STB và những phiên tăng trần tin đồn

STB và những phiên tăng trần tin đồn

Tuần qua, thị giá cổ phiếu STB đã có 2 phiên tăng trần vào ngày 22/09 và phiên cuối tuần 25/09, thanh khoản cả hai phiên đều ở mức cao, lần lượt đạt 45.7 triệu cp và 39.3 triệu cp sau những “đồn đoán” có nhà đầu tư mua lại 10% số lượng cổ phiếu đang lưu hành của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB).

Ngay trong phiên chiều 22/09, giá cổ phiếu STB tăng trần lên mức 12,550 đồng/cp với khối lượng giao dịch bình quân 45.7 triệu cp. Giá cổ phiếu tăng vọt trong phiên do xuất hiện tin đồn có nhà đầu tư mua lại 176.4 triệu cp STB, tương đương 10% số cổ phiếu đang lưu hành với giá 18,000 đồng/cp từ phía Ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank). Tuy nhiên, các bên liên quan đều đã bác bỏ thông tin này.

Sau đó, dù đã có thông tin đính chính, nhưng giá cổ phiếu STB những ngày sau đó vẫn tiếp tục “nhảy múa”, tăng trần lên trong phiên 25/09 lên mức 13,300 đồng/cp với thanh khoản 39.3 triệu cp. Như vậy, chốt phiên 25/09, giá cổ phiếu STB đã tăng 14% so với đầu tuần, với khối lượng giao dịch bình quân 29 triệu cp/ngày.

Diễn biến giá cổ phiếu STB trong tuần 21-25/09/2020.
Nguồn: VietstockFinance

Ảnh hưởng từ khoản nợ thế chấp bằng cổ phiếu STB 

Về phía chủ sở hữu số cổ phiếu STB này, Kienlongbank đã 2 lần bán đấu giá số tài sản bảm đảo là 176.4 triệu cp STB nhằm thu hồi nợ nhưng đều không thành công. Số cổ phiếu STB này thuộc sở hữu của các cá nhân trong nước, thế chấp tại Kienlongbank.

Ở lần đầu rao bán, Kienlongbank đấu giá với mức khởi điểm 24,000 đồng/cp vào ngày 22/01/2020 và lần đấu giá thứ 2 vào ngày 17/02/2020 giá khởi điểm đã được hạ xuống mức 21,600 đồng/cp. Nếu so với mức giá trần ở thời điểm hiện tại là 13,300 đồng/cp (25/09) thì giá đấu khởi điểm vẫn còn cao hơn nhiều.

Chưa dừng lại ở đó, chính việc dự phòng cho số cổ phiếu STB này, đã khiến chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Kienlongbank trong nửa đầu năm 2020 lên mức 79 tỷ đồng, gấp 3.2 lần cùng kỳ

Thêm vào đó, trong nửa đầu năm 2020, Kienlongbank vươn lên dẫn đầu bảng nợ xấu hệ thống ngân hàng khi tổng nợ xấu gấp 6.6 lần so với đầu năm 2019, tăng lên mức 2,250 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) gấp 9 lần đầu năm, ghi nhận gần 2,146 tỷ đồng.

Theo giải trình của KLB, trong số dư nợ có khả năng mất vốn, có 1,896 tỷ đồng dư nợ các khoản cho vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản bảo đảm là cổ phiếu của một ngân hàng khác được phân loại nợ nhóm 5 theo Quyết định 2595/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của KLB tăng mạnh từ 1.02% lên 6.59%.

Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay của Kienlongbank
Nguồn: VietstockFinance. Đvt: %

Trước đó, hồi năm 2019, Kienlongbank báo lãi trước thuế vỏn vẹn 86 tỷ đồng, đây là mức thấp nhất trong vòng 11 năm qua, nguyên nhân chủ yếu là do trong tháng 12/2019 Kienlongbank hạch toán giảm các khoản lãi phải thu đã ghi nhận trong các năm trước theo Phương án xử lý nợ được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Đây là các khoản cho vay của các khách hàng có tài sản bảo đảm là cổ phiếu STB. Ban lãnh đạo Kienlongbank cho rằng ảnh hưởng này chỉ mang tính chất tạm thời, sau khi xử lý xong tài sản bảo đảm, căn cứ nguồn tiền thu được, Kienlongbank sẽ ghi nhận lại vào thu nhập trên báo cáo tài chính trong thời gian tới.

Không chỉ Kienlongbank, Eximbank cũng đang tập trung để xử lý gần 75 triệu cp STB để thu hồi nợ. Theo báo cáo từ phía Eximbank, tỷ lệ dư nợ cho vay chứng khoán/tổng dư nợ của Eximbank tại thời điểm 31/12/2019 là 6.04%, cao hơn so với mức quy định tối đa theo Thông tư 36 là 5%, chủ yếu là 7 khách hàng quá hạn thế chấp cổ phiếu STB vay mua cổ phiếu EIB, với tổng dư nợ là 746 tỷ đồng.

Ngày 02/10/2019, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có công văn chấp thuận cho Eximbank được xử lý tài sản đảm bảo là hơn 74.9 triệu cp STB để thu hồi nợ vay theo quy định, do đó năm 2020, Eximbank sẽ tập trung xử lý khoản nợ này.

Mới đây, CTCP Chứng khoán Liên Việt (OTC: LVS) lần thứ hai đăng ký bán 3 triệu cp STB từ ngày 31/08-29/09/2020 nhằm mục đích đầu tư tự doanh. Trước đó, LVS đã đăng ký bán toàn bộ 3 triệu cp STB đang nắm giữ bằng phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận từ ngày 18/06-17/07/2020, nhưng điều kiện thị trường không phù hợp nên vẫn chưa bán được.

Về Sacombank, nửa đầu năm 2020, Ngân hàng ghi nhận chi phí hoạt động tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ, ghi nhận gần 4,451 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 50%, ghi nhận hơn 1,565 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận trước và sau thuế 6 tháng đầu năm của Sacombank xấp xỉ cùng kỳ năm trước, đạt 1,428 tỷ đồng và 1,129 tỷ đồng. Sau nửa đầu năm, Sacombank đã thực hiện được 55% so với kế hoạch lãi trước thuế 2,573 tỷ đồng cho năm 2020.

Tính đến 30/06/2020, tổng nợ xấu của Sacombank tăng 17% so với đầu năm khiến tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1.94% lên mức 2.15%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn gấp 2.9 lần và nợ nghi ngờ tăng 32% so với đầu năm. Trước đó, tại ĐHĐCĐ 2020 của Sacombank, Tổng Giám đốc Sacombank - bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – cho biết trong năm 2020 Sacombank sẽ xử lý được 11,000 tỷ đồng nợ xấu.

Hàn Đông

FILI