Campuchia sẽ đa dạng hóa kinh tế, giảm phụ thuộc ngành dệt may

Campuchia sẽ đa dạng hóa kinh tế, giảm phụ thuộc ngành dệt may

Campuchia đang nhắm đến việc phát triển các ngành ngoài dệt may theo chính sách theo đuổi phát triển bền vững và đa dạng hóa kinh tế. Để đạt được kế hoạch này, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện Chính sách Phát triển Công nghiệp Campuchia giai đoạn 2015-2025, theo thông cáo báo chí về phiên họp Nội các do Thủ tướng Hun Sen chủ trì gần đây, Phnom Penh Post đưa tin.

Thông cáo nêu: “Chính sách này là chiến lược nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mới của Campuchia, tập trung vào đa dạng hóa kinh tế, tăng cường khả năng cạnh tranh và nâng cao năng suất theo xu thế thay đổi của cơ cấu kinh tế trong nước cũng như tình hình kinh tế và địa chính trị trong khu vực và trên thế giới.

Từ năm 2017-2018, Chính phủ đã thực hiện chính sách phát triển công nghiệp và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ ngành công nghiệp trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng từ 27.7% năm 2015 lên 32.6% năm 2018.

Điều này phản ánh thực tế Campuchia đang tiếp tục cải cách và thúc đẩy cơ cấu công nghiệp - được dịch chuyển dần từ sự phụ thuộc vào ngành nông nghiệp - để thúc đẩy phát triển.

Thông qua chính sách này, mục tiêu của Chính phủ là tăng cường và đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu ngoài ngành dệt may lên 15%, thúc đẩy xuất khẩu nông sản chế biến lên 12% vào năm 2025.

Campuchia đã và đang không ngừng đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông sản đa dạng hơn và ít phụ thuộc vào xuất khẩu mặt hàng dệt may và giày dép”.

Theo Nhà nghiên cứu kinh tế tại Học viện Hoàng gia Campuchia Ky Sereyvath, Chính phủ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách này trong 5 năm nữa, chuyển từ ngành dệt may sang các cơ hội đầu tư, đặc biệt từ Trung Quốc.

Sự dịch chuyển dần khỏi lĩnh vực dệt may không phải vì Liên minh châu Âu (EU) rút ưu đãi thương mại EBA mà để nắm bắt những cơ hội mới có được từ Trung Quốc do ảnh hưởng của Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung”, ông Ky Sereyvath cho biết khi đề cập đến việc EU quyết định rút một phần ưu đãi trong Thỏa thuận ưu đãi thương mại EBA - Everything But Arms (Mọi thứ trừ vũ khí) dành cho Campuchia kể từ ngày 12/08.

Ông Ky Sereyvath cho rằng việc phát triển ngành công nghiệp mới này có nghĩa Campuchia sẽ tập trung vào các ngành điện - điện tử và linh kiện ô tô, khuyến khích thêm đầu từ nước ngoài vào Vương quốc.

Ông cho biết thêm: “Ngành công nghiệp của chúng ta đã bước sang giai đoạn 2. Trước đây, chúng ta chỉ phát triển ngành dệt may. Giai đoạn 2 sẽ theo đuổi chiến lược chế biến nông sản thành ngành chế biến thực phẩm, nhằm ứng phó với tình huống sản xuất vượt sản phẩm nông nghiệp đồng thời thúc đẩy tăng trưởng giá trị gia tăng trong nền kinh tế thay vì người nông dân chỉ thu hoạch rồi đem bán”.

Ông Ky Sereyvath cho biết như một phần trong chính sách phát triển công nghiệp, Chính phủ sẽ tiếp tục cải cách quy định về thuế, lực lượng vũ trang, hệ thống vận tải, giáo dục và dạy nghề, đồng thời khuyến khích người lao động thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp nhanh chóng. Bên cạnh đó, chính sách này còn hướng đến đạt tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đăng ký hoạt động từ 80-95%. Chính phủ cũng mong muốn vào năm 2025, từ 50-70% SME sẽ có sổ sách kế toán và bảng cân đối kế toán chính xác.

Thông cáo nêu thêm: “Hiện nay, nhiều SME nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng ký doanh nghiệp chính thức để tăng cường quản lý doanh nghiệp, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính và là cơ sở để đánh giá việc hỗ trợ kỹ thuật cũng như hưởng các ưu đãi của Chính phủ”.

Dệt may là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn và cũng là lĩnh vực lớn nhất của Campuchia. Ngành này chiếm 16% GDP và 80% nguồn thu xuất khẩu của Vương quốc, thuê khoảng 750,000 lao động. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hơn 250 nhà máy sản xuất hàng may mặc tại Campuchia phải đóng cửa, khiến hơn 130,0000 lao động mất việc làm. Bên cạnh đó, quyết định rút ưu đãi EBA của EU cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành dệt may nói riêng và kinh tế Campuchia nói chung. Thông qua chính sách đa dạng hóa kinh tế, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào ngành dệt may, Campuchia hy vọng tăng trưởng kinh tế bền vững hơn đồng thời tăng khả năng cạnh của Vương quốc.

Đỗ Thảo (Theo Phnom Penh Post)

FILI