Cơn đau âm ỉ bên dưới đà hồi phục của nền kinh tế Mỹ

Cơn đau âm ỉ bên dưới đà hồi phục của nền kinh tế Mỹ

Nhìn trên bề mặt, đà hồi phục của doanh số bán lẻ Mỹ có hình chữ “V”, nhưng con số tổng thể đã che khuất cơn đau kinh tế âm ỉ ở nhiều doanh nghiệp Mỹ.

Sau 3 tháng tăng trưởng liên tiếp, dù tăng yếu hơn dự báo, nhưng tổng doanh số bán lẻ của Mỹ đã phục hồi vượt cả mức trước dịch bệnh. Thế nhưng, thành phần cấu thành nên chi tiêu trông có vẻ rất khác so với thời điểm đầu năm. Sức kéo của doanh số bán hàng trực tuyến và tại cửa hàng bách hóa đã che khuất sự thật rằng một số lĩnh vực như nhà hàng, quán bar và cửa hàng quần áo còn lâu mới phục hồi hoàn toàn.

“Nơi chúng ta mua sắm đã trở nên khác đi đôi chút, nhưng chúng ta thực sự có một con số bán lẻ khá mạnh tại thời điểm này”, Stephen Gallagher, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Societe Generale SA, cho hay. “Du lịch, ăn ngoài, sự kiện thể thao, nhiều sự kiện giải trí – tất cả rồi sẽ gặp khó khăn thêm một khoảng thời gian”.

Doanh số bán lẻ làm nổi bật đà hồi phục của chi tiêu tiêu dùng – vốn giúp nền kinh tế gượng dậy từ quý giảm mạnh nhất kể từ thập niên 40. Tuy nhiên, không phải tất cả nhà bán lẻ đều phục hồi.

Số hóa đơn tại nhà hàng, cửa hàng bách hóa và cửa hàng quần áo đều thấp hơn mức của cùng kỳ năm trước, nhưng những loại hình này chỉ chiếm 15% doanh số bán lẻ tổng thể.

Dù vậy, triển vọng chi tiêu tiêu dùng trong vài tháng tới vẫn chưa tươi sáng. Phần trợ cấp thất nghiệp 600 USD/tuần – vốn đã thúc đẩy thu nhập và chi tiêu của hàng triệu người thất nghiệp trong những tháng gần đây – đã hết hạn vào cuối tháng 7/2020 và nhà làm luật đang gặp bế tắc về gói hỗ trợ bổ sung.

Một báo cáo khác trong ngày 14/08 cho thấy tâm lý người tiêu dùng vẫn còn yếu ớt trong tháng 8/2020, tăng nhẹ so với tháng 7 nhưng chẳng cải thiện bao nhiêu so với mức đáy tháng 4/2020. Bên cạnh đó, tổng chi tiêu của người tiêu dùng – bao gồm chi tiêu đối với hàng hóa và dịch vụ – vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.

Báo cáo ngày 14/08 của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy doanh số bán lẻ tăng 1.2% so với tháng trước, sau khi tăng 8.4% trong tháng 6/2020. Việc tăng trưởng chậm lại phản ánh sự suy giảm tại các đại lý xe cơ giới và cửa hàng vật liệu xây dựng, cùng với đà tăng yếu hơn tại nhà hàng và cửa hàng quần áo.

Trong số 13 khoản mục, có tới 9 khoản mục tăng trưởng, mạnh nhất là mặt hàng thiết bị điện tử và hàng gia dụng. Doanh số bán lẻ ở những mặt hàng này vọt 22.9% sau đà tăng 37.6% trong tháng 6/2020, có khả năng phản ánh sự thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng như người dân làm và học tại nhà. Hóa đơn tại các cửa hàng đồ thể thao và cửa hàng bán hàng hóa theo sở thích (hobby stores) giảm 5% so với tháng trước, sau khi tăng 27.6% trong tháng 6.

Chỉ số S&P 500 trồi sụt trong ngày 14/08, gần mức kỷ lục.

“Đối với chi tiêu cho hàng hóa tiêu dùng, đà phục hồi đã chấm dứt – mức chi tiêu đã trở lại mức cao kỷ lục”, các chuyên gia kinh tế tại Wells Fargo cho biết trong báo cáo. “Thế nhưng, hãy nhớ rằng đối với nền kinh tế nói chung, chi tiêu cho dịch vụ vẫn gấp 2 lần so với chi tiêu cho hàng hóa và đà hồi phục của chi tiêu dịch vụ vẫn chậm hơn nhiều”.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump – người đang thua điểm so với ứng viên Tổng thống Joe Biden trong những cuộc thăm dò ý kiến gần đây – đã ký sắc lệnh hành pháp để thông qua gói hỗ trợ tối đa 400 USD/tuần cho người thất nghiệp, nhưng vẫn chưa rõ người thất nghiệp đã nhận khoản thanh toán này hay chưa. Ông cũng cho phép hoãn đóng thuế tiền lương trong 4 tháng, từ đó cho người lao động khả năng chi tiêu thêm.

Quan trọng hơn, Mỹ vẫn chưa thể kiểm soát thành công dịch Covid-19, mặc dù sự lây lan đã yếu đi trong vài tuần gần đây. Một vài quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục nhấn mạnh đến vai trò của kiểm soát dịch bệnh trong đà hồi phục gần đây. Trong đó, Chủ tịch Fed khu vực San Francisco, Mary Daly cho biết trong ngày 12/08 rằng: “Virus quyết định đến nhịp độ hồi phục của chúng ta. Đây là thông điệp chính: Bất ổn đang ở trước mắt chúng ta”.

Một báo cáo khác từ Fed cho thấy tổng sản lượng tại nhà máy, mỏ khoáng sản và tiện ích tăng 3% trong tháng 7 so với tháng trước đó, trùng khớp với dự báo.

“Nền kinh tế đang cho thấy sự vững chắc bất chấp số ca nhiễm Covid-19 vẫn còn rất cao”, Michael Gapen, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Barclays, nói trên Bloomberg Television. “Tôi nghĩ nền kinh tế có thể tiếp tục đứng vững, nhưng tôi nghĩ sẽ cần thêm sự hỗ trợ từ Chính phủ liên bang để nền kinh tế tiếp tục phục hồi”.

* Chứng khoán Mỹ khiến nhà đầu tư F0 của Trung Quốc thức giấc giữa đêm

* Cựu quản lý quỹ đầu cơ: Bong bóng chứng khoán Mỹ sẽ nổ tung nếu Joe Biden thắng cử

* Chuyên gia: Kinh tế Mỹ suy giảm hơn nữa nếu không có gói kích thích

* Mỹ: Số lao động xin trợ cấp lần đầu đã giảm dưới 1 triệu mỗi tuần

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI