Để cổ phiếu tăng giá, nội tại tốt là chưa đủ

Để cổ phiếu tăng giá, nội tại tốt là chưa đủ

Dù ở phương diện là người điều hành hay người chủ doanh nghiệp, giá cổ phiếu luôn được kỳ vọng sẽ tăng. Nhưng làm sao để cổ phiếu tăng giá, phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp luôn là một câu hỏi khó.

Lợi ích từ cổ phiếu giá cao

Giá cổ phiếu luôn là tâm điểm của nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán. Khi nắm giữ cổ phiếu, mong muốn của bất kỳ nhà đầu tư nào là cổ phiếu tăng giá vì điều này giúp gia tăng giá trị tài sản họ đang nắm giữ.

Không chỉ có nhà đầu tư, bản thân doanh nghiệp cũng có những mối quan tâm nhất định tới giá cổ phiếu của họ. Vì sao doanh nghiệp cần quan tâm giá cổ phiếu của mình? Chính bởi những giá trị mà nó mang lại.

Những lợi ích từ giá cổ phiếu cao được hình thành từ niềm tin vì giá cổ phiếu là tấm gương phản chiếu, đánh giá của nhà đầu tư vào khả năng sinh lời và tăng trưởng trong tương lai của doanh nghiệp.

Trước hết, giá cổ phiếu cao sẽ mang lại những lợi ích về mặt tài chính cho Công ty.

Khi huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu, lúc này, thị giá cao sẽ là cơ sở để doanh nghiệp có thể phát hành với mức giá cao, đủ để làm chi phí vốn thấp xuống. Giả sử lợi nhuận trả cho từng cổ phần không đổi thì giá mỗi cổ phần càng cao tương ứng với chi phí vốn càng thấp, bởi lúc đó để huy động cùng một số tiền, doanh nghiệp phát hành ít cổ phần hơn.

Hơn nữa, các đơn vị cấp tín dụng cũng ưu ái với các doanh nghiệp có cổ phiếu giá cao vì điều đó thường phản ánh nền tảng kinh doanh tốt của doanh nghiệp, có khả năng thanh toán được các khoản nợ dài hạn. Từ đó, mức lãi vay sẽ thấp hơn.

Một mặt, giá cổ phiếu tích cực tạo cơ hội cho doanh nghiệp có thể đi mua lại doanh nghiệp khác bằng nguồn lực thứ hai bên cạnh tiền mặt (hoán đổi cổ phiếu) hoặc tránh bị thâu tóm vì giá cổ phiếu quá thấp (người đi mua sẽ phải chi ít hơn để mua cổ phiếu nâng sở hữu).

Ngoài lợi ích về mặt tài chính, giá cổ phiếu cao cũng sẽ khích lệ tinh thần và tạo niềm tin đối với nhân viên, các đối tác và nhà cung cấp của doanh nghiệp.

Việc giá cổ phiếu biến động tích cực song hành cùng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ giúp giới truyền thông và phân tích quan tâm hơn tới cổ phiếu và doanh nghiệp nhờ đó tạo hiệu ứng tích cực trên các phương tiện truyền thông.

Đây chính là hiệu ứng tích cực của việc giá cổ phiếu được giao dịch ở mức cao.

Hiệu ứng tích cực của giá cổ phiếu cao

Trên phương diện của người điều hành, đây cũng sẽ là một trong những thước đo cho năng lực quản trị của họ. Và tất nhiên, nếu người điều hành làm việc tốt, họ sẽ giữ được ghế và gia tăng thu nhập từ lương, thưởng của Công ty. Còn khi giá cổ phiếu thấp, các cổ đông chắc chắn sẽ không hài lòng với ban điều hành của doanh nghiệp, thậm chí chất vấn, gây sức ép thay thế nhân sự lên ban điều hành.

Nhiều trường hợp, người điều hành đồng thời cũng là cổ đông của Công ty. Lúc này mong muốn cổ phiếu có giá cao là hoàn toàn phù hợp vì việc này sẽ giúp gia tăng giá trị tài sản của họ.

Mặt khác, giá cổ phiếu cao sẽ nâng cao vị thế của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán. Thực tế, nhiều nhà đầu tư tổ chức chỉ đầu tư vào các doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn, bởi vì họ cho rằng các cổ phiếu đó ít rủi ro, ít biến động, thanh khoản tốt và các nhà đầu tư có thể tiến hành mua bán nhanh chóng mà không ảnh hưởng nhiều đến thị trường. Điều này phù hợp với tâm lý của doanh nghiệp khi họ mong muốn có các nhà đầu tư tổ chức mua cổ phiếu vì các nhà đầu tư này thường mua với số lượng lớn, từ đó giúp tăng thanh khoản và giảm biến động giá.

Cổ phiếu tăng giá - nội tại tốt là chưa đủ

Mặc dù, yếu tố quan trọng nhất tác động đến giá cổ phiếu là hiệu quả thực của doanh nghiệp, song, giá cổ phiếu trên thị trường quyết định tùy theo nguyên tắc cung - cầu, thuận mua vừa bán dựa trên định giá của nhà đầu tư với doanh nghiệp.

Thị trường chứng khoán Việt có hàng ngàn cổ phiếu đang niêm yết, đăng ký giao dịch nhưng chỉ có vài phần thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Thiếu sự quan tâm dẫn tới thiếu thanh khoản khiến cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp có nền tảng tốt không thể phản ánh đúng giá trị của doanh nghiệp.

Phản ánh hiệu quả thực của doanh nghiệp, song, giá cổ phiếu trên thị trường quyết định tùy theo nguyên tắc cung - cầu. Đồ họa: Tuấn Trần

Do đó, muốn giá cổ phiếu phản ánh đúng giá trị của doanh nghiệp trước tiên cần có hoạt động để lôi kéo sự quan tâm từ giới đầu tư. Bởi vậy, hoạt động Quan hệ Nhà đầu tư (Investor Relation, IR) đóng vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp niêm yết, nhất là với các doanh nghiệp đang có thị giá cổ phiếu thấp hơn so với giá trị thực của doanh nghiệp.

Bên cạnh việc thực hiện IR, hoạt động tạo lập thị trường cũng đóng vai trò không kém. Nhờ có một bên tạo lập thị trường sẵn sàng mua từ người bán và bán cho người muốn mua, yếu tố cung – cầu tiên quyết trong đưa giá cổ phiếu về với đúng giá trị thực sẽ được đáp ứng.

Về mặt lý thuyết là thế, nhưng không phải cổ phiếu nào có thị giá tăng cao cũng phản ánh thực chất doanh nghiệp. Thị trường chứng khoán những năm qua chứng kiến không ít những trường hợp thao túng giá cổ phiếu để trục lợi. Các trường hợp thường thấy là tạo cung cầu ảo bằng nhiều tài khoản để trục lợi từ việc giá cổ phiếu tăng. Không ít vụ thao túng giá đình đám đã được đưa ra ánh sáng như KSA, MTM, CDO...

Xét cho cùng, giá cổ phiếu cao sẽ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và với nhà đầu tư việc kỳ vọng giá cổ phiếu tăng cao là nhu cầu thiết thực. Tuy vậy, đứng trước mức giá cao của các cổ phiếu nhà đầu tư vẫn nên tìm hiểu kỹ xem đằng sau có thật sự là giá trị nội tại của doanh nghiệp hay chỉ là một chiêu trò làm giá nhằm kiếm lợi bất chính.

Chí Kiên

FILI