QNC giải trình ra sao trước ý kiến ngoại trừ của kiểm toán?

QNC giải trình ra sao trước ý kiến ngoại trừ của kiểm toán?

Tại BCTC bán niên 2020 soát xét của CTCP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh (HNX: QNC), kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến dự án nâng công suất dây chuyển nghiền Nhà máy Xi Măng Lam Thạch 2, khoản trích lập phải thu khó đòi và thuế GTGT.

Kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ tại BCTC riêng năm 2019 của QNC. Tuy nhiên các vấn đề này vẫn chưa được Công ty khắc phục trong nửa đầu năm 2020. Cụ thể:

Dự án nâng công suất dây chuyền nghiền Nhà máy Xi măng Lam Thạch 2 đã đưa vào sử dụng từ trước năm 2015 tuy nhiên một phần nguyên giá tài sản cố định được ghi tăng tài sản cố định và bắt đầu trích khấu hao vào cuối năm 2017 dẫn đến việc trích thiếu chi phí khấu hao với số tiền hơn 26 tỷ đồng. Do đó theo kiểm toán, trên bảng cân đối kế toán (CĐKT) riêng bán niên 2020, chỉ tiêu “Giá trị hao mòn lũy kế” đang phản ánh thiếu, đồng thời “lợi nhuận sau thuế (LNST) chưa phân phối lũy kế đến cuối năm trước” đang phản ánh thừa số tiền tương ứng.

Trên bảng CĐKT riêng bán niên 2020, QNC đang trình bày chi phí sửa chữa Nhà máy Xi măng Lam Thạch 2 tại khoản chi phí trả trước ngắn hạn. Theo phía kiểm toán, các khoản chi phí này được Công ty phân bổ trong thời gian từ 18-36 tháng là chưa phù hợp với chế độ kế toán hiện hành. Nếu QNC thực hiện phân bổ trong thời gian 12 tháng thì giá trị cần phân bổ thêm vào chi phí từ năm 2019 trở về trước là gần 18 tỷ đồng, đồng thời chi phí được phân bổ trong kỳ 6 tháng đầu năm 2020 sẽ giảm đi gần 9 tỷ đồng. Điều này dẫn đến trên bảng CĐKT riêng tại ngày 30/06/2020, chỉ tiêu “Chi phí trả trước ngắn hạn” và “LNST chưa phân phối” đang phản ánh thừa cùng số tiền gần 9 tỷ đồng. Trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, chỉ tiêu “Giá vốn hàng bán kỳ này” cũng đang phản ánh thừa số tiền gần 9 tỷ đồng.

Kiểm toán cũng chỉ ra QNC trích lập thiếu dự phòng phải thu khó đòi đối với khoản phải thu của khách hàng, phải thu khác và công nợ tạm ứng đã quá hạn thanh toán vào chi phí từ năm 2019 trở về trước với giá trị khoảng gần 18 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty chưa thực hiện trích lập thêm vào 6 tháng đầu năm 2020 cho một số khoản nợ phải thu đã quá hạn gần 1.6 tỷ đồng. Do ảnh hưởng của các vấn đề này, trên bảng CĐKT riêng tại ngày 30/06/2020, khoản “Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi” đang phản ánh thiếu, ngược lại “LNST chưa phân phối“ đang bị phản ánh thừa số tiền khoảng 19 tỷ đồng. Song song đó, khoản chi phí quản lý trên báo cáo kết quả kinh doanh riêng bán niên 2020 đang phản ánh số tiền gần 1.6 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong năm 2017, QNC chưa ghi giảm thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và tăng giá vốn tương ứng của hoạt động xuất khẩu clinke với giá trị ước tính hơn 11 tỷ đồng. Sang năm 2019, Công ty đã bù thuế GTGT đầu vào này với thuế GTGT đầu ra phải nộp. Do đó, trên bảng CĐKT riêng bán niên 2020, khoản thuế và các khoản nộp ngân sách đang phản ánh thiếu hơn 11 tỷ đồng. Đồng thời, LNST chưa phân phối đang phản ánh thừa số tiền tương ứng.

QNC giải trình như thế nào?

Về phía mình, QNC chỉ ra tại báo cáo kiểm toán năm 2017, Công ty đã giải trình rằng Dự án nâng công suất nhập tài sản đầy đủ theo quy định từ năm 2017 và trích khấu hao theo quy định hiện hành.

Đối với nội dung chi phí chờ phân bổ, hiện Công ty lựa chọn tiêu thức phân bổ chi phí sửa chữa lớn từ 18-36 tháng, theo quy định hiện nay vẫn nằm trong khung quy định. Công ty đã rà soát và điều chỉnh thời hạn phân bổ cho phù hợp với dây chuyền sản xuất.

Về việc trích lập dự phòng phải thu khó đòi, Công ty cho biết đã trích lập dự phòng, việc kiểm toán cho ý kiến là bởi vì trích thiếu. Theo QNC, việc trích lập của Công ty đã phù hợp vì đã rà soát và đánh giá tất cả các khoản công nợ này. Về cơ bản sẽ thu hồi được trên 60% nên trích lập dựa trên cơ sở là khả năng thu hồi được.

Duy Na

FILI