Campuchia sẵn sàng ứng phó Covid-19 và rút ưu đãi EBA

Campuchia sẵn sàng ứng phó Covid-19 và rút ưu đãi EBA

Campuchia đã chuẩn bị tốt để ứng phó với những tác động về kinh tế - xã hội của đại dịch Covid-19 và quyết định rút một phần ưu đãi theo Thỏa thuận ưu đãi thương mại EBA - Everything But Arms (Mọi thứ trừ vũ khí) của Liên minh châu Âu (EU), các thành viên của Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC) cho biết, Khmer Times đưa tin.

Để ứng phó với ảnh hưởng của Covid-19, Campuchia đã dành 1.16 tỷ USD hỗ trợ y tế và xã hội cũng như kinh tế. Bên cạnh đó, Vương quốc cũng đưa ra một số giải pháp hỗ trợ các nhà sản xuất và xuất khẩu sau khi EU rút một phần ưu đãi EBA dành cho nước này.

Phát biểu tại bàn tròn “Campuchia tự chuẩn bị như thế nào cho hôm nay và ngày mai?”, Chủ tịch RAC Sok Touchc cho rằng các giải pháp của Chính phủ rất quan trọng để duy trì phát triển kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch Covid-19.

Theo ông Sok Touch, để đảm bảo nền kinh tế khôi phục trong giai đoạn hậu Covid-19, đất nước phải tiếp tục duy trì ổn định hòa bình và chính trị, gia tăng sản xuất trong nước để xuất khẩu, phát triển nguồn nhân lực chất lượng và khôi phục ngành du lịch.

EU bắt đầu đánh thuế các mặt hàng xuất khẩu tiêu biểu của Campuchia như sản phẩm dệt may, giày dép và du lịch từ ngày 12/08, sau khi nước này bị cáo buộc vi phạm các vấn đề về nhân quyền theo Công ước quốc tế.

Thông qua quyết định đánh thuế một phần của EU, 20% mặt hàng của Campuchia xuất khẩu sang thị trường châu Âu sẽ chịu thuế và 80% mặt hàng xuất khẩu còn lại vẫn được miễn thuế.

Kin Phea, Tổng Giám đốc Viện Quan hệ đối ngoại của Campuchia (IRIC), cho biết Vương quốc đã chuẩn bị tốt để giải quyết những vấn đề này.

Pich Charadine, Phó Giám đốc điều hành Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia (CICP), cho rằng việc rút ưu đãi EBA đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Vương quốc nhưng nước này cũng đã và đang tập trung vào phục hồi kinh tế bằng cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Bà Charadine nói: “Campuchia đã có cách giải quyết tốt để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và giảm chi phí cho doanh nghiệp như dỡ bỏ kiểm soát dọc biên giới, áp dụng hình thức đăng ký kinh doanh trực tuyến, xúc tiến thương mại điện tử, phát triển kiến thức và khả năng đọc viết kỹ thuật số".

Tuy nhiên, để đi đúng hướng, Campuchia cần nỗ lực và đầu tư thêm nữa vào việc cải thiện chất lượng giáo dục, tiếp cận bình đẳng về phương diện giáo dục, nghiên cứu và đổi mới, kỹ năng kỹ thuật và giáo dục nghề nghiệp để xây dựng lực lượng lao động tay nghề và trao quyền cho họ”, bà Charadine nói thêm.

Bên cạnh đó, theo bà Charadine, quốc gia Đông Nam Á này cũng cần vực dậy ngành nông nghiệp đầy tiềm năng chưa được khai thác bằng cách đầu tư mạnh vào các doanh nghiệp nông nghiệp và ngành chế biến nông sản, đồng thời hiện đại hóa ngành du lịch trở thành du lịch xanh và bền vững.

Đỗ Thảo (Theo Khmer Times)

FILI