Việt Nam ETFs họ là ai?

Việt Nam ETFs họ là ai?

Khi tham gia trên thị trường chứng khoán nhà đầu tư thường nghe đến các cụm từ như: ETF đảo danh mục, quỹ hoán đổi danh mục, kỳ review của ETF sẽ tác động đến thị trường... Vậy, các quỹ ETF là gì? Tại sao chúng được hình thành? Các quỹ này hoạt động như thế nào? Hãy cùng người viết tìm hiểu qua loạt bài “Việt Nam ETFs họ là ai?”

ETF họ là ai? Ảnh: Internet

Tại sao lại cần ETF?

Với nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán thường sẽ có 2 lựa chọn:

1. Tự đầu tư

2. Ủy thác tài sản cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp

Lựa chọn (1) đòi hỏi nhà đầu tư phải bỏ rất nhiều công sức và thời gian nghiên cứu thị trường, cổ phiếu, doanh nghiệp... Tuy nhiên, việc bỏ công sức ra chưa chắc đem lại kết quả như mong muốn, thậm chí có thể mất tiền khi chọn sai cổ phiếu. Nhà đầu tư muốn có lời đòi hỏi phải tìm tòi, rèn luyện hàng ngày, tiến bộ không ngừng. Sự rèn luyện này chỉ phù hợp với những người muốn hướng đến việc trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp chứ không phù hợp với những nhà đầu tư nghiệp dư, chứng khoán chỉ là nghề tay trái để “có đồng ra đồng vô” .

Do đó, lựa chọn thứ 2 ủy thác cho các PM (nhà quản lý danh mục đầu tư - Portfolio manager) là một lựa chọn khôn ngoan. PM là những người có kinh nghiệp đầu tư, hiểu biết thị trường, nắm bắt thông tin, đặc biệt hơn là có những kỹ năng quan trọng để giúp khoảng đầu tư sinh sôi.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là chi phí. Khi ủy thác cho các PM nhà đầu tư sẽ chịu các khoản phí nhất định, tùy vào từng loại quỹ, thông thường rơi vào khoảng 2% trên NAV (Net asset value - tổng tài sản quỹ đang nắm giữ). Bên cạnh đó, giới đầu tư có tiêu chuẩn “hai và hai mươi” (Two and twenty hay "2 and 20") tức phí sẽ được tính thành 2 phần:

(1) “Two”: Phí cố định bằng 2% NAV của quỹ

(2) “Twenty” Phần phí tính dựa trên thành quả đầu tư của PM, 20% lợi nhuận. Ví dụ, nếu quỹ A đạt tỷ suất sinh lợi (TSSL) 30% thì khoản phí này được tính như sau 30%*20%= 6%.

Theo nghiên cứu, dù thành tích đầu tư của các PM có tốt thì các chi phí này cũng bào mòn đi lợi nhuận của nhà đầu tư (người bỏ tiền vào quỹ) trong dài hạn. Cuối cùng TSSL của nhà đầu tư cũng không thể chiến thắng được thị trường ("beating the market”). Đó là chưa kể đến trường hợp những PM có quyết định đầu tư sai lầm làm ảnh hưởng đến lợi nhuận chung.

Tuy nhiên, những lợi ích nhà đầu tư nhận được từ việc ủy thác cho các PM là không thể phủ nhận, vấn đề chỉ là chi phí cho các PM quá cao. Vì thế, vào những năm 1990, một loại quỹ mới được ra đời nhắm đến các nhà đầu tư không chuyên với chi phí thấp và nắm bắt TSSL của thị trường, đó là các quỹ ETF.

ETF là gì?

ETF (exchange-traded fund) hay quỹ hoán đổi danh mục là một dạng quỹ mở, tập trung nắm giữ một nhóm tài sản cụ thể có thể là cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa... Các quỹ này được thiết kế theo hình thức đầu tư thụ động (passive investment) nhằm cố gắng mô phỏng lại TSSL của một chỉ số cụ thể. Ví dụ, quỹ SPDR S&P 500 ETF mô phỏng TSSL của S&P 500, nếu S&P 500 tăng 1% trong phiên thì tài sản của SPDR S&P 500 ETF cũng tăng 1%.

Ban đầu các quỹ ETF được thiết kế dựa trên chỉ số để nắm bắt TSSL của thị trường cổ phiếu nhưng sau này ETF phát triển mạnh, các chỉ số được xây dựng hướng đến tài sản khác nhau như:

  • Vanguard S&P 500 ETF, quỹ ETF chứa các cổ phiếu từ chỉ số S&P 500
  • SPDR Gold MiniShares Trust, hướng đến các cổ phiếu nằm trong ngành khai thác vàng
  • iShares Silver Trust, quỹ ETFs phản ánh và theo dõi tssl từ giá bạc
  • iShares PHLX Semiconductor ETF, các công ty trong ngành công nghiệp bán dẫn
  • Invesco Solar ETF, tập trung vào cổ phiếu năng lượng
  • Gold SPDR (GLD) tập trung phản ảnh biến động của vàng vàng

Đặc điểm quan trọng của các quỹ ETF là nắm bắt TSSL của thị trường, các quỹ này không cố gắng đánh bại thị trường và chi phí vận hành quỹ được cắt giảm tối đa thường thấp hơn 1% NAV, phí quản lý của các ETF tại Việt Nam khá thấp như E1VFVN30 chỉ 0.65% NAV.

Thanh khoản của các tài sản trong chỉ số là một vấn đề được quan tâm ở các quỹ ETF. Các quỹ ETF thường hoạt động dưới hình thức quỹ mở dòng tiền vào và ra khá nhanh làm giá trị tài sản có thể biến động khá lớn trong một thời gian ngắn, vì thế để đảm bảo hoạt động của quỹ trước hành động rút tiền của nhà đầu tư. Các quỹ ETF thường được xây dựng trên các tài sản có mức độ thanh khoản cao để dễ dàng chuyển tài sản thành tiền để trả lại cho nhà đầu tư trong trường hợp cần thiết.

ETF hoạt động như thế nào?

Đầu tiên phải nói đến khái niệm Benchmark index của ETF, Benchmark index có thể là một chỉ số có sẵn trên thị trường được quỹ chọn hoặc được các quỹ xây dựng lên, ví dụ VN30-Index (HOSE xây dựng), FTSE Vietnam Index (FTSE Russell xây dựng cho quỹ ETF của FTSE đầu tư vào Việt Nam). Vậy Benchmark là gì?

Benchmark index là chỉ số được dùng để làm tham chiếu cho ETF. Chỉ số này đóng vai trò quan trọng như cái neo để các quỹ ETF dựa vào đó để hình thành danh mục của quỹ. Danh mục của quỹ sẽ phải bám sát với TSSL của Benchmark index.

Thông thường các quỹ ETF sẽ đầu tư theo tỷ trọng và thành phần cổ phiếu cấu thành nên Benchmark index, ví dụ, VN30-Index gồm rổ 30 cổ phiếu với tỷ trọng top 3 cổ phiếu lớn nhất như sau VNM (10%), VIC (7%) và VHM (6%) thì E1VFVN30, quỹ ETF có Benchmark index là VN30 Index, cũng phải đầu tư vào 30 cổ phiếu thuộc rổ VN30 với tỷ trọng tương ứng.

Thứ hai là kỳ đảo danh mục (review danh mục) của quỹ. Trong quá trình vận động của thị trường, có những cổ phiếu sẽ tốt lên và trở thành cổ phiếu quan trọng và có những cổ phiếu lớn làm ăn thua lỗ theo thời gian và có thể bị phá sản. Do đó, để phản ánh những thay đổi này, các Benchmark index thường đánh giá lại các cổ phiếu thành phần theo bộ tiêu chí của mình khoảng 1 quý một lần (MVIS Vietnam Index, FTSE Vietnam Index), đôi khi là 6 tháng 1 lần (VN30-Index). Trong những lần đánh giá này sẽ có những cổ phiếu được thêm mới hoặc loại ra.

