Becamex và bữa tiệc sàn HOSE: Rủi ro đằng sau cổ phiếu đầu tàu VN-Index
Becamex và bữa tiệc sàn HOSE: Rủi ro đằng sau cổ phiếu đầu tàu VN-Index
Tăng gần 68% chỉ sau 6 phiên giao dịch, điều này đồng nghĩa rủi ro đang ngày càng lớn dần theo cơn say của BCM.
Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex, HOSE: BCM) chuyển niêm yết lên HOSE (từ 31/08) và cổ phiếu ngay lập tức tăng trần 6 phiên liên tiếp. Đây là điều nhà đầu tư chưa từng chứng kiến trong suốt hai năm rưỡi BCM giao dịch tại sàn UPCoM.
Màn ra mắt ấn tượng của ông lớn bất động sản khu công nghiệp hòa vào bữa tiệc của các cổ phiếu cùng ngành như PHR, SZC, NTC,… Giữa lúc tin tức về làn sóng dịch chuyển sản xuất ngập tràn khắp truyền thông, lợi nhuận chảy vào túi giới đầu tư cổ phiếu đến sớm hơn rất nhiều so với dòng chảy vốn FDI vào Việt Nam.
Vẫn như mọi khi, “ngài thị trường” sẵn sàng trả trước cho kỳ vọng.
Lên cung trăng
Cổ phiếu BCM tăng gần 68% sau 6 phiên giao dịch tại HOSE Dữ liệu chốt ngày 09/09/2020. Nguồn: VietstockFinance
|
BCM nổi tiếng trong lĩnh vực bất động sản, mà đặc biệt là khu công nghiệp. Tổng Công ty Nhà nước này là đơn vị phát triển khu công nghiệp có quỹ đất sẵn sàng cho thuê lớn nhất trong nhóm doanh nghiệp niêm yết, theo báo cáo được Bộ phận Phân tích CTCK VNDirect (VND Research) công bố vào cuối tháng 4.
Không như những cái tên nhỏ hơn, BCM với quy mô của mình có sức ảnh hưởng lên cả thị trường. VN-Index chững lại sau khi trải qua tháng 8 ấn tượng, còn BCM gần đây chính là cổ phiếu đóng góp nhiều điểm số nhất cho chỉ số chính của thị trường. Hiểu theo một cách nào đó, cổ phiếu này là trụ lực mạnh nhất của VN-Index trong những ngày đầu tháng 9.
Tuy nhiên, tốt hơn hết là nhà đầu tư nên giữ hai mắt của mình mở to thay vì lóa đi trước sự hào nhoáng đó.
Cơn sốt của “ngài thị trường”
Thanh khoản thấp là vệt tối trong ánh hào quang của đà tăng chóng mặt nhìn thấy tại BCM. Cổ phiếu này khá cô đặc khi UBND tỉnh Bình Dương sở hữu trên 95.4% cổ phần doanh nghiệp. Từ ngày 01-09/09, với tổng giá trị giao dịch chỉ hơn 205 tỷ đồng, tổng vốn hóa thị trường của BCM đã tăng thêm đến 14.9 ngàn tỷ đồng.
Nhà đầu tư tìm thấy BCM giữa bối cảnh các cổ phiếu bluechip ngân hàng và hàng tiêu dùng dường như đã “mệt mỏi” sau khi đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt thị trường. Tuy nhiên, mặc cho việc chuyển sàn niêm yết cũng góp phần làm tăng giá trị doanh nghiệp, lên HOSE không đồng nghĩa với lời giải cho tất cả những vấn đề mà BCM đối mặt trong việc kinh doanh.
Các hoạt động xúc tiến thương mại và cho thuê đất của BCM vẫn sẽ bị ảnh hưởng khi dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Áp lực trả nợ vay của BCM vẫn rất lớn trong năm 2020, bởi có đến 2 ngàn tỷ đồng trái phiếu dài hạn đến hạn trả. Trong khi rủi ro về tính thanh khoản của dự án thành phố mới Bình Dương vẫn ở đó.
