Nhờ đâu chứng khoán Mỹ hồi phục nhanh chóng?

Nhờ đâu chứng khoán Mỹ hồi phục nhanh chóng?

Các xung lực đằng sau đà hồi phục chóng vánh của chứng khoán Mỹ đến từ hy vọng về kinh tế, sự chi phối của nhóm công nghệ và sự bùng nổ của các giao dịch đầy rủi ro.

Khoảng thời gian để chỉ số Dow Jones đi từ đỉnh xuống đáy và trở lại đỉnh cũ.

Bất chấp những đợt giảm gần đây, chỉ số Dow Jones đã gần lấy lại tất cả những gì đã mất trong đại dịch Covid-19 – một đà hồi phục ấn tượng dù kinh tế Mỹ đang suy yếu trầm trọng.

Dow Jones và S&P 500 giảm 35% chỉ trong 6 tuần – cú giảm nhanh nhất trong lịch sử – khi nền kinh tế rơi vào trạnh thái phong tỏa và dịch bệnh lây lan ra khắp đất nước. Tuy nhiên, sau đó chứng khoán Mỹ cũng hồi phục nhanh chưa từng thấy lên sát đỉnh cũ.

Chỉ số Dow Jones đang dao động gần mức cao nhất mọi thời đại xác lập vào ngày 12/02, trong khi S&P 500 gần đây ghi nhận giai đoạn 5 tháng tăng mạnh nhất trong hơn 80 năm qua.

Hành trình từ đỉnh xuống đáy và trở lại kỷ lục mới của S&P 500 chỉ mất vỏn vẹn 126 phiên giao dịch – tốc độ hồi phục nhanh chưa từng thấy. Trong đợt giảm trước đây hồi năm 1928, S&P 500 phải mất hơn 1,500 phiên để chỉ số trở về mức kỷ lục, tương đương 6 năm.

Đà tăng chóng vánh của năm nay thậm chí còn ấn tượng hơn khi diễn ra trong bối cảnh kinh tế suy thoái, hàng triệu người dân Mỹ lâm vào cảnh thất nghiệp, lợi nhuận doanh nghiệp rớt mạnh nhất trong 1 thập kỷ và dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát.

Diễn biến của chỉ số S&P 500

Bất chấp 2 tuần giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ, chứng khoán Mỹ đã hồi phục mạnh từ đầu tuần này.

“Tôi không nghĩ có trường hợp nào trong lịch sử trông như thế này cả”, Benjamin Bowler, Trưởng bộ phận nghiên cứu sản phẩm phái sinh cổ phiếu tại Bank of America, cho hay.

Vậy đâu là xung lực cho đà hồi phục nhanh chóng này?

1. Gói kích thích từ Fed và Quốc hội Mỹ

Khác với những lần khủng hoảng trước, phản ứng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Chính phủ Mỹ lần này nhanh chóng hơn với quy mô lớn hơn bao giờ hết. Fed giảm lãi suất xuống gần 0% và đưa ra kế hoạch bơm hàng tỷ USD vào thị trường. Chính phủ Mỹ phát hơn 150 triệu tấm séc tới người dân Mỹ và hỗ trợ hơn 500 triệu USD để cho các doanh nghiệp nhỏ vay.

Chủ tịch Fed Jerome Powell

Phản ứng quyết liệt của Fed và Quốc hội Mỹ, cùng với những bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đã giúp chứng khoán Mỹ hồi phục nhanh như lúc nó sụp. Nhiều nhà đầu tư cho biết lịch sử dạy họ rằng “đừng ngoan cố chống lại Fed”.

“Cú sụp ngày càng nhanh và mạnh hơn”, ông Bowler của Bank of America cho hay. “Thế nhưng, đà hồi phục cũng nhanh và mạnh không kém… Nhà đầu tư đang cố gắng lướt trên cơn sóng hồi phục này”.

Lợi suất từ chỉ số S&P 500 và trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm

Fed dường như cũng rút ra một vài bài học từ cuộc khủng hoảng lần trước. “Hành động sớm và quyết liệt rất quan trọng” là nhận định của ông Patrick Harker, Chủ tịch Fed khu vực Philadelphia hồi tháng 3/2020.

Động thái can thiệp của Fed lại tạo thêm một hiệu ứng khác: Khi Fed mua trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu Chính phủ Mỹ, lợi suất trái phiếu rơi mạnh, từ đó lại khiến cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn nhiều.

Lợi suất thực đối với trái phiếu Chính phủ Mỹ rơi xuống phạm vi âm khi giá trái phiếu leo dốc, điều này có nghĩa những nhà đầu tư bỏ tiền vào trái phiếu Chính phủ Mỹ sẽ bị mất tiền khi tính tới lạm phát. Lợi suất èo uột đã đẩy nhà đầu tư sang chứng khoán.

