Chứng khoán CVS rút nghiệp vụ môi giới

Chứng khoán CVS rút nghiệp vụ môi giới

Vừa qua, ĐHĐCĐ bằng hình thức lấy ý kiến qua văn bản của CTCP Chứng khoán CV (CVS) đã phê duyệt chủ trương rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán và hủy tư cách thành viên của Công ty tại các sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD).

Theo đó, Tổng Giám đốc của Công ty sẽ được ủy quyền triển khai các công việc cần thiết để thực hiện thủ tục xin rút nghiệp vụ Môi giới chứng khoán và các công việc cần thiết để thực hiện thủ tục hủy bỏ tư cách thành viên tại các sở giao dịch và VSD. Đồng thời, quyết định phương án xử lý tài khoản khách hàng.

Đổi chủ nhưng không đổi vận

CVS tiền thân là CTCK Hồng Bàng, thành lập năm 2009 với vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng. Sau 6 năm hoạt động mờ nhạt, Công ty được đổi tên thành Công ty Chứng khoán Hưng Thịnh vào năm 2015. Công ty đổi tên thành Chứng khoán CVS kể từ tháng 10/2017 và tăng vốn từ 50 tỷ đồng lên 90 tỷ đồng.

Năm 2018, cổ đông ngoại đến từ Trung Quốc - ông Jia Minghui (quốc tịch Trung Quốc) trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị của CVS, đồng thời là người đại diện pháp luật của Công ty. Công ty cung cấp các dịch vụ bao gồm môi giới chứng khoán khách hàng cá nhân, khách hàng tổ chức; tư vấn đầu tư chứng khoán; tư vấn tài chính khách hàng doanh nghiệp.

Trong báo cáo thường niên 2019, CVS cho biết địa bàn kinh doanh chính là tại Việt Nam, Công ty dự kiến mở rộng hoạt động sang Trung Quốc và Hồng Kông. Đi kèm đó là định hướng phát triển kết nối đầu tư Việt Nam – Hồng Kông, Việt Nam – Trung Quốc, thu hút nguồn vốn ngoại từ hai thị trường kể trên vào đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam. Trong trung và dài hạn, Công ty định hướng phát triển mở rộng khách hàng môi giới, mở rộng cơ sở khách hàng doanh nghiệp và đối tác nước ngoài để phục vụ nhu cầu đầu tư đa phương.

Có định hướng nhắm vào hai mảng môi giới và tư vấn tài chính doanh nghiệp, tuy nhiên kết quả kinh doanh của CVS kể từ khi đổi chủ không mấy nổi bật.

Doanh thu môi giới năm 2019 của Công ty chỉ đạt hơn 1.2 tỷ đồng, rất nhỏ so với toàn ngành. Doanh thu tư vấn chỉ ở mức hơn 760 triệu đồng, giảm gần 80% so với năm trước. Năm 2019, Công ty lỗ hơn 19 tỷ đồng.

Hồi tháng 8/2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã ra Công văn số gửi CVS yêu cầu Công ty xây dựng và triển khai phương án tăng vốn điều lệ hoặc rút nghiệp vụ kinh doanh để đảm bảo giá trị vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng vốn pháp định căn cứ vào tình hình vốn chủ sở hữu của Công ty tại thời điểm 30/06/2019 là 24.35 tỷ đồng, thấp hơn mức vốn pháp định đối với 2 nghiệp vụ kinh doanh được cấp phép là môi giới và tư vấn đầu tư chứng khoán (35 tỷ đồng).

Lên kế hoạch tăng vốn thêm 20 tỷ đồng

Trước "thẻ vàng" từ UBCK, ĐHĐCĐ thường niên 2020 của CVS đã thông qua kế hoạch phát hành toàn bộ 2 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư tổ chức là Max Team International Limited - một công ty được thành lập ở quần đảo Virgin thuộc Anh, với giá chào bán cao nhất dự kiến là 10,000 đồng/cổ phiếu. Trong trường hợp mua hết 2 triệu cổ phiếu, Max Team International Limited sẽ sở hữu 18.18% cổ phần.

Mục đích của đợt phát hành là nhằm tăng vốn điều lệ, bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đáp ứng quy định của pháp luật về vốn pháp định đối với các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán. CVS đang duy trì 2 nghiệp vụ là môi giới và tư vấn đầu tư chứng khoán. Theo quy định của pháp luật chứng khoán hiện hành, để được cấp phép hoạt động 2 nghiệp vụ này, công ty chứng khoán phải đảm bảo nguồn vốn lần lượt là 25 tỷ đồng và 10 tỷ đồng.

Vì đâu CVS phải rút nghiệp vụ môi giới?

Tuy vậy, kể từ khi ĐHĐCĐ thông qua phương án phát hành hồi tháng 7 tới nay, vẫn chưa thấy thông tin công bố triển khai tăng vốn nào đến từ CVS.

Về mặt hoạt động kinh doanh, theo đánh giá của CVS, năm 2019, Công ty có sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông lớn và cán bộ điều hành cấp cao. 2019 được coi là năm bản lề cho thay đổi định hướng hoạt động của Công ty. Sang năm 2020, Công ty phải nỗ lực hơn rất nhiều.

Kết quả 6 tháng đầu năm 2020 lại không cho thấy sự khả quan trong hoạt động kinh doanh của Công ty. Doanh thu hoạt động trong kỳ chỉ ở mức 44 triệu đồng, Công ty tiếp tục chịu lỗ hơn 5.5 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tại thời điểm này lên tới gần 80 tỷ đồng.

CVS giải trình, năm 2020, Công ty tập trung vào việc xây dựng, triển khai các hoạt động quảng bá nhằm thu hút khách hàng. Tuy nhiên, doanh thu môi giới đạt được vẫn ở mức thấp dẫn đến kết quả kém trong quý 1. Trong quý 2, tình hình dịch Covid đã tác động tới hoạt động kinh doanh của Công ty.

Phải chăng chưa thể tăng được vốn cộng với tình hình kinh doanh khó khăn đã dẫn đến việc CVS quyết định rút nghiệp vụ môi giới?

Yến Chi

FILI