Campuchia: Dự luật về trái phiếu Chính phủ đã được duyệt

Campuchia: Dự luật về trái phiếu Chính phủ đã được duyệt

Dự luật về trái phiếu Chính phủ vừa được thông qua gần đây sẽ mở đường cho Chính phủ sử dụng một loại công cụ tài chính mới và huy động nguồn vốn trong nước, đa dạng hóa danh mục vốn, đồng thời giảm thiểu vay mượn nước ngoài, Tổng Giám đốc Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Campuchia (SECC) Sou Socheat cho biết, Khmer Times đưa tin.

Theo biên bản phiên họp Nội các do Thủ tướng Campuchia Hun Sen chủ trì hôm 04/09, Dự luật đã được thông qua tại phiên họp này.

Biên bản nêu: “Từ năm 1993, việc quản lý nợ công của Chính phủ Hoàng gia Campuchia được thực hiện rất thận trọng, chính xác và nghiêm túc. Xem xét bối cảnh hiện tại, việc phát hành trái phiếu Chính phủ mang lại cơ hội mới và ưu tiên cho Campuchia”.

“Xét đến những thách thức trong và ngoài nước có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình nợ công, Campuchia cần cân nhắc một mục tiêu rõ ràng về đa dạng hóa nguồn vốn, phù hợp tình hình phát triển kinh tế và việc sớm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng ‘quốc gia kém phát triển’ (LDC)”, theo biên bản.

Trái phiếu Chính phủ là một loại chứng khoán nợ được Chính phủ phát hành để hỗ trợ chi tiêu và thực hiện nghĩa vụ Chính phủ. Lãi được trả định lỳ tùy theo kỳ đáo hạn của trái phiếu được phát hành. Trái phiếu Chính phủ thường được xem như một hình thức đầu tư ít rủi ro nhờ được Chính phủ phát hành bảo lãnh. Đây là công cụ tài chính quan trọng để Chính phủ huy động vốn từ lĩnh vực tư nhân và nước ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội.

Việc ban hành Luật về trái phiếu Chính phủ được kỳ vọng giúp Campuchia giữ vững quyền tự chủ trước áp lực quốc tế ngày càng gia tăng liên quan đến tài trợ kinh tế, trong đó có việc Liên minh châu Âu (EU) quyết định rút một phần ưu đãi trong Thỏa thuận ưu đãi thương mại EBA - Everything But Arms (Mọi thứ trừ vũ khí) dành cho Vương quốc kể từ ngày 12/08.

Hiện tại, Campuchia vẫn đang áp dụng Luật trái phiếu Chính phủ được ban hành từ năm 2007.

Biên bản nêu thêm: “Chính phủ soạn thảo Luật trái phiếu Chính phủ mới để thay thế Luật cũ được áp dụng từ năm 2007. Luật sửa đổi này đáp ứng tốt hơn những mặt kỹ thuật về quản lý thu nhập và chi tiêu, như việc áp dụng quy định mới về hệ thống thị trường vốn của Campuchia, và những nhu cầu hiện tại của lĩnh vực tư nhân”.

Liên quan đến các quy định trong Luật mới, Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia (MEF) sẽ xác định mức lãi suất trái phiếu phù hợp, thời gian đáo hạn, đồng tiền phát hành cũng như các quy định cụ thể khác về mặt kỹ thuật. Một quan chức của Ủy ban Nội các quốc gia cho biết Luật mới này không cần thiết ban hành Nghị định hướng dẫn nhưng cần có Chỉ thị của MEF.

Trước đây, SECC đã mời gọi Chính phủ niêm yết trái phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Campuchia (CSX) với hy vọng giúp sàn chứng khoán trong nước thu hút thêm nhiều nhà đầu tư hơn.

Tổng Giám đốc Socheat cho rằng với sự hợp tác của các công ty tài chính lĩnh vực tư nhân, trái phiếu Chính phủ sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển quốc gia. Ông nói: “Việc phê duyệt Dự luật về trái phiếu Chính phủ là nền tảng cho Chính phủ sử dụng loại công cụ tài chính này và huy động vốn khi cần”.

Ông Socheat nói thêm: “Việc này cũng giúp Chính phủ giảm thiểu vay mượn nước ngoài, đồng thời được lựa chọn sẽ vay mượn bao nhiêu từ nguồn vốn nước ngoài và phát hành bao nhiêu để huy động nguồn vốn cần thiết từ lĩnh vực tư nhân trong nước và nước ngoài”.

Phó Chủ tịch CSX Ha Jong-weon cho biết Chính phủ đang chuẩn bị thêm khung pháp lý về phát hành, niêm yết, giao dịch và lưu ký trái phiếu Chính phủ.

Ông nói: "Chúng tôi hy vọng trái phiếu Chính phủ sẽ được niêm yết và giao dịch trên CSX và chúng tôi đang sẵn sàng về cơ sở hạ tầng. Khi Chính phủ cần vốn cho bất kỳ dự án đầu tư hoặc khoản chi nào, họ có thể xem xét phát hành trái phiếu. Đây là phương thức huy động vốn nhanh mà không cần điều kiện nhưng được tin cậy. Huy động vốn trong nước sẽ giúp nền kinh kế nước nhà bình ổn hơn và thúc đẩy phát triển mạnh hơn. Chính phủ cũng sẽ có quyền hạn hơn trên trường quốc tế khi tỷ lệ vay vốn từ các nước khác ở mức thấp”.

Theo báo cáo của MEF, trong giai đoạn 1993-2017, Campuchia đã vay mượn tổng cộng 9.685 tỷ USD thông qua khoản vay ưu đãi từ các đối tác phát triển, tương đương 43.7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giá trị gần 22.158 tỷ USD của Vương quốc trong năm 2017, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB). MEF cho biết Vương quốc đã vay mượn 6.377 tỷ USD từ Chính phủ các nước, trong số đó 4.05 tỷ USD được vay từ Trung Quốc.

Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) từng hối thúc Campuchia phát triển thị trường trái phiếu trong nước, cả trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời xúc tiến việc sử dụng đồng nội tệ. ADB cho rằng việc phát hành trái phiếu Chính phủ có thể giúp đa dạng hóa lĩnh vực tài chính phi ngân hàng và đẩy mạnh các thị trường vốn trong nước, qua đó giúp Vương quốc giảm sự lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng và mang lại các kênh trung gian tài chính dài hạn mới.

Bên cạnh việc phê duyệt Dự luật về trái phiếu Chính phủ, Ủy ban Nội các quốc gia còn thông qua Dự luật về cơ cấu tổ chức và chức năng của cơ quan quản lý các dịch vụ tài chính phi ngân hàng. Cơ quan này nhằm mục tiêu hội nhập các cơ chế quản lý và kiểm soát lĩnh vực tài chính phi ngân hàng, gồm bảo hiểm và các quỹ hưu trí tư nhân, lĩnh vực trái phiếu, bảo hiểm xã hội, ngành ủy thác, kế toán và kiểm toán.

Đỗ Thảo (Theo Khmer Times)

FILI