2. Kỳ vọng về đà hồi phục nhanh chóng

Củng cố thêm cho đà tăng của chứng khoán Mỹ là niềm tin không hề lay chuyển về khả năng hồi phục của kinh tế Mỹ một khi đại dịch được kiểm soát.

Nhiều người tin rằng điều tồi tệ nhất đã qua đi. Sản xuất tăng trưởng mạnh trong tháng 8/2020, hoạt động tuyển dụng cũng tăng trưởng 4 tháng liên tiếp và chi tiêu tiêu dùng quay đầu tăng sau cú rơi thẳng đứng.

Ngoài ra, các chuyên viên phân tích cho rằng đà giảm về lợi nhuận doanh nghiệp có vẻ đã chạm đáy. Lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc S&P 500 lao dốc 32% trong quý gần nhất, giảm mạnh nhất kể từ năm 2009, theo dữ liệu FactSet. Lợi nhuận doanh nghiệp được dự báo tiếp tục giảm cho tới hết năm 2020, nhưng giảm yếu hơn. Năm 2021, các chuyên gia phân tích kỳ vọng lợi nhuận sẽ vượt qua mức trước dịch.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế về khu vực tư nhân kỳ vọng, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2021 sẽ hồi phục ở tốc độ hiếm thấy trong 70 năm, theo công ty nghiên cứu Leuthold Group.

“Mọi tác động từ cuộc khủng hoảng này đều rất lớn và với tốc độ nhanh chóng”, Jim Paulsen, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Leuthold, viết trong báo cáo gửi tới các khách hàng trong tháng 8/2020. “Nếu nền kinh tế tiếp tục hồi phục và tăng trưởng GDP thực tế gần với dự báo hiện tại, phe bò sẽ tiếp tục hoành hành trên thị trường chứng khoán”.

Gần đây, các chuyên viên phân tích của Goldman Sachs cho biết họ kỳ vọng S&P 500 chạm ngưỡng 3,600 điểm vào cuối năm 2020, tức tăng 6.4% so với mức đóng cửa ngày 14/09. Các chuyên viên phân tích tại Bank of America nhận định họ có thể hình dung ra một đợt tăng nhanh chóng trên thị trường chứng khoán.

3. Sự chi phối của các gã khổng lồ công nghệ

Khoảng cách giữa “kẻ chiến thắng” và “kẻ thất bại” trên thị trường chứng khoán ngày càng được nới rộng. Các gã khổng lồ công nghệ hưởng lợi từ những thay đổi bắt buộc về xã hội vì dịch Covid-19 và càng gia tăng sức ảnh hưởng trên thị trường.

Chẳng hạn, Apple đang là công ty lớn nhất trên thế giới. Cổ phiếu Apple đã tăng vọt 57% trong năm 2020 và gần đây đáng giá hơn tất cả công ty nhỏ trong chỉ số Russell 2000 cộng lại. Trong khi đó, các công ty trong những ngành bị tác động mạnh bởi đại dịch ngày càng bị giảm về sức ảnh hưởng trên thị trường.

Năm công ty lớn nhất trong S&P 500 – Apple, Amazon.com, Microsoft, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Facebook – hiện chiếm khoảng 23% chỉ số, tỷ trọng cao nhất trong ít nhất 30 năm, theo các chuyên viên phân tích của Goldman Sachs.

Nhà đầu tư tiếp tục cho rằng sức ảnh hưởng của 5 công ty này sẽ tăng khi người dân Mỹ tiếp tục làm việc tại nhà, mua sắm và xem phim trực tuyến. Cổ phiếu Amazon tăng 68% trong năm 2020, Microsoft và Facebook leo dốc 30%, còn Alphabet tiến 13%.

Việc phụ thuộc nhiều vào nhóm công nghệ này có thể khiến thị trường chứng khoán Mỹ hứng chịu những đợt lao dốc đột ngột. Bằng chứng là đà giảm của những gã khổng lồ này đã kéo giảm thị trường trong tuần trước, khi nhà đầu tư lo ngại liệu chúng đã tăng quá mạnh và quá nhanh.

“Thị trường chứng khoán bao gồm những công ty lớn nhất và mạnh nhất… Nó không đại diện cho cả nền kinh tế”, tỷ phú William Ackman, nhà sáng lập của Pershing Square Capital Management, viết trong lá thư gửi tới cổ đông trong thời gian gần đây. “Nếu có một chỉ số bao gồm những công ty tư nhân và công ty nhỏ, chỉ số đó nhiều khả năng đã giảm 50% hoặc hơn thế”.

4. Sự trở lại của nhà đầu tư nhỏ lẻ

Thật khó mà ngó lơ sức mạnh của đoàn quân nhỏ lẻ. Trong 6 tháng đầu năm, họ chiếm gần 20% giá trị giao dịch trên thị trường, gần như gấp đôi thời điểm năm 2010, theo Bloomberg Intelligence.

