Bloomberg: Bong bóng cổ phiếu ngành F&B đang thành hình tại Trung Quốc?

Bloomberg: Bong bóng cổ phiếu ngành F&B đang thành hình tại Trung Quốc?

Tại Trung Quốc, một hiện tượng bong bóng khác thậm chí còn đáng sợ hơn bong bóng công nghệ đang nhen nhóm xuất hiện. Bong bóng này không được thổi phồng bởi các nhà đầu tư tay ngang khét tiếng tại Trung Quốc, mà từ giới đầu tư chuyên nghiệp.

Ngày nay, thậm chí một nhà sản xuất nước tương cũng có hệ số P/E tới 100 lần và đây cũng không phải là một cổ phiếu penny. Foshan Haitian Flavouring & Food là một cổ phiếu blue-chip với vốn hóa thị trường 81 tỷ USD. Từ công ty chăn nuôi lợn cho tới các nhà sản xuất rượu nổi tiếng của Trung Quốc, ngành thực phẩm và nước giải khát (F&B) đã vượt mặt nhóm ngân hàng về tỷ trọng vốn hóa trong chỉ số CSI 300. Lĩnh vực này đã tăng 60% trong năm nay.

Đà tăng đột nhiên chững lại trong tuần trước. Vào ngày 03/09, cổ phiếu Foshan Haitian đột ngột rớt mạnh dù cũng chẳng có tin gì xấu. Đà bán tháo lập tức lan ra toàn lĩnh vực trong ngày 04/09. Sau 2 phiên, cổ phiếu Foshan Haitian rớt 14%.

Không giống như cơn sốt cổ phiếu công nghệ của đoàn quân nhỏ lẻ, những cổ phiếu blue-chip trong ngành F&B này được nhắm tới bởi những nhà đầu tư tổ chức. Tính trung bình, các nhà quản lý quỹ tương hỗ phân bổ 11.8% vốn cho cổ phiếu F&B, chỉ đứng sau lĩnh vực y tế, dựa trên dữ liệu từ công ty chứng khoán Haitong Securities.

Tình trạng này diễn ra ngay khi các quỹ tương hỗ huy động được lượng vốn kỷ lục – hơn 2 ngàn tỷ nhân dân tệ (292 tỷ USD) trong giai đoạn 8 tháng đầu năm, cao hơn lượng vốn huy động được trong cả năm 2019. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng mạnh, cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi phần lớn lượng vốn này chảy vào các quỹ cổ phiếu và quỹ lai (cả cổ phiếu lẫn trái phiếu). Đà tăng của chứng khoán Trung Quốc trong năm nay đã giúp các quỹ có thành tích ấn tượng, thu hút sự chú ý của giới đầu tư.

Mặc dù Bắc Kinh khuyến khích đầu tư vào cổ phiếu của các công ty công nghệ còn non trẻ, nhưng giới đầu tư chuyên nghiệp vẫn cảm thấy lo ngại. Hơn 50% vốn của họ được phân bổ cho cổ phiếu trên các sàn chứng khoán chính – vốn có tiêu chí về khả năng tạo lợi nhuận.

Vậy điều gì thu hút sự chú ý của nhà đầu tư tới nhóm thực phẩm và nước uống? Một dòng tiền dễ đoán. Chẳng hạn như Foshan Haitian, đà tăng doanh số của Công ty liên tục ở trên ngưỡng 10% kể từ năm 2012, trong khi lợi nhuận còn tăng trưởng mạnh hơn thế. Thậm chí trong báo cáo gần đây, Bank of China nhận định việc mua cổ phiếu Foshan Haitian cũng giống với nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất coupon 10-20%.

Điều này có thể đúng, nhưng việc dòng vốn lớn chảy vào cổ phiếu có tỷ lệ free float hạn chế khiến lĩnh vực này trở nên chật chội hơn. Ví dụ, Foshan có tỷ lệ cổ phiếu tự do lưu thông trên thị trường (free float) chỉ ở mức 14%, trong khi các cổ đông kiểm soát nắm giữ 58% cổ phần. Với free float 26-33%, hai nhà sản xuất rượu Kweichow Moutai và Wuliangye Yibin cũng chẳng khá khẩm hơn là bao. Free float thấp cùng với dòng vốn vào khổng lồ sẽ đẩy giá cổ phiếu tăng mạnh. Kết quả là hệ số P/E 50 lần trở thành điều bình thường trong lĩnh vực này.

Về phần mình, các chuyên gia chỉ quan tâm đến lợi nhuận dự phóng. Thế nhưng, cái giá phải trả là gì? Lợi tức của các công ty thực phẩm hiện thấp hơn nhiều so với lợi suất của trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm tại Trung Quốc (hơn 3%).

Các nhà quản lý quỹ vẫn đang tìm hướng đi trong thị trường con bò hiện tại. Cái khó ở đây là họ không chỉ phải tìm cách đánh bại chỉ số mà còn vượt qua các quỹ khác.

Tại Trung Quốc, các quỹ cổ phiếu theo phương pháp chủ động có hiệu suất trung bình ở mức 45% trong 8 tháng đầu năm. Vì lẽ đó, toàn bộ ngành công nghiệp này đã bị cuốn vào guồng quay tìm cách tăng hiệu suất đầu tư và sẵn sàng trả một cái giá cắt cổ cho cổ phiếu. Tuy nhiên, nếu lãi suất trái phiếu chỉ cần tăng lên thôi thì những ngôi sao băng trên thị trường sẽ rơi thẳng xuống đất.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Shuli Ren trên Bloomberg Opinion

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI