Trung Quốc sẽ mang WeChat, TikTok vào bàn đàm phán với Mỹ?

Trung Quốc sẽ mang WeChat, TikTok vào bàn đàm phán với Mỹ?

Các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc dự định thảo luận về tiến triển của thỏa thuận thương mại trong vài ngày tới, trong đó Bắc Kinh sẽ cố gắng mở rộng chương trình nghị sự để bao gồm cả TikTok và WeChat.

Một cuộc họp trực tuyến có khả năng diễn ra ngay trong tuần này, mặc dù thời điểm họp vẫn chưa hoàn tất, dựa trên nguồn tin thân cận từ Bloomberg. Cố vấn Kinh tế Trưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba (11/08) đẩy lùi lo ngại thỏa thuận giai đoạn 1 sẽ đổ vỡ.

Cùng với các khoản mua nông sản Mỹ và tỷ giá USD-Nhân dân tệ, các quan chức Trung Quốc dự định mang hai doanh nghiệp vừa bị ông Trump tuyên bố cấm vào bàn đàm phán, dựa trên nguồn tin thân cận.

Gần 7 tháng sau lễ ký kết thỏa thuận tại Nhà Trắng, giá trị mua hàng hóa Mỹ mà Bắc Kinh đã cam kết vẫn còn cách khá xa với mục tiêu trong thỏa thận. Cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 và sự đi xuống của mối quan hệ Mỹ-Trung (từ an ninh công nghệ cho đến Hồng Kông) khiến thương mại trở thành lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác.

 “Một lĩnh vực chúng tôi có thể tham gia là thương mại”, ông Larry Kudlow – Giám đốc của Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng – cho biết tại cuộc họp báo Nhà trắng vào ngày 11/08. “Mọi thứ vẫn ổn tại thời điểm này”.

Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh vào ngày 12/04, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Zhao Lijian cho biết quan điểm của Trung Quốc về thỏa thuận giai đoạn 1 vẫn thế. Ông nói TikTok “chỉ là nền tảng để cung cấp dịch vụ giải trí và là nơi để thể hiện tài năng cũng như chia sẻ cho người dân Mỹ và mọi cư dân trên hành tinh này. Nó chẳng liên quan gì đến an ninh quốc gia”.

Tại Mỹ, cách đối xử của ông Trump với Trung Quốc được xem là một vũ khí chính trị để Đảng Dân chủ cố gắng đào thải ông khỏi ghế Tổng thống vào tháng 11/2020. Tháng này của 3 năm về trước, chính quyền Trump đã khởi động cuộc điều tra về hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ của Trung Quốc – vốn là nền tảng của cuộc thương chiến và kết quả là hai bên áp hàng rào thuế quan lên tổng cộng 500 tỷ USD hàng hóa lẫn nhau.

Tuần này, Scott Kennedy – chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington – nói với Bloomberg Television rằng “điều đáng ngạc nhiên là bất chấp cơn bão Covid-19, cả ông Trump và ông Tập không thực sự muốn bỏ thỏa thuận giai đoạn 1”.

“Đối với ông Trump, nó là về những người nông dân – thỏa thuận này có thể thuyết phục họ bỏ phiếu cho ông trong cuộc bầu cử này”, ông Kennedy cho biết. Đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, “nó là về sự ổn định và giữ cho mối quan hệ không sụp đổ hoàn toàn”, ông nói.

Trung Quốc đang tìm cách xoa dịu một cuộc đối đầu khó lường với Mỹ, nơi mà một số gã khổng lồ công nghệ của họ bị Mỹ nhắm tới. Những hành động gần đây nhất đã châm ngòi cho khả năng bán lại TikTok cho Microsoft Corp. Ngoài ra, ông Trump cũng đang cấm các giao dịch với các chủ sở hữu của ứng dụng WeChat.

Các sắc lệnh điều hành của ông Trump – vốn có hiệu lực vào tháng 9/2020 – có khả năng tác động mạnh hơn so với lệnh cấm đối với Huawei, khi chúng đe dọa đến đường dây liên lạc giữa người dân của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mỹ cho rằng các ứng dụng có thu thập dữ liệu của Trung Quốc gây rủi ro an ninh quốc gia vì dữ liệu này có thể được Chính phủ Trung Quốc sử dụng.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đi xuống vì đại dịch, Bắc Kinh chỉ mới đi được 1/4 trong chặng đường mua hơn 170 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong năm nay. Trung Quốc sẽ cần mua 130 tỷ USD trong nửa sau năm 2020 để đáp ứng mục tiêu của thỏa thuận giai đoạn 1.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI