Đà hồi phục của nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chậm lại

Đà hồi phục của nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chậm lại

Nền kinh tế toàn cầu đã phục hồi mạnh mẽ từ cú sụp trong mùa xuân, nhưng dữ liệu mới từ nước Anh cho thấy đà tăng đã chậm lại. Điều này càng cho thấy nền kinh tế toàn cầu có thể cần tới nhiều tháng (nếu không muốn nói là nhiều năm) để chữa lành vết sẹo mà Covid-19 để lại.

Các số liệu thống kê mới từ Anh cung cấp thêm cái nhìn đáng giá về tình hình hồi phục kinh tế hiện tại. Đây là một trong vài quốc gia công bố số liệu hàng tháng về tăng trưởng kinh tế và cũng là nền kinh tế lớn nhất thực hiện công việc này.

Tháng 7/2020, nền kinh tế Anh tăng trưởng 6.6% so với tháng 6/2020, sau đà tăng trưởng 8.7% trong tháng trước đó. Điều này giúp Anh quốc trên đà ghi nhận mức tăng trưởng 15% trong quý 3/2020, sau cú rớt 20.4% trong quý 2.

Tuy nhiên, sản lượng kinh tế vẫn thấp hơn 11.7% so với tháng 2/2020 – thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 ập đến và gây gián đoạn nền kinh tế. Sản lượng trong lĩnh vực dịch vụ, vốn phụ thuộc nhiều hơn vào sự tương tác trực tiếp, giảm 12.6% so với tháng 2/2020, nhưng sản lượng công nghiệp giảm 7%.

Dữ liệu từ Vương quốc Anh càng củng cố thêm cho khả năng việc trở lại mức sản lượng trước đại dịch sẽ rất chậm rãi đối với những nước giàu nhất thế giới, khi đại dịch Covid-19 gây cản trở mọi thứ từ đi lại và giải trí cho tới đi làm văn phòng.

Dữ liệu kinh tế mạnh mẽ trong quý 3/2020 nhiều khả năng sẽ bị nối tiếp bằng đà tăng trưởng chậm rãi hơn khi các công ty, người lao động và Chính phủ điều chỉnh để thích nghi với giai đoạn bất ổn vì diễn biến của đại dịch.

“Miễn là các nền kinh tế lớn không còn rơi vào tình trạng phong tỏa, đà tăng trưởng có thể tiếp tục, nhưng không còn duy trì đà hồi phục ấn tượng như vài tháng trước – thời điểm tái mở cửa kinh tế”, Gilles Moëc, Chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty bảo hiểm Axa, cho hay. “Phần khó nhằn bắt đầu từ đây”.

Các chuyên gia kinh tế không mong kinh tế Anh quốc sẽ trở lại mức trước đại dịch cho đến năm 2022. Quý 2/2020, Anh ghi nhận đà giảm trầm trọng nhất trong các quốc gia giàu có, nhưng chuỗi giảm và hồi phục hàng tháng khá tương tự với các quốc gia khác, bao gồm Mỹ.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khu vực Atlanta ước tính kinh tế Mỹ sắp ghi nhận đà tăng trưởng 7% trong quý 3/2020, sau cú giảm 9.1% trong quý 2/2020 (số liệu so sánh với quý trước đó). Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng GDP Mỹ tăng trưởng 1.25% trong quý 4/2020 và trở lại mức sản lượng trước đại dịch vào đầu năm 2022.

Kinh tế toàn cầu giảm 2 quý liên tiếp tính tới tháng 6/2020, khi mà các lệnh phong tỏa diện rộng và tâm lý e sợ lây nhiễm giáng đòn nặng nề đến hoạt động kinh tế.

Trong nhóm G20, đà giảm 3.4% về sản lượng kinh tế trong 3 tháng đầu năm đã là mức giảm lớn nhất kể từ ít nhất là năm 1998 (thời điểm bắt đầu ghi nhận dữ liệu), nhưng đà giảm của quý 2/2020 là chưa hề có tiền lệ trong nhiều thập kỷ qua, kể từ khi kết thúc Thế Chiến II.

Sự thay đổi chóng vánh trong đại dịch chỉ diễn ra trong vài tháng chứ không phải vài quý. Bên ngoài Trung Quốc, đà giảm GDP tập trung vào tháng 3-4, bắt đầu hồi phục từ tháng 5/2020 và tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 6-7/2020 khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ.

Theo dữ liệu công bố trong tuần này, kinh tế Na Uy – vốn giảm ít hơn so với các quốc gia láng giềng tại châu Âu – tăng trưởng 1.1% trong tháng 7/2020, yếu hơn mức tăng trưởng của tháng 6. Sản lượng trong tháng 7/2020 chỉ thấp hơn 4.7% so với mức tháng 2/2020.

Chuyên gia kinh tế trưởng của NHTW châu Âu, Philip Lane, tỏ ra thận trọng về đà hồi phục kinh tế của châu Âu và mức lạm phát yếu ớt, từ đó để ngỏ cánh cửa tung ra gói kích thích trong vài tháng tới.

Đã xuất hiện dấu hiệu của sự mong manh dễ vỡ ở nhiều quốc gia khi đại dịch tái bùng phát đã châm ngòi cho những biện pháp giới hạn mới và càng rót thêm sự thận trọng vào tâm trí người tiêu dùng. Hoạt động kinh tế suy giảm ở Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Kazakhstan, Tây Ban Nha và Italy.

Vũ Hạo (Theo WSJ)

FILI