Lào sẽ mất ưu đãi thương mại khi thoát tình trạng 'quốc gia kém phát triển'

Lào sẽ mất ưu đãi thương mại khi thoát tình trạng 'quốc gia kém phát triển'

Lào có thể đối mặt nguy cơ thất thoát 102 triệu USD thương mại theo chương trình thuế quan ưu đãi nếu nước này thoát khỏi tình trạng "quốc gia kém phát triển" (LDC) theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc (UN) vào năm 2024, báo cáo nghiên cứu gần đây cho biết, Laotian Times đưa tin.

Nghiên cứu được thực hiện theo dự án của Trung tâm Thương mại Quốc tế và được Liên minh châu Âu (EU) tài trợ đã lưu ý đến những dự đoán về thương mại và thuế quan cũng như những ảnh hưởng có thể nhận thấy về xuất khẩu của Lào.

Nhiều năm qua, Lào được hưởng lợi đáng kể từ Hệ thống Ưu đãi thuế quan Phổ cập (GSP), cho phép nước này xuất khẩu hàng hóa sang các nước khác với mức thuế thấp hơn hoặc miễn thuế.

Tuy nhiên, một khi thoát khỏi tình trạng LDC, Lào sẽ không còn được xuất khẩu theo các chương trình ưu đãi thuế quan đa phương mà 24 thị trường trên thế giới từng áp dụng cho những nước thuộc danh sách LDC.

Lào xuất khẩu bình quân 4.3 tỷ USD trong giai đoạn 2014-2018. Nghiên cứu dự đoán nước này có thể mở rộng giá trị xuất khẩu lên 8.6 tỷ USD vào năm 2024 nếu tiếp tục được hưởng lợi từ ưu đãi LDC.

Báo cáo cho rằng việc tiến tới thay đổi tiếp theo này có thể khiến Lào tổn thất 102 triệu USD trong thương mại nhưng cũng có thể bù đắp thông qua việc xúc tiến thương mại theo mục tiêu đã đề ra nhằm mở cửa tiềm năng xuất khẩu 3.2 tỷ USD chưa được thực hiện của Lào.

Một trong những thách thức chính với Lào là nước này gánh chịu thâm hụt thương mại do nhập khẩu vượt xuất khẩu. Việc tăng thuế suất đối với hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường quan trọng có thể dẫn đến tổn thất thương mại và đổi lại, đòi hỏi Lào ký kết thêm các Hiệp định Thương mai Tự do (FTA).

Lĩnh vực dệt may sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vì loại bỏ GSP do Lào xuất khẩu khối lượng lớn quần áo sang các thị trường châu Âu.

Một số đối tác thương mại lớn nhất của Lào là EU, Anh, Nhật Bản và Canada. Các doanh nghiệp Lào hưởng lợi từ việc xuất khẩu sang các thị trường này theo chương trình ưu đãi thương mại đặc biệt. EU, Anh và Canada cũng là những thị trường mà tại đây tổn thất thương mại đối với Lào được dự đoán chiếm hơn 1/10 tổng giá trị xuất khẩu dự kiến của Lào sang các thị trường này.

Báo cáo đề xuất 3 phương án mà các nhà xuất khẩu Lào có thể giảm thiểu tổn thất thương mại. Thứ nhất, Lào cần đạt được hệ thống ưu đãi thuế quan đặc biệt (GSP+) của EU thay vì GSP tiêu chuẩn, qua đó có thể giảm thiểu 70% tổn thất thương mại.

Thứ 2, xúc tiến thương mại mục tiêu để loại bỏ những rào cản thị trường sẽ hỗ trợ các lĩnh vực hiện chưa tận dụng hết tiềm năng xuất khẩu sang những thị trường xác định -trường hợp xuất khẩu gạo sang EU và xuất khẩu thực phẩm sang Nhật Bản.

Lào có thể đầu tư vào xúc tiến thương mại và tư vấn để giúp các công ty khắc phục những rào cản đang cản trở họ tiếp cận các cơ hội thị trường.

Thứ 3, đa dạng hóa xuất khẩu có thể giúp Lào tập trung nguồn lực để sản xuất các sản phẩm thay thế và tập trung vào các thị trường có thể mang lại cơ hội gia tăng xuất khẩu, qua đó sẽ bù đắp cho những tổn thất phát sinh khi nước này thoát khỏi tình trạng LDC.

Đỗ Thảo (Theo Laotian Times)

FILI