EU rút một phần ưu đãi EBA với Campuchia 

EU rút một phần ưu đãi EBA với Campuchia 

Thực hiện theo quyết định chính thức liên quan đến Thỏa thuận ưu đãi thương mại EBA - Everything But Arms (Mọi thứ trừ vũ khí) - đối với Campuchia, Liên minh châu Âu (EU) rút một phần ưu đãi miễn thuế dành cho Vương quốc kể từ ngày 12/08, Khmer Times đưa tin.

Như vậy, kể từ ngày 12/08, 7 tỷ USD giá trị xuất khẩu hàng năm trong ngành dệt may của Campuchia sẽ mất đi một phần ưu đãi thuế 0% mà EU đã dành cho Vương quốc.

Động thái của EU được đưa ra theo đúng quyết định của Ủy ban châu Âu (EC) - Cơ quan hành chính của EU, bất chấp mọi nỗ lực của Chính phủ và lĩnh vực tư nhân Campuchia kiến nghị EU hủy hoặc chí ít là hoãn rút ưu đãi EBA.

EU là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia. Hồi tháng 2, EC ra quyết định rút một phần ưu đãi thuế quan dành cho Vương quốc theo thỏa thuận EBA do nước này bị cáo buộc vi phạm nghiêm trọng và mang tính hệ thống các nguyên tắc trong 4 quyền cốt lõi về con người và lao động theo Công ước quốc tế. Quyết định của EC có hiệu lực kể từ ngày 12/08.

Trước quyết định này của EC, Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc Campuchia (GMAC), Hiệp hội giày dép Campuchia (CFA) và Phòng Thương mại châu Âu tại Campuchia đã nhiều lần kiến nghị EU hoãn rút ưu đãi EBA theo đúng kế hoạch do đại dịch Covid -19 làm gián đoạn sản xuất và giảm nhu cầu trên toàn cầu, gây tổn thất lớn đối với các nhà sản xuất cũng như công nhân ngành may mặc, giày dép và đồ lữ hành của Campuchia.

Phát biểu hôm 11/08 trên trang Khmer Times, Chủ tịch Van Sou Ieng của GMAC cho biết Hiệp hội và các đơn vị tư nhân có liên quan vẫn kêu gọi EU xem xét lại quyết định của họ hoặc hoãn rút ưu đãi EBA theo đúng kế hoạch.

Ông nói: “Chúng tôi hơi thất vọng vì không đạt được kết quả như nguyện vọng. Thế nhưng, chúng tôi sẽ không dừng lại ở đây. Chúng tôi sẽ tiếp tục đến cùng vì đó là nhiệm vụ. Khi quyết định rút một phần ưu đãi EBA được thực hiện, họ vẫn có quyền thay đổi và chúng tôi thậm chí không thể đoán được kết quả sẽ ra sao. Chúng tôi vẫn nhấn mạnh EU hãy thay đổi quyết định của họ”.

Quyết định dừng một phần ưu đãi EBA ảnh hưởng đến 1/5 (tương đương 1.08 tỷ USD) giá trị xuất khẩu hàng năm của Campuchia sang thị trường EU và đã được EU chấp thuận thực hiện.

Ngay trong ngày 12/08, Quốc vụ khanh Bộ Thương mại Campuchia Sok Sopheak cho biết đến hôm nay, quyết định của EU không có gì thay đổi nhưng điều này cũng không phải là mối quan ngại lớn mặc dù có ảnh hướng đến một phần của lĩnh vực dệt may.

Ông nói: “Trong khi 20% có liên quan đến mặt hàng đường thì chúng tôi đã không xuất khẩu đường sang EU và nếu nói về các mặt hàng liên quan du lịch, chúng chỉ là một phần nhỏ xuất khẩu sang thị trường châu Âu so với hàng trăm triệu USD xuất khẩu sang thị trường Mỹ”.

Ông Sopheak nói thêm “còn về quần áo và giày dép, chúng tôi đủ sức để cạnh tranh với các nước khác như Lào, Bangladesh và Myanmar”.

Ông Sopheak cũng lấy ví dụ về xuất khẩu gạo trắng của Vương quốc sang thị trường các nước EU, mặt hàng bị EU đánh thuế từ đầu năm 2019. Ông nói: “Điều tôi muốn nói là EU đã đánh thuế gạo của chúng tôi từ năm 2019 nhưng chúng tôi vẫn có thể xuất khẩu gạo sang thị trường này và điều quan trọng là chúng tôi cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu”.

Tuy nhiên, vấn đề quan ngại lớn chính là đại dịch Covid-19 và tình trạng nhiều nước trên thế giới áp dụng lệnh phong tỏa gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Động thái rút một phần ưu đãi EBA đối với Campuchia của EU được đưa ra giữa lúc Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) song phương giữa Campuchia và Trung Quốc sắp được ký kết. Vương quốc hy vọng việc ký kết FTA này có thể phần nào xoa dịu những tốn thất từ quyết định của EU.

Tuy nhiên, là người đứng đầu đoàn đàm phán của Campuchia, ông Sopheak từ chối bình luận về thời điểm chính xác FTA Campuchia - Trung Quốc sẽ được ký kết.

Tuần trước, nhà nghiên cứu kinh doanh Hong Vannak tại Học viện Hoàng gia Campuchia cho biết cần có thời gian để FTA Campuchia - Trung Quốc có thể bù đắp thiệt hại do EU rút 20% ưu đãi EBA, dù hiện tại kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt con số khá lớn.

Đỗ Thảo (Theo Phnom Penh Post)

FILI