Cuối tháng 7, dư nợ cho vay của F88 tăng gần 80% so với cùng kỳ

Cuối tháng 7, dư nợ cho vay của F88 tăng gần 80% so với cùng kỳ

Tính đến cuối tháng 7/2020, dư nợ cho vay của CTCP Đầu tư F88 tăng 78.8% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu và các nguồn thu tăng 149%.

Trong 6 tháng đầu năm, Công ty đã tăng vốn cổ phần thêm 137.5 tỷ đồng và huy động vốn từ phát hành trái phiếu 165 tỷ đồng. Số tiền này được sử dụng cho việc phát triển kinh doanh và giải ngân cho khách hàng vay.

Tính đến cuối tháng 6/2020, tỷ lệ nợ xấu của F88 vẫn ở mức dưới 1%. Theo phía Công ty giải thích, nợ xấu thấp là do bản chất mô hình kinh doanh của F88 là 100% các khoản vay đều có tài sản đảm bảo nên ý thức trả nợ của khách hàng cao hơn. Hơn nữa, các khoản vay nhỏ, không có rủi ro tập tập trung. So với cùng kỳ năm trước, dư nợ của F88 tăng 100%, số phòng giao dịch cũng tăng thêm 100. Đặc biệt, gói vay thông qua tài sản xe máy và ô tô là nhóm sản phẩm được khách hàng lựa chọn và chiếm tỷ trong lớn hơn 80% dư nợ của F88.

Hồi tháng 7 vừa qua, F88 công bố đã hoàn thành đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị 108.3 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu kỳ hạn 12 tháng, mệnh giá 100,000 đồng/trái phiếu, không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo và không kèm chứng quyền, được bảo lãnh thanh toán bởi CTCP Đầu tư F88. Trái phiếu được phát hành dưới hình thức bút toán điện tử với lãi suất là 12.5%/năm.

Chuỗi cửa hàng cầm đồ F88 ra đời năm 2013, nhận được sự quan tâm của thị trường khi chuyên nghiệp hóa mô hình cho vay cầm đồ. Công ty chỉ cho vay thế chấp tài sản và không cho vay tín chấp. Các sản phẩm bao gồm: vay thế chấp xe máy, ô tô, đăng ký xe máy, đăng ký xe ô tô, điện thoại, laptop, trang sức,… Doanh thu của F88 chủ yếu đến từ tiền lãi gửi đồ của khách hàng.

F88 bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2017 sau khi nhận được sự rót vốn của 2 quỹ đầu tư Mekong Capital và Granite Oak. Tính đến cuối tháng 7/2020, Công ty có 200 phòng giao dịch (48 ở Hà Nội, 77 ở TPHCM, 75 ở các tỉnh khác).

Hàn Đông

FILI