Sở Giao dịch Chứng khoán Campuchia nêu 5 lý do huy động vốn qua TTCK

Sở Giao dịch Chứng khoán Campuchia nêu 5 lý do huy động vốn qua TTCK

Vốn chắc chắn là yếu tố đầu vào quan trọng nhất để mở rộng hoạt động kinh doanh của một công ty. Trong môi trường cạnh tranh ngày nay, các công ty, bất kể ngành nghề hay quy mô nào, cũng cần có thêm vốn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và sản xuất hoặc nghiên cứu và phát triển.

Nhìn chung, các công ty có thể tiếp cận nguồn vốn thông qua nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn từ các cổ đông hiện hữu hoặc khoản vay ngân hàng. Tuy nhiên, những hình thức huy động vốn này thường ngắn hạn hoặc bị hạn chế, làm tăng mối lo ngại cho các công ty trong quá trình thực hiện các kế hoạch mở rộng dài hạn.

Thị trường chứng khoán (TTCK) là kênh huy động vốn khác, không chỉ mang lại nguồn vốn dài hạn và không bị giới hạn mà còn mang lại những lợi ích khác cho mỗi công ty.

Bài viết dưới đây được Sở Giao dịch Chứng khoán Campuchia (CSX) biên soạn nhằm giúp công chúng và doanh nghiệp có được thông tin cũng như hiểu sâu hơn về TTCK, cụ thể là 5 lý do vì sao công ty cần xem xét huy động vốn thông qua thị trường này.

Lý do thứ nhất: Nhận được nguồn vốn dài hạn và không bị hạn chế

Huy động vốn thông qua TTCK giúp các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) có được nguồn vốn dài hạn và không bị hạn chế từ lượng lớn nhà đầu tư phổ thông trên thị trường.

Có được nguồn vốn dài hạn bằng cách huy động vốn thông qua TTCK nghĩa là các công ty không phải trả nợ gốc, giúp gia tăng dòng tiền mặt và tính thanh khoản so với vốn vay ngân hàng.

TTCK khá phổ biến nhờ khả năng tiếp cận vốn không hạn chế vì công ty có thể tiếp tục huy động vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu vào bất cứ thời điểm nào, tùy theo nhu cầu và tiềm năng của công ty.

Lý do thứ 2: Nâng cao quản trị doanh nghiệp và uy tín của công ty

DNNY phải tuân thủ quy tắc và quy định về vốn tối thiểu và lợi nhuận, quản trị doanh nghiệp, nghĩa vụ báo cáo, cơ cấu cổ đông, nhân sự và những tiêu chuẩn khác do Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Campuchia (SECC) và CSX quy định nhằm bảo vệ nhà đầu tư, đảm bảo tính minh bạch và công bằng. Chẳng hạn, về nghĩa vụ báo cáo, mỗi DNNY phải công khai báo cáo tài chính đúng hạn và được kiểm toán bởi một đơn vị kiểm toán độc lập.

Để cổ phần hóa, công ty cần tuân thủ các quy định trên, qua đó giúp cơ chế quản trị doanh nghiệp được cải thiện. Quản trị doanh nghiệp hiệu quả sẽ làm tăng độ tin cậy của các bên liên quan như nhà đầu tư, doanh nghiệp và các đối tác, đặc biệt là khách hàng.

Lý do thứ 3: Gia tăng giá trị thị trường

Giá trị của một công ty được đo lường bằng nhiều yếu tố chứ không riêng lượng tiền mặt nắm giữ. Những yếu tố khác gồm, chẳng hạn, danh tiếng, cơ cấu quản lý và khả năng cung cấp thanh khoản cho nhà đầu tư. Những yếu tố này sẽ làm tăng thêm giá trị của công ty khi tiến hành cổ phần hóa.

Theo một nghiên cứu, những công ty trong chỉ số S&P 500 được định giá cao hơn 17 lần so với thu nhập của họ. Trong khi đó, giá trị của một công ty tư nhân chỉ được định giá cao hơn từ 1-5 lần so với thu nhập.

Lý do thứ 4: Tăng khả năng hiển thị của công ty

Một DNNY thường thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước, giới truyền thông và công chúng khi các thông tin về tài chính hay tình hình hoạt động được công bố trên báo chí và truyền hình, được truyền thông cả trong lẫn ngoài nước. Điều này làm tăng khả năng hiển thị và hồ sơ của công ty, góp phần quảng bá sản phẩm và dịch vụ của công ty.

Lý do thứ 5: Cho phép cổ đông hiện hữu thoát thị trường

Lý do cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là cổ phần hóa giúp cổ phần của công ty được giao dịch công khai trên sàn chứng khoán.

Điều này nghĩa là những cổ đông mới và hiện hữu được dễ dàng chuyển phần nắm giữ của họ thành tiền mặt. Một lợi ích khác nữa là thu hút nhân tài vì nhân sự có năng lực thường mong muốn gia nhập các công ty có kế hoạch quyền chọn cổ phiếu để họ dễ dàng thoát khỏi thị trường.

Đỗ Thảo (Theo Phnom Penh Post)

FILI