Khi các Benchmark index có danh sách cổ phiếu mới sau những kỳ đảo danh mục thì các quỹ ETF cũng phải tiến hành mua bán để có được danh sách cổ phiếu như Benchmark index. Có một số mốc thời gian nhà đầu tư cần phải nhớ:

· Ngày chốt dữ liệu: Là ngày giao dịch cuối cùng tại đó Benchmark index sẽ chốt số liệu của cổ phiếu. Dựa vào số liệu này để tính toán/lọc cổ phiếu thành phần của Benchmark index. Ví dụ với FTSE Vietnam Index là ngày giao dịch cuối cùng của tháng 2, 5, 8 và 11.

· Ngày công bố danh mục: Là ngày các tổ chức quản lý Benchmark index công bố cổ phiếu thành phần và tỷ trọng của các cổ phiếu thành phần trong danh mục. Ví dụ: FTSE Vietnam Index sẽ công bố cổ phiếu thành phần và tỷ trọng của cổ phiếu vào thứ 6 đầu tiên của các tháng 3, 6, 9 và 12. Ví dụ, trong đợt công bố tháng 09/2019, FTSE thông báo thêm VJC vào chỉ số FTSE Vietnam Index, đồng thời loại CII..

·Thời gian đảo danh mục: Đây là thời gian sau ngày công bố danh mục đến ngày hiệu lực, ở đó các quỹ ETF sẽ phải giao dịch để đưa cơ cấu cổ phiếu về đúng với cơ cấu mới vừa được công bố theo Benchmark index. Ví dụ, dựa trên kết quả vào ngày công bố danh mục ETF có benchmark index là FTSE Vietnam Index sẽ có 2 tuần tiến hành cơ cấu danh mục (mua vào KDH và bán ra GEX) để có được danh mục như công bố. Ngày cuối cùng là thứ sáu lần thứ 3 của tháng.

· Ngày hiệu lực: Là ngày Benchmark index mới chính thức được sử dụng. Ví dụ, FTSE Vietnam Index sẽ có hiệu lực vào ngày giao dịch kế tiếp sau thời gian đảo danh mục, tức thứ 2 tuần thứ 4 của tháng 3, 6, 9 và 12.

Thứ ba là cách thức giao dịch chứng chỉ quỹ của ETF. Có thể hiểu nôm na rằng chứng chỉ quỹ ETF sẽ được giao dịch trên 2 thị trường riêng biệt:

· Thị trường sơ cấp: Tại đây các thành viên tạo lập quỹ hoặc các nhà đầu tư sẽ giao dịch trực tiếp với quỹ. Các thành viên phải sở hữu danh mục cổ phiếu với tỷ trọng và thành phần như yêu cầu của quỹ. Quỹ sẽ phát hành tối thiểu 1 lô chứng chỉ quỹ (thường 1 lô gồm 100,000 chứng chỉ quỹ) cho các bên để đổi lấy danh mục cổ phiếu này. Ngược lại khi cần, các thành viên có thể gom 1 lô chứng chỉ để đổi thành tiền. Những giao dịch này sẽ làm tăng hoặc giảm tài sản của quỹ.

· Thị trường thứ cấp: Các nhà đầu tư sẽ giao dịch chứng chỉ quỹ với nhau. Chứng chỉ quỹ ETF sẽ được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ở đây các nhà đầu tư sẽ mua bán trực tiếp với nhau. Trên thị trường giới hạn tối thiểu sẽ thấp hơn nhiều, với HOSE là 10 chứng chỉ quỹ.

Trên đây là một số khái niệm cơ bản của quỹ ETF, cũng là mục tiêu giới thiệu của bài viết để người đọc có thể hình dung được cách thức vận hành và hoạt động của loại quỹ này. Trong những kỳ sau, tác giả sẽ tập trung vào cách thức lọc cổ phiếu và tác động trong các kỳ đảo danh mục của các quỹ này đến thị trường Việt Nam.

Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng nhóm phân tích chiến lược, Chứng khoán KIS Việt Nam

FILI