* Công ty mẹ BCM đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2020 đi lùi 63%
* Lợi nhuận sau thuế hợp nhất bán niên 2020 của BCM sụt gần 47% so với cùng kỳ
Và giữa những thách thức của doanh nghiệp thì cổ phiếu BCM lại đang được giao dịch tại mức định giá “trên cung trăng”. Với thị giá 48 ngàn đồng/cp kết phiên 09/09, BCM có mức P/B gần 3.2x. Với EPS dự báo năm 2020 khoảng 899 đồng/cp (theo báo cáo ngày 14/07 của SSI Research), cổ phiếu của một doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đang được giao dịch tại mức P/E dự phóng lên đến 53.4x.
Trụ đỡ
BCM là cổ phiếu đóng góp nhiều điểm nhất cho VN-Index giai đoạn từ 01-09/09, nhờ đà tăng chóng mặt với thanh khoản thấp. P/E dự phóng 2020 của BCM hiện là 53.4x “Đà tăng của BCM liệu có bền vững?” - Đây là câu hỏi không chỉ dành cho người nắm giữ BCM mà cho cả thị trường.
Dữ liệu chốt ngày 09/09/2020. Nguồn: VietstockFinance |
Những bữa tiệc chóng tàn
Cơn sốt mới đây của cổ phiếu Ngân hàng TMCP Bản Việt (UPCoM: BVB) có lẽ cũng cho thấy thêm một góc nhìn về trường hợp của BCM.
Sau màn dạo đầu ngoạn mục tại UPCoM (tương tự cái cách mà BCM gửi lời chào sàn HOSE), những nhà đầu tư mua BVB tại đỉnh đã nhìn khoản đầu tư mất gần 47% giá trị chỉ sau 10 phiên giao dịch.
Chào sàn
Kể từ ngày đầu tiên giao dịch (09/07/2020) tại UPCoM đến nay, giá cao nhất của BVB là 18,200 đồng/cp và thấp nhất là 9,700 đồng/cp Dữ liệu chốt ngày 09/09/2020. Nguồn: VietstockFinance
|
Ngoài BVB, không ít những cái tên với câu chuyện cổ phiếu chào sàn tương tự có thể kể đến như VHE, GVR, SIP, IBC,…
Các sự kiện đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch, niêm yết mới hay chuyển sàn vẫn thường là xúc tác cho các cơn say cổ phiếu. Những lợi ích cho doanh nghiệp tại thời điểm đó thường khá mơ hồ, nhưng giá trị của doanh nghiệp, ít nhất là chiếu theo thị giá cổ phiếu có thể có những bước tiến nhanh chóng và ngoạn mục.
Trong mỗi trường hợp như vậy, luôn có những nhà đầu tư có thể chuyển hóa cơn sốt nhất thời thành khoản lợi nhuận, còn thua lỗ khủng khiếp thì như thường lệ thuộc về người đến sau.
Dù sao, thực tế là quy mô và câu chuyện doanh nghiệp của BCM hoàn toàn khác so với BVB. Việc BCM là một cơn sốt nhất thời hay là sự định giá lại hợp lý của thị trường dành cho một tài sản hấp dẫn, hay có lẽ là cả hai: Thời gian sẽ là câu trả lời tốt nhất.
- Báo cáo công bố ngày 14/07 của SSI Research đưa ra mức giá mục tiêu cho BCM là 34.9 ngàn đồng/cp trong vòng một năm. - Khối ngoại bán ròng 122 tỷ đồng BCM trong ngày thứ sáu 04/09, cũng là ngày tăng trần thứ tư liên tiếp của cổ phiếu này. - BCM liên tục bị xếp vào nhóm cổ phiếu cần canh bán tại các bản tin tư vấn mà Chứng khoán TP HCM (HSC) gửi đến nhà đầu tư từ ngày 06-09/09, sau những khuyến nghị canh mua vào đầu tháng 9. |
Thừa Vân