Kinh tế thế giới và những khó khăn mà Việt Nam phải ứng phó, đối mặt

Kinh tế thế giới và những khó khăn mà Việt Nam phải ứng phó, đối mặt

Báo cáo kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020 đã dành một dung lượng lớn để phân tích diễn biến tình hình kinh tế thế giới, khu vực và những khó khăn mà Việt Nam phải ứng phó, đối mặt.

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8 - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, diễn biến kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục đối diện với những rủi ro do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và các biện pháp phong tỏa nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh. Các số liệu thống kê được công bố chính thức ở nhiều nền kinh tế cho thấy hệ lụy nghiêm trọng của đại dịch. Không ít nền kinh tế trên thế giới đối mặt với làn sóng bùng phát thứ hai của đại dịch COVID-19.

Dù vậy, các nền kinh tế vẫn cân nhắc, tiến hành mở cửa trở lại, song thận trọng hơn và lưu tâm đến các kịch bản để chuyển đổi trạng thái giữa giãn cách và khôi phục hoạt động kinh tế. Căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn, tình hình thiên tai… cũng đặt ra thêm thách thức đối với quá trình phục hồi kinh tế của nhiều nước trên thế giới.

Tăng trưởng kinh tế thế giới tháng 8/2020 tiếp tục phục hồi so với tháng trước. Chỉ số PMI tổng hợp toàn cầu thế giới tháng 7/2020 đạt 50.8 điểm, tăng so với mức 47.8 điểm trong tháng 6/2020. Mức điểm cho thấy đã có sự mở rộng sản xuất, tuy vậy sự hồi phục sản xuất ở các khu vực trên thế giới còn khác nhau.

Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) có tên “Con đường dẫn tới sự hồi phục và trạng thái mới hậu COVID-19” lấy ý kiến của 40 nhà kinh tế trưởng có uy tín đã đưa ra những đánh giá và khuyến nghị quan trọng về hiện trạng nền kinh tế thế giới.

Ba thách thức mới nổi mà các chính phủ và doanh nghiệp trên thế giới sẽ phải đối mặt khi thế giới bước vào giai đoạn phục hồi bao gồm: Sửa đổi chính sách kinh tế để giảm thiểu bất bình đẳng và cải thiện tính cơ động của xã hội; xác định các nguồn lực tăng trưởng kinh tế mới và áp dụng các mục tiêu tăng trưởng mới.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), “Nền kinh tế và xã hội toàn cầu sẽ còn nhiều năm tháng khó khăn ở phía trước, đặc biệt là khi số lượng các ca nhiễm đang không ngừng tăng lên. Tình trạng bất ổn chính trị - xã hội do đói nghèo là một trong số những thách thức lớn đối với tăng trưởng kinh tế”.

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thương mại hàng hóa toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong quý II/2020 khi đại dịch COVID-19 lan rộng. Cả IMF và Ngân hàng Thế giới đều cảnh báo về rủi ro của một cuộc khủng hoảng nợ mới.

Ngày 12/8, Trung tâm Tài chính Quốc tế Hàn Quốc (KCIF) cho biết Ngân hàng Citibank và cơ quan phân tích kinh tế của Anh Capital Economics (CE) mới đây đã dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng bình quân 2.63%/năm trong giai đoạn 2019-2024, giảm 0.7% so với dự báo trước đó.

Giá vàng biến động mạnh và có xu hướng tiếp tục tăng cao trong tháng 8/2020. Đà tăng mạnh là do kim loại quý này tiếp tục nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nhu cầu trú ẩn an toàn trong bối cảnh gia tăng đáng lo ngại về số ca nhiễm COVID-19 mới gia tăng, căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc và những lo ngại về lạm phát giá có thể xảy ra trong những tháng tới khi các nước bơm mạnh tiền ra để hỗ trợ nền kinh tế. Giá vàng đạt đỉnh ngày 7/8 lên 2,076 USD/ounce và rơi xuống mức 1,793 USD/ounce sau đó vài phiên. Hiện giá vàng giao ngay (ngày 14/8) tại Mỹ là 1,944.80 USD/ounce. Dự báo, giá vàng thế giới sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới.

Giá dầu có sự giảm nhẹ trước những diễn biến của dịch bệnh. Giá dầu thế giới vẫn ở mức thấp từ 39-43 USD/thùng thời gian từ đầu tháng 8 đến nay. Ngày 13/8, dầu thô ngọt nhẹ WTI hợp đồng giao tháng 9 ở mức 42.59 USD/thùng. Dầu Brent hợp đồng giao tháng 10 ở mức 45.31 USD/thùng

Thị trường tài chính tiền tệ thế giới có nhiều diễn biến khó lường trong bối cảnh thế giới vẫn chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19 và căng thẳng giữa Mỹ và một số quốc gia với Trung Quốc tiếp tục kéo dài tác động xấu tới kinh tế thế giới. Cụ thể, ở Trung Quốc, nợ xấu của các ngân hàng lớn đã tăng mạnh trong năm 2020 do ảnh hưởng của COVID-19, gây áp lực rất lớn đối với các ngân hàng khác, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ, do đó, Trung Quốc đã phải cho phá sản ngân hàng đầu tiên do bê bối gian lận.

Kinh tế trong nước tiếp tục chứng kiến những diễn biến khó kiểm soát của dịch COVID-19 khi bùng phát trở lại và những tác động nặng nề ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội ngày càng rõ nét hơn.

Đại dịch COVID-19 đang làm suy giảm đáng kể những động lực tăng trưởng chủ yếu của Việt Nam như xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Ngành du lịch và nhiều ngành xuất khẩu đang bị mất đi lượng lớn khách hàng tiềm năng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo trong các tháng tiếp theo, nền kinh tế trong nước sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Sự suy giảm tăng trưởng do những tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu. Dịch bệnh bùng phát lần 2 gây tổn thất trực tiếp lên các lĩnh vực như du lịch, vận tải và hoạt động xuất nhập khẩu; các nhóm ngành sản xuất và đầu tư cũng chịu tác động gián tiếp. Căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể diễn biến phức tạp hơn. Tâm lý tiêu dùng còn chưa ổn định, tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến quy mô tiêu dùng. Rủi ro từ suy giảm thương mại toàn cầu và thiệt hại kinh tế đáng kể do dịch COVID-19 ở các đối tác thương mại chủ chốt, khả năng thâm hụt tài khóa cao hơn dẫn tới gia tăng nợ công và rủi ro từ hệ thống ngân hàng...

Nhật Quang

FILI