Bị kẹt ở nhà trong thời gian phong tỏa kinh tế và lóa mắt trước những khoản lời béo bở trên thị trường, những trader tay ngang mở tài khoản giao dịch chứng khoán.

Những trader F0 chia sẻ lời khuyên trên Facebook và trao đổi sôi nổi trên các diễn đàn của Reddit. Họ theo dõi những người có sức ảnh hưởng với thị trường chứng khoán trên nền tảng mạng xã hội TikTok và bàn luận với những trader trẻ khác trên nền tảng nhắn tin Discord.

“Khi tôi nói chuyện với những chuyên gia kỳ cựu, họ đều lo ngại về thị trường này”, Zhiwei Ren, Chuyên gia quản lý danh mục tại Penn Mutual Asset Management, cho hay. “Với họ, đây là thị trường thật sự nguy hiểm. Trong khi đó, nhà đầu tư nhỏ lẻ lại xem đây là thị trường tuyệt vời nhất”.

Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, cùng với những “tay chơi” tổ chức, rót vốn vào những cổ phiếu mà họ cho là hưởng lợi từ đại dịch hoặc những công ty mà họ nghĩ có thể định hình lại các ngành công nghiệp.

Công ty vận hành cá cược thể thao DraftKings chứng kiến cổ phiếu tăng 354% lên kỷ lục mới, trong khi công ty tàu vũ trụ Virgin Galactic Holdings nhảy vọt 51%. Ngoài ra, các “cá con” cũng đua theo đà tăng của cổ phiếu Eastman Kodak sau khi xuất hiện thông tin Chính phủ Mỹ có thể cho Kodak vay 765 triệu USD để sản xuất nguyên vật liệu sản xuất thuốc. Đoàn quân nhỏ lẻ đã đẩy giá cổ phiếu tăng tới 614% trước khi sụt trở lại.

Diễn biến giá cổ phiếu Tesla và khối lượng giao dịch quyền chọn Tesla.

Và một cổ phiếu không thể không kể tới là Tesla. Cổ phiếu của gã khổng lồ xe điện tăng 402% trong năm nay, đồng thời trở thành nhà sản xuất xe hơi đáng giá nhất thế giới. Tesla hiện là công ty lớn thứ 8 trên thị trường chứng khoán Mỹ và là một trong những công ty được bàn luận sôi nổi nhất.

Tính tới tháng 6/2020, những bài đăng có gắn tag #stockmarket thu hút khoảng 250 triệu lượt xem trên TikTok. Vào tháng 9/2020, con số này tăng tới 420 triệu lượt xem. Một bài đăng thịnh hành là: “Làm thế nào để phát hiện ra cổ phiếu tăng mạnh như Tesla”.

5. Chạy theo đà tăng

Theo nhiều cách khác nhau, Tesla chính là hình ảnh thu nhỏ của thị trường ngày nay, trong đó các nhà đầu tư tổ chức và nhỏ lẻ đã theo đuổi các công ty hứa hẹn tiềm năng tăng trưởng cao. Tesla rõ ràng trở thành cổ phiếu “nóng” của năm 2020.

Tính tới tháng 6/2020, dữ liệu từ Société Générale cho thấy nhà đầu tư thường ưa chuộng những cổ phiếu tăng mạnh nhất trong 3 tháng vừa qua. Các trader Robinhood nâng mạnh tỷ lệ sở hữu những cổ phiếu dạng này kể từ tháng 3/2020, vượt trội hơn các khoản đầu tư vào các công ty có thành tích giá tệ nhất.

Nhiều nhà đầu tư không chỉ bắt đáy trong những đợt thị trường giảm nhẹ. Họ còn muốn khuếch đại lợi nhuận, bằng cách vay nợ để đặt cược vào thị trường hoặc sử dụng sản phẩm phái sinh.

Khối lượng giao dịch hợp đồng quyền chọn cổ phiếu tăng lên kỷ lục trong năm nay và quyền chọn mua trở thành công cụ được nhiều nhà đầu tư lựa chọn để hưởng lợi từ đà tăng của thị trường trong thời gian gần đây.

Những sản phẩm phái sinh như quyền chọn cho phép nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra một khoản tiền mặt nhỏ nhưng có thể hưởng thành tích lớn vì đòn bẩy của các sản phẩm phái sinh này rất cao. Nếu các quyền chọn này có khả năng khuếch đại lợi nhuận, thì dĩ nhiên chúng cũng cực kỳ rủi ro.

Những giao dịch quyền chọn cũng gây ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán. Các giao dịch quyền chọn khối lượng khủng từ tay chơi lớn (như SoftBank) góp phần khiến thị trường trồi sụt thất thường.

* Hợp đồng quyền chọn đã thúc đẩy chứng khoán Mỹ bằng cách nào?

Vũ Hạo (Theo WSJ)

FILI