Doanh nghiệp dệt may ‘suy kiệt’ trong quý 2 do đơn hàng giảm mạnh

Doanh nghiệp dệt may ‘suy kiệt’ trong quý 2 do đơn hàng giảm mạnh

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất và xuất khẩu ngành dệt may gặp vô vàn khó khăn như thiếu hụt nguồn nguyên liệu, đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh do bị hoãn, hủy đơn hàng. Bên cạnh đó, các khách hàng giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán làm cho các doanh nghiệp trong ngành gặp nhiều khó khăn.

Theo Bộ Công thương, tính chung 6 tháng đầu năm sản xuất dệt tăng 2.8% (cùng kỳ tăng 11.5%). Sản xuất trang phục giảm 4.7% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 8%). Lượng đơn hàng bị hủy, hoãn đều chủ yếu tập trung trong khoảng thời gian tháng 5, tháng 6.

Theo thống kê của Vietstock, trong tổng số 15 doanh nghiệp dệt may niêm yết công bố BCTC quý 2 có đến 7 doanh nghiệp báo lãi giảm và 5 doanh nghiệp phải chịu lỗ. 

Kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp ngành dệt may. Đvt: Tỷ đồng

Dẫn đầu trên hành trình “lao dốc” là CTCP Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK) với lãi ròng giảm mạnh 95% so với cùng kỳ, chỉ còn vỏn vẹn 3 tỷ đồng. Đây cũng là con số thấp nhất trong lịch sử hoạt động của STK. Theo giải trình của STK, nguyên nhân chính làm giảm kết quả kinh doanh là do tác động của dịch Covid-19 nên nhu cầu đối với sản phẩm dệt may trên thị trường bị giảm sút.

Kết quả kinh doanh của STK qua các quý gần đây. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Không chỉ báo lãi ròng quý 2 giảm 45% so với cùng kỳ mà CTCP May Sông Hồng (HOSE: MSH) còn ghi nhận khoản phải thu đối tác New York & Company (Công ty TNHH Easy Fashion Macao Commercial Offshore) đã nộp đơn phá sản hơn 219 tỷ đồng, gấp 4.6 lần đầu năm. Trong đó, phải thu trong hạn là 55.2 tỷ đồng và quá hạn dưới 3 tháng khoảng 163.8 tỷ đồng.

Khoản phải thu ngắn hạn của MSH tính đến ngày 30/06/2020. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2020 của MSH

Theo đánh giá của Ban Tổng Giám đốc MSH, sự kiện này sẽ ảnh hưởng đến giá trị và khả năng thu hồi các khoản phải thu. Công ty đang trong quá trình thảo luận và làm việc với New York & Company, các luật sư đang thực hiện thu hồi các khoản công nợ này. Tuy nhiên, với các thông tin hiện tại, Ban Tổng Giám đốc chưa thể ước tính giá trị và khả năng thu hồi công nợ do còn phụ thuộc vào quá trình tái cơ cấu của RTW Retailwinds (Công ty đứng đằng sau chuỗi cửa hàng New York & Company).

Do tình hình dịch bệnh Covid -19 bùng phát mạnh trên thế giới, khách hàng giãn thời gian giao hàng đối với toàn bộ đơn hàng tháng 3, 4, 5 dẫn đến các chỉ tiêu của Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) đều không hoàn thành kế hoạch và giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt giảm 14% và 42% so với cùng kỳ, xuống còn 1,067 tỷ đồng và hơn 32 tỷ đồng.

Đặc biệt, chi phí bán hàng của TNG trong quý 2 tăng 36% so cùng kỳ, lên hơn 42 tỷ đồng do các khoản chi phí đầu vào Công ty vẫn phải duy trì thanh toán đúng theo quy định và hợp đồng đã ký. Đối với người lao động, Công ty vẫn phải đảm bảo có việc làm và chi trả lương, các khoản chế độ đúng theo hợp đồng và quy định của Nhà nước.

Thậm chí nhiều doanh nghiệp không cầm cự nổi, báo lỗ trong quý vừa qua như Garmex Sài Gòn (HOSE: GMC) phải ôm lỗ quý 2 hơn 8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 24 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu thuần cũng giảm 31%, chỉ còn 292 tỷ đồng do đơn hàng nhận được từ khách hàng giảm. Trong kỳ, GMC còn ghi nhận khoản chi phí tài chính tăng 47% so với cùng kỳ, lên hơn 6.5 tỷ đồng chủ yếu do khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh tăng.

Con số lỗ của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (HOSE: FTM) vẫn chưa có hồi kết khi quý 2 này tiếp tục lỗ đậm 57 tỷ đồng. Đây là kết quả tồi tệ nhất mà FTM phải hứng chịu kể từ khi doanh nghiệp này đi vào hoạt động.

Tình hình kinh doanh của FTM qua các quý gần đây. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Lội ngược dòng

Trong bức tranh sụt giảm chung của ngành dệt may vẫn le lói vài doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng.

Đáng chú ý là CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, HOSE: GIL) với lãi ròng tăng đột biến lên mức 61 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần cũng tăng 69%, lên gần 917 tỷ đồng.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2020, GIL dự kiến doanh thu đạt 1,900 - 2,000 tỷ đồng và lãi sau thuế rơi vào mức 95 - 105 tỷ đồng. Có thể thấy kế hoạch kinh doanh của GIL sụt giảm đáng kể so với kết quả năm trước. Trong năm 2019, GIL đạt doanh thu hơn 2,538 tỷ đồng và lãi ròng gần 161 tỷ đồng.

Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2020, GIL đã thực hiện được 82% kế hoạch doanh thu và 64% kế hoạch lãi sau thuế (so sánh với kế hoạch cao nhất).

Nhờ xuất khẩu nhiều đơn hàng khẩu trang vải kháng khuẩn và đồ bảo hộ y tế nên doanh thu và lợi nhuận của CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) tương đối ổn định. Cụ thể, lãi ròng của TCM ghi nhận tăng 56% so với năm trước, lên hơn 81 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/06/2020, các khoản phải thu ngắn hạn của TCM cũng ghi nhận hơn 343 tỷ đồng, tăng 32% so với thực hiện năm trước. Trong đó, TCM phải thu Sear, Roebuck and Co gần 64 tỷ đồng và Eland World Ltd hơn 51 tỷ đồng.

Diễn biến giá cổ phiếu TCM từ đầu năm 2020 đến nay
Nguồn: VietstockFinance

Song song với kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng, sau khi tạo đáy tại mức giá 10,679 đồng/cp hồi cuối tháng 3, giá cổ phiếu TCM tăng đột biến và vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Hiện giá cổ phiếu TCM đang giao dịch quanh mức 22,250 đồng (chốt phiên 07/08/2020), gấp đôi so với mức giá tại đáy phiên 31/03 với khối lượng giao dịch bình quân hơn 888,500 cp/phiên.

Theo dự báo của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), xuất khẩu dệt may Việt Nam 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục giảm khoảng 14-18% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm nay khoảng 32.75 tỷ USD, giảm 16% so với 2019.

Ông Lê Tiến Trường - TGĐ Vinatex cho biết: “Xu hướng tiêu dùng ít đi, sử dụng các mặt hàng cơ bản nhiều hơn, sức mua sắm thấp... sẽ chi phối thị trường thời trang thời gian tới".

Theo đó, nửa cuối năm doanh nghiệp dệt may cần bù đắp sự thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu bằng cách đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa. Đồng thời, tối thiểu hóa sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận bằng việc quản trị chi phí sản xuất, giữ vững chất lượng sản phẩm, bố trí lại lực lượng sản xuất, xác định lực lượng lao động chủ lực cần duy trì việc làm và thu nhập để người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn khi thị trường chưa hồi phục.

Tiên Tiên

FILI