Doanh nghiệp sản xuất bao cao su muốn phát hành cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 70%

Doanh nghiệp sản xuất bao cao su muốn phát hành cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 70%

Theo tài liệu ĐHĐCĐ bất thường năm 2020 – đợt 2, CTCP Merufa (UPCoM: MRF) trình cổ đông phương án tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu thưởng.

Dự kiến tăng vốn thêm gần 28 tỷ đồng

Cụ thể, HĐQT MRF dự kiến phát hành 2.57 triệu cp để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu và 183,580 cp theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP).

Với phương án phát hành cổ phần để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, giá phát hành là 10,000 đồng/cp.

Tỷ lệ thực hiện quyền là 10:07, tương đương 70% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Có nghĩa là một cổ đông sở hữu 01 cp được nhận 1 quyền, cứ 10 quyền sẽ nhận thêm 07 cp mới.

Nguồn vốn để triển khai phương án phát hành được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, thặng dư vốn cổ phần, quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu và quỹ đầu tư phát triển theo báo cáo tài chính năm 2019 đã được kiểm toán.

Dự kiến tổng số tiền 25.7 tỷ đồng thu được từ phương án phát hành này được Công ty dùng để bổ sung nguồn vốn lưu động phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về phương án phát hành cổ phần ESOP, Công ty dự kiến phát hành cho thành viên HĐQT và người lao động theo danh sách được HĐQT phê duyệt với giá 10,000 đồng/cp. Tỷ lệ thực hiện 5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Thời gian thực hiện 2 phương án phát hành dự kiến trong năm 2020 hoặc 2021, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thông báo nhận đủ hồ sơ phát hành của Công ty.

Tính chung sau 2 đợt phát hành, ước tính vốn điều lệ của MRF sẽ tăng thêm tổng cộng 27.5 tỷ đồng, từ 36.75 tỷ đồng lên mức 64.29 tỷ đồng.

Dự án đầu tư Phân xưởng sản xuất sản xuất Găng số 2

Bên cạnh 2 phương án phát hành vốn, HĐQT MRF cũng trình ĐHĐCĐ thông qua dự án đầu tư phân xưởng sản xuất găng số 2 (PXGA2) có tổng vốn đầu tư là 230 tỷ đồng, với mục đích tận dụng thời cơ nhu cầu găng trên thế giới tăng cao, huy động nguồn vốn bằng trái phiếu có chuyển đổi, chủ động sản xuất găng tay để xuất khẩu. Thời gian đầu tư khoảng 8-12 tháng.

Kế hoạch là xây dựng xưởng trên khu đất trong khuôn viên Công ty, lắp đạt một số máy găng sản xuất đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, mua sắm một số máy móc thiết bị phụ trợ kèm theo…

Nguồn: BCTC kiểm toán các năm của MRF

Về kết quả kinh doanh, sau năm 2017 lỗ hơn 4 tỷ đồng, MRF đã có lãi trở lại lần lượt đạt 3 tỷ đồng và 7 tỷ đồng.

Sang năm 2020, Công ty kỳ vọng đạt 121 tỷ đồng doanh thu thuần và 10 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt tăng 12% và 43% so với thực hiện năm 2019.

Diễn biến giá cổ phiếu MRF từ đầu năm 2020 đến phiên 23/09/2020

Trong vòng 3 tháng qua, thị giá cổ phiếu MRF đã giảm gần 29% với thanh khoản èo uột, phiên có khối lượng giao dịch cao nhất cũng chỉ vào khoảng 22,000 cp. Kết phiên 23/09/2020, cổ phiếu MRF dừng tại mức 17,300 đồng/cp.

Khang Di

FILI