. Số nợ các đơn vị khác còn lại vẫn đang được thực hiện trả dần.

Trên BCTC hợp nhất, tại ngày 30/06/2020, VEAM chưa đánh giá khả năng thu hồi đối với các khoản phải thu về hỗ trợ vốn, bao gồm giá trị vốn và lãi phát sinh tương ứng hơn 92 tỷ đồng và 35 tỷ đồng… Kiểm toán cũng không thể xác định được liệu có cần thiết phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi hay điều chỉnh các khoản mục có liên quan hay không.

Theo VEAM, các khoản phải thu này phần lớn phát sinh từ nhiều năm trước đây hỗ trợ cho công ty liên kết. Trong đó, Matexim Hải Phòng nợ gốc 84 tỷ đồng, nợ lãi 33 tỷ đồng. Số nợ các đơn vị khác là 7.5 tỷ đồng nợ gốc , nợ lãi 2.2 tỷ đồng và các Công ty vẫn đang thực hiện trả dần. Năm 2020, VEAM đang xem xét việc trích lập dự phòng các khoản phải nợ phải thu khó đòi nêu trên.

Về việc VEAM chưa đánh giá giá trị thuần có thể thực hiện được làm cơ sở để trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho đối với một số mặt hành chậm luân chuyển có tổng giá trị gần 1,176 tỷ đồng, VEAM cho rằng Công ty đã chưa hoàn thành việc khảo sát trên thị trường các sản phẩm cùng loại để có cơ sở đánh giá giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn đọng.

Bên cạnh đó, kiểm toán cũng không đánh giá được khoản mục chi phí trả trước của CTCP Vật tư Thiết bị Toàn bộ - Công ty con của VEAM là 289 tỷ đồng (tính đến ngày 30/06/2020). VEAM cho rằng chi phí trả trước dài hạn tại Vật tư Thiết bị Toàn bộ chủ yếu là chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí lãi vay và một số chi phí khác của Nhà máy Sắt xốp phát sinh từ các năm trước. Hiện nay, Nhà máy đang gặp khó khăn phải dừng sản xuất nên các khoản chi phí chưa thể phân bổ vào chi phí trong kỳ. Vật tư Thiết bị Toàn bộ đang xem xét cơ cấu lại sản phẩm đầu ra, riêng đối với khai thác mỏ đã tiến hành sản xuất lại.

Về kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2020, VEAM ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt giảm 22% (1,759 tỷ đồng) và 32% so với cùng kỳ (2,261 tỷ đồng). Tính đến cuối quý 2, tổng tài sản của VEAM ghi nhận hơn 30,089 tỷ đồng, giảm 10% so với con số đầu năm.

Kết quả kinh doanh của VEAM qua các năm trở lại đây. Đvt: Tỷ đồng

Trên thị trường, giá cổ phiếu VEAM hiện đang giao dịch quanh mức 44,300 đồng/cp (10h20 ngày 16/09/2020), tăng 5% qua 1 quý trở lại đây với khối lượng giao dịch bình quân hơn 137,000 cp/phiên.

Diễn biến giá cổ phiếu VEAM từ đầu năm 2020 đến nay
Nguồn: VietstockFinance

Tiên Tiên